Nguyễn Tấn (1822 - 1871)

03:01, 26/01/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Nguyễn Tấn (Nguyễn Công Tấn) tên hiệu là Ôn Khê, tên tự là Hạ Vân và Tử Vân, người làng Thạch Trụ, nay thuộc xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; là con trai của Thọ Sơn cư sĩ Nguyễn Công Thái và bà Nguyễn Thị Lựu, người tỉnh Vĩnh Long.

TIN LIÊN QUAN

Ông sinh năm Nhâm Ngọ (1822) tại phủ Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Thái Bình), nơi ông nội là Nguyễn Công Tuy làm tri phủ. Thuở nhỏ, Nguyễn Tấn nổi tiếng thông minh, lên 14, 15 tuổi thơ phú đã rành. Năm Quý Mão (1843), ông thi đậu cử nhân tại trường thi Thừa Thiên.

Nguyễn Tấn khởi ngạch làm quan với chức học Huấn đạo, đến năm Ất Tỵ (1845) ông làm tòng sự tại Quốc Tử giám rồi chuyển sang Hành tẩu Cơ mật viện . Từ năm Canh Tuất (1850) đến năm Quý Hợi (1863), ông lần lượt giữ các chức Hậu bổ Hưng Yên sung chức Hàn lâm viện, Tri phủ An Khánh, Án sát Hưng Yên rồi Thự Án sát Thái Nguyên.

 

Bia đá khắc bài “Bình Man tự ký” do Nguyễn Tấn biên soạn vào năm Tự Đức thứ 22 (Kỷ Tỵ- 1869)
Bia đá khắc bài “Bình Man tự ký” do Nguyễn Tấn biên soạn vào năm Tự Đức thứ 22 (Kỷ Tỵ- 1869)


Cuối năm 1863, khi đang hành chức ở Thái Nguyên, nghe tin vùng núi rừng phía Tây Quảng Ngãi có nhiều biến động mà triều đình đã khá nhọc công nhưng vẫn  chưa bình ổn được, Nguyễn Tấn dâng sớ xin về quê, gánh vác trọng trách này. Vua Tự Đức chuẩn y, thăng hàm Thị độc, sung chức Tiểu phủ sứ, ban cấp ấn quan phòng cho ông. Chức Tiểu phủ sứ (hàm tam phẩm) lần đầu tiên được đặt ra dưới triều Nguyễn và Nguyễn Tấn là người đầu tiên đảm nhận.

Về đến Quảng Ngãi, sau một thời gian khảo sát, tìm hiểu, ông trình lên nhà vua và đình thần phương lược cùng kế sách trị an biên cảnh, thu phục lòng dân. Khi được triều đình chấp thuận, Nguyễn Tấn cùng các mưu sĩ, thuộc hạ ra công thực hiện dù phải gánh chịu gian khó, nhọc nhằn.

Vừa dùng biện pháp cứng rắn với kẻ kích động, ngoan cố, vừa chọn cách xử lý bao dung với người hối cải, một thời gian sau Nguyễn Tấn đã đem lại yên bình, ổn định cho miền Tây Quảng Ngãi.  Người kinh, người thượng xoá dần nghi kỵ, cùng chăm lo nương rẫy, ruộng đồng; trao đổi vật phẩm, hàng hoá giữa 2 vùng được mở rộng. Ông được triều đình ban khen nhiều lần. Năm Canh Ngọ (1870), ông được thăng Hữu Thị lang bộ Binh, vẫn sung chức Tiểu phủ sứ. Người dân sở tại biết ơn và dành cho Nguyễn Tấn sự trọng vọng, kính phục hiếm thấy.

Một điểm đáng lưu ý là trong quá trình thực thi trọng trách được triều đình giao phó, Nguyễn Tấn luôn chú trọng tìm kiếm, thu dụng những người tài năng, giàu mưu lược như Nguyễn Mỹ, Kiều Lâm, Ngô Đắc Hoạch, Phan Văn Cựu, Phạm Biểu… Không phụ lòng ông, những người này đã có đóng góp quan trọng trong việc hoạch định kế sách cũng như tổ chức thực hiện các giải pháp về quân sự, cai quản và thu phục nhân tâm.

 

 Bảo Thiên Xuân (Hành Tín Đông, Nghĩa Hành) một vị trí quân sự quan trọng được củng cố dưới thời Nguyễn Tấn giữ chức Sơn Phòng Tiểu phủ sứ.
Bảo Thiên Xuân (Hành Tín Đông, Nghĩa Hành) một vị trí quân sự quan trọng được củng cố dưới thời Nguyễn Tấn giữ chức Sơn phòng Tiểu phủ sứ.


Từ những hiểu biết sâu sắc về địa hạt mình trấn nhậm, Nguyễn Tấn đã biên soạn tập sách “Phủ Man tạp lục”, một công trình khảo cứu công phu, toàn diện về vùng rừng núi hiểm trở và rộng lớn án ngữ phía tây Quảng Ngãi. Cho đến nay, Phủ Man tạp lục vẫn là tác phẩm không thể thiếu của các học giả khi nghiên cứu về đất và người miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Tổng tài Quốc sử quán triều Thành Thái Cao Xuân Dục (1843- 1923) cho rằng cuốn sách của Nguyễn Tấn là dùng để bổ túc cho các sách sử trước đây chưa đầy đủ, soi rõ thêm các điều chưa tường tận. Còn Henri Maitre (1883- 1914), một nhà dân tộc học người Pháp, nhận xét đó là một tập ghi chép cung cấp những tri thức rất chính xác và đặc biệt quý giá về các sắc dân thiểu số ở Quảng Ngãi.

Tương truyền Nguyễn Tấn là người tính khí ôn hòa, gần gũi với mọi người, song với việc quân thì ông lại tỏ ra rất nghiêm nghị, quyết đoán, vì thế thuộc hạ, binh lính vừa yêu mến lại vừa kính sợ. Ông cũng nổi tiếng là vị quan thanh liêm, sống thanh bần, cần kiệm.

Nguyễn Tấn mất ngày 20 tháng 4 năm Tân Mùi (1871), được truy tặng hàm Hữu Tham tri bộ binh. Người Kinh, người Thượng lập đền thờ, dựng bia ghi công đức ông ở nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ngãi.

 

Lê Hồng Khánh

 

*Đón đọc kỳ tới: Trương Quang Đản (1833- 1914)




 


CÁC TIN KHÁC
.