(Baoquangngai.vn)- Trần Công Hiến sinh quán ở làng Vạn An (tổng Trung, huyện Chương Nghĩa), nay thuộc xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. Khi cha mất ông theo mẹ về sống ở quê ngoại, thôn Mỹ Huệ (tổng Trung, huyện Bình Sơn), nay thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình có truyền thống học hành, được tiếng là người thông minh, hay chữ, nhưng vì người cha mất sớm, lại gặp thời buổi lắm can qua nên Trần Công Hiến đành dang dở nghiệp sách đèn.
Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung đột ngột qua đời, người kế vị là Cảnh Thịnh vừa nhỏ tuổi, vừa thiếu tài năng, đức độ. Nhà Tây Sơn nhanh chóng rơi vào giai đoạn suy vi, quan tướng trừ khử nhau vì tranh quyền đoạt lợi, dân tình ngao ngán, người hiền tài trong nước nghiêng dần theo Nguyễn Ánh.
Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Ánh đưa đại quân từ trong Nam ra đánh chiếm Nha Trang, Diên Khánh, Phú Yên, công phá thành Quy Nhơn, thủ phủ của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc. Liệu thế chống đỡ không lại, Nguyễn Nhạc cầu cứu Cảnh Thịnh (con Nguyễn Huệ, gọi Nguyễn Nhạc là bác ruột) đem quân Phú Xuân vào tiếp cứu.
Nhận lời, ông “vua cháu” sai các tướng lãnh đưa lực lượng hùng hậu gồm cả bộ binh, thủy binh, tượng binh tiến vào Quy Nhơn, đẩy lùi quân Nguyễn Ánh, nhưng rồi nhân đó cướp luôn đất đai, kho tàng của “vua bác”.
Nguyễn Nhạc uất ức thổ huyết qua đời, con trai là Quang Bảo bị quân Cảnh Thịnh đưa đi an trí ở Phù Ly. Một trang sử bi đát của nhà Tây Sơn bắt đầu với cảnh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Trần Công Hiến gia nhập lực lượng Nguyễn Ánh trong hoàn cảnh đó và ông nhanh chóng được trọng dụng, lập nhiều quân công, thăng đến chức Tổng nhung Cai cơ.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh đánh bại triều Tây Sơn, lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra triều Nguyễn, Trần Công Hiến được bổ chức Trấn thủ Hải Dương, đến năm Quý Hợi (1803), kiêm luôn chức Khâm sai Chưởng cơ. Vào cuối đời, ông được nhà vua phong tước Ấn Quang hầu.
Đền thờ Trần Công Hiến trong khuôn viên đình Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa. |
Trần Công Hiến nổi tiếng là một quan lại ái quốc ưu dân, giàu tài năng và tâm huyết. Được giao trọng trách ở một vùng biên trấn, cùng chịu chung hoàn cảnh đất nước vừa phải gánh chịu 3 thế kỷ chiến cuộc triền miên, lại thêm thiên tai mất mùa, ruộng đồng hoang hóa, giặc cướp bên trong, giặc Tàu ô ngoài biển, quả thật là một thách thức lớn đối với vị võ quan vừa từ trận tiền trở lại, nhung y còn vương mùi thuốc súng.
Không phụ lòng tin của triều đình và bá tánh, Trần Công Hiến đã nhanh chóng đề ra các giải pháp nhằm cấp thời ổn định đời sống người dân, khuyến khích sản xuất, dẹp yên nạn trộm cướp, kiềm phòng giặc Tàu ô. Công lao rất lớn của ông, có ý nghĩa lâu dài về dân kế, dân sinh là việc huy động nhân lực đắp đê lấn biển, biến hơn 8 ngàn mẫu ruộng ngập mặn ở 2 huyện Vĩnh Lại và Tứ Kỳ thành ruộng thuần để dân nông cày cấy. Người Hải Dương nhớ ơn ông, gọi tên con đê ấy là đê Trần Công.
Năm Quý Hợi (1803) vua Gia Long ra Bắc lần thứ 2, kinh lý qua vùng Hải Dương, phên dậu phía đông thành Thăng Long kịp nhận thấy sự bất lợi của vị trí thành Hải Dương (lúc bấy giờ đóng ở Mao Điền) trong việc công thủ khi có biến. Nhãn quan quân sự sắc bén của ông vua vốn nhiều năm vào sinh ra tử ở chiến trường cũng phù hợp với ý kiến của nhiều nhân sỹ đất Bắc và cả Trấn thủ Trần Công Hiến.
Vì vậy, đến lần ra Bắc thứ 3, năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long đã hạ chỉ di dời trấn sở từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Hàm Giang (sông Thái Bình), cách trấn sở cũ 15 km, về phía Đông.
Trấn thủ Hải Dương Trần Công Hiến là người được đích thân nhà vua giao nhiệm vụ đốc thúc thực hiện chủ trương của triều đình và ông đã hoàn thành nghiêm lệnh một cách xuất sắc. Thành Hải Dương mới (thành Đông) vừa là trấn thành, vừa là căn cứ quân sự hùng mạnh án ngữ mặt đông thành Thăng Long, trở thành một trong số các công trình kiến trúc quân sự quy mô, bề thế, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ đất nước thời nhà Nguyễn.
Năm Ất Sửu (1805) Trần Công Hiến cho đo vẽ bản đồ hình thế núi sông, bến đò, chợ quán, đường sá ở Hải Dương dâng về kinh đô. Cùng thời gian này, ông trực tiếp cầm quân dẹp tan bọn giặc cướp quấy phá vùng cửa biển, giữ cho người dân cuộc sống yên bình.
Là một võ quan thao lược, lại có tài kinh bang tế thế, Trần Công Hiến dành sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục, thi cử và di sản văn chương của cha ông. Chiến tranh, loạn lạc, khí hậu ẩm thấp đã khiến cho rất nhiều trước tác có giá trị của người xưa bị thất tán đó đây, một số không nhỏ đang trong tình trạng làm mồi cho mối mọt…
Xót xa trước tình cảnh này, Trần Công Hiến tập hợp một số người cùng chí hướng xây dựng nên cơ sở ấn loát quy mô, bề thế, lấy tên là Hải Học đường.
Dưới sự bảo trợ, khuyến khích và trực tiếp tham gia của Trần Công Hiến, đồng thời được giới nhân sĩ, khoa bảng ủng hộ nhiệt thành, Hải Học đường đã sưu tầm, khảo cứu và khắc in nhiều bản văn quý, đáng phải kể đến là: Danh thi hợp tuyển, Lịch đại sách lược, Danh văn tinh tuyển, Ứng chế tứ lục tuyển, Hải Dương phong vật chí… Nhiều tác phẩm của Dương Bật Trạc, Đồng Doãn Giai, Phạm Quý Thích, Phan Huy Ích, Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Bình Khiêm, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm… còn lưu lại đến ngày nay là nhờ công rất lớn của nhóm sưu tầm, biên khảo Hải Học đường.
Đóng góp của Hải Học đường vào đời sống văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XIX là rất đáng ghi nhận. Hải Dương phong vật chí (do Trần Huy Phác soạn theo chủ trương của Trần Công Hiến) là một tác phẩm giá trị, ghi chép công phu, tỉ mỉ về vùng đất Hải Dương, từ hình sông, thế núi đến đường sá, dịch quán; từ nhân vật, phong tục đến thổ ngơi, bách nghệ đều được mô tả, khảo cứu cẩn thận, kèm theo đó là những nhận định sâu sắc, uyên thâm.
Danh thi hợp tuyển (12 quyển) là một tuyển tập văn học đồ sộ, sưu tầm và khắc in 1669 bài thơ của các danh sĩ từ đời Gia Long trở về trước, nhiều nhất là các danh sĩ cuối thời nhà Lê.
Tháng chạp năm Bính Tý (đầu năm 1817) Trần Công Hiến qua đời tại trấn sở trong niềm thương tiếc của triều đình, thuộc lại, bằng hữu và dân chúng Hải Dương. Di hài ông được đưa về Quảng Ngãi, an táng ở quê ngoại, làng Mỹ Huệ, phủ Bình Sơn. Người dân ở đây kính trọng gọi ngôi mộ Trần Công Hiến là “Mộ Ông lấp biển”, vừa nhắc đến công lao lấn biển, mở đất ở Hải Dương lúc sinh thời, vừa ngụ ý xem ông như một vị lương thần, uy đức “vá trời, lấp biển”.
Mộ Trần Công Hiến ở Mỹ Huệ, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn. |
Về sau, tại làng Vạn An (quê nội), người dân lập ngôi đền thờ ông trong khuôn viên đình làng, mặt tiền hướng ra phía bến đò sông Kinh, nơi ngày trước là một bến thuyền mà ông nội Trần Công Hiến là Trần Hữu Dũng – một bộ tướng trong đoàn quân Nam chinh của vua Lê Thánh Tông đã dừng chèo, hạ buồm, cùng thuộc hạ và gia quyến chọn làm nơi lập nghiệp lâu dài.
Các nhà viết sử triều Nguyễn khen Trần Công Hiến là người “thờ mẹ rất hiếu”, “tính thích văn học”, “làm quan thanh liêm, công bằng”. Một văn quan đương thời đã viết: “May nhờ có vị trấn thần miền Đông bụng dạ bậc công hầu, tài ví nghìn dặm trường thành và thi thư thánh hiền thì suốt đời yêu thích. Nếu quan trấn hết thảy mà như quan trấn miền Đông thì thiên hạ sẽ không có sách gì là không được đọc”. Miền Đông là tên gọi chỉ trấn Hải Dương, vì nằm về phía đông thành Thăng Long, còn vị trấn thần tài đức ấy chính là Trần Công Hiến.
Trần Công Hiến là người có công lớn trong việc ổn định vùng đất Hải Dương vào thời kỳ đầu nhà Nguyễn, khi công cuộc thống nhất đất nước còn gặp nhiều thách thức. Ông cũng là một quan lại nặng lòng với di sản văn hóa của tiền nhân, có những chủ trương, việc làm thiết thực để những di sản đó đến với hậu thế.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ tới: Thái Thú (1870 – 1894)