Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
Thắng cảnh chùa Hang ở Lý Sơn

03:09, 02/09/2012
.

(QNĐT)- Chùa Hang (Thiên Khổng thạch tự  天 孔 石  寺), còn có tên dân gian là “Chùa không sư” nằm về hướng đông bắc cù lao Ré (đảo Lớn), thuộc địa phận xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.


Đây là hang đá thiên nhiên lớn nhất trong hệ thống hang đá ở Lý Sơn, hình thành do nước biển ăn vào chân núi Thới Lới trong thời kỳ biển tiến. Cách chúng ta chừng 4.500 năm, vào kỷ nguyên Holocene (Holocene epoch), khi mực nước biển dâng cao, tác động xâm thực của sóng biển và các chất ăn mòn trong nước biển liên tục một thời gian dài đã hình thành các “hang chân sóng” ở nhiều vùng ven biển, hải đảo, bồn đại dương trên thế giới. Liền sau đó, đến thời kỳ biển thoái, mực nước biển rút xuống và để lộ ra những hang đá mà con người và các động vật trên cạn có thể sử dụng làm nơi cư trú.

Chùa Hang nhìn từ bên ngoài
Chùa Hang nhìn từ bên ngoài


Những vệt ngấn sóng quanh chân núi Thới Lới, nhô cao lên hẳn so với mực thủy triều hiện nay, đặc biệt là ở vách đá trước cửa chùa Hang là những minh chứng sống động của hiện tượng sóng biển ăn mòn vào các lớp trầm tích hạt mịn, đá và bùn carbonat. Sự phát lộ các lớp trầm tích hạt mịn ở chân núi Thới Lới cũng cho thấy vận động tạo sơn theo dạng xếp nếp đã diễn ra tại khu vực đảo Lý Sơn trước khi các ngọn núi lửa phun trào nham thạch, dẫn đến việc hình thành diện mạo cơ bản của cù lao Ré mà chúng ta đang nhìn thấy hiện nay.

Những ghi chép của nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier , lời khẩu truyền trong dân gian và một vài dấu tích ít ỏi còn lại cho thấy chùa Hang vốn đã là một hang đá mà người Chăm sử dụng làm nơi cư trú hoặc thờ tự trước khi người Việt đặt chân lên đảo Lý Sơn.

Gia phả và lời di huấn của các dòng họ đầu tiên khai phá làng An Hải cho biết, cách nay chừng 4 thế kỷ, thời vua Lê Kính Tông, ông Trần Công Thành cùng các vị tiền hiền làng An Hải là những người xướng xuất việc sửa sang, mở rộng  hang đá, biến nơi đây thành ngôi chùa thờ Phật. Về sau, hậu duệ họ Trần đưa thêm linh vị của các bậc tiền hiền làng Lý Hải vào chùa để phụng thờ.

Từ chân núi Thới Lới phía đông nam, vòng qua sườn núi phía tây bắc, rồi theo các bậc cấp bằng đá đi dần xuống thấp hơn, gần với mặt nước biển, du khách sẽ nhìn thấy sừng sững trước sân chùa hàng cây bàng biển có hàng trăm năm tuổi.

Ngẩng mặt trông ra là trùng khơi lộng gió, quay đầu nhìn lại là “hang đá trời sinh”, thấp thoáng phía xa xa là cù lao Bờ Bãi.

Nội thất chùa Hang
Nội thất chùa Hang


Dẫu chưa đặt chân vào chốn tôn nghiêm thạch tự, nhưng khi chiêm ngưỡng bức tượng toàn thân đức Quán Thế Âm bồ tát trước sân chùa với đôi mắt nhân từ hướng ra biển cả, chứa chan sự đồng cảm với chúng sinh, bất giác người mộ đạo như nghe vọng từ sâu thẳm lòng mình lời dạy của đức Cồ Đàm “Vị mặn là của nước biển, vị của đạo ta là giải thoát!”.

Nhẹ bước chân lần vào tự viện mà cũng là bên trong hang đá, giữa thoang thoảng mùi trầm hương, tỏ mờ ngọn nến rọi vào khoảng sáng tối lung linh, sau một thoáng định thần du khách sẽ không khó nhận ra bệ thờ Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn và Hoa Nghiêm Tam Thánh ở chính điện. Bên tả (theo hướng nhìn từ bên ngoài) là bàn thờ Địa Tạng Vương bồ tát, Đạt Ma tổ sư, bên hữu là Quán Thế Âm bồ tát và Thập Điện Diêm vương.

Bàn thờ ba vị trưởng lão khai tự, ông thỉ tổ họ Trần cùng 7 vị tiền hiền làng An Hải thiết đặt ở những nơi trang trọng và tương xứng với vị trí, công trạng của các vị trong quá trình khai phá, xây dựng làng An Hải cũng như huyện đảo Lý Sơn.

Sau khi đảnh lễ, thắp mấy nén hương và thành tâm gởi những lời nguyện cầu thường hằng an lạc, khách sẽ có nhiều thời gian hơn để quan chiêm cảnh trí độc đáo của chùa Hang. Dẫu là giữa ngày hè nóng bức, không gian bên trong chùa vẫn dịu lạnh như thể cuối thu.

Luồng ánh sáng bên ngoài dọi vào vách đá ẩm ướt, rêu mờ. Thỉnh thoảng từ trần hang rơi xuống mấy giọt nước trong veo. Một làn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá bàng buông cành trước sân chùa gợn lên chuỗi âm thanh rất lạ, lẫn vào tiếng sóng bập bềnh.

Thật ra, với chiều cao trần hang hơn 3m, chiều rộng cửa hang hơn 20m, ăn sâu vào lòng núi gần 25m, “chùa không sư” chỉ là một hang đá nhỏ dưới chân núi, không phải là một “thạch động” như vài cuốn sách viết nhầm.

 Hàng cây bàng biển trước sân chùa.
Hàng cây bàng biển trước sân chùa.


Người xưa thật chí lý khi đặt tên chùa là “Thiên Khổng thạch tự”. Trong cổ Hán ngữ, có sự phân biệt giữa “Khổng” 孔 với  “động” 洞, 峝, 峒 (thủy động, sơn động). Thủy động, sơn động là những hang lớn như Bích Động (Ninh Bình), Huyền Không động (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng), Phong Nha động (Quảng Bình)... Khổng là những hang đá tương đối nhỏ như chùa Hang, chùa Đục (Lý Sơn – Quảng Ngãi), chùa Hang Phước Điền tự (Châu Đốc – An Giang), chùa Hang Hải Sơn tự (Kiên Lương – Kiên Giang)...

Như mọi ngôi chùa thờ Phật khác, số người đến hành lễ, cầu Phật đông nhất ở chùa Hang là vào dịp Nguyên đán, Nguyên tiêu, Phật đản, Vu Lan, các ngày sóc, vọng , ngày vía Phật, Bồ Tát...

Đặc biệt, bà con ngư dân Lý Sơn dù có là tín đồ nhà Phật hay không cũng đến đây hành lễ rất long trọng, nghiêm cẩn vào các ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm hoặc trước khi bước vào mùa đánh cá (mùa mở biển).

 CH6: Ghềnh đá trước chùa Hang.
CH6: Ghềnh đá trước chùa Hang.


Một trong số những truyền thuyết lưu truyền phổ biến trong cộng đồng cư dân vùng biển, kể rằng: Bồ tát Quán Thế Âm thường vân du khắp nơi, từ trên đất liền ra biển cả để thấu cảnh chúng sinh. Trong một lần tuần du Đại Hải, nhìn những sinh linh khổ ải bị chết chìm ngoài biển khơi vì bão tố, lòng ngậm ngùi thương xót, ngài đã xé chiếc áo cà sa của mình làm muôn mảnh nhỏ thả trên mặt biển rồi hoá phép biến những mụn vải ấy thành loài cá cứu người.

Để tăng thêm sức vóc cho loài vật thay mình độ chúng, Bồ tát Đại từ Đại bi mượn bộ xương của ông Tượng trên rừng ban cho bầy cá đó, khiến chúng có vóc dáng to lớn và sức mạnh như voi rừng, nên có tên gọi là cá Voi.

Lại thấy cá Voi to lớn di chuyển chậm chạp, mỗi khi có nạn tai xảy ra ở nơi xa, khó bề đến kịp, Quán Thế Âm Bồ tát liền ban cho chúng phép thâu đường để lội thật mau, hầu làm cho tròn trách nhiệm cứu vớt người lâm nạn.

Những dịp lễ long trọng khác diễn ra ở chùa Hang là ngày giỗ thủy tổ họ Trần, ngày tưởng niệm Tam vị trưởng lão và tiền hiền thất tộc khai lập làng An Hải. Điều này, thêm một lần nữa cho thấy sự kết hợp, hòa đồng giữa giáo lý, nghi lễ Phật giáo với tín ngưỡng thờ thần hoàng, thờ tổ tiên ở các đền chùa của người Việt.
Chùa Hang ở Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia tại Quyết định số 921/QĐ-VH ngày 20/7/1994.

                                                      

Ngày Vu Lan năm Nhâm Thìn (2012)
                                                                           Lê Hồng Khánh

Đón đọc kỳ tới: Di tích Đài tiếng nói Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp
 

TIN LIÊN QUAN


 


CÁC TIN KHÁC
.