Di tích chiến thắng Vạn Tường

03:06, 17/06/2012
.

(QNĐT)- Vạn Tường là một thôn của xã Bình Hải, ven biển huyện Bình Sơn, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 40 km về phía đông bắc, cách căn cứ quân sự Chu Lai (nay là Khu kinh tế mở Chu Lai) 20 km về phía đông nam.
 

TIN LIÊN QUAN


Chiến thắng Vạn Tường là tên gọi trong lịch sử quân sự Việt Nam chỉ trận quyết chiến của quân Giải phóng, đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” (search and destroy) mang tên Stalite (Ánh sáng sao) do một lực lượng hỗn hợp hải lục không quân Mỹ tiến hành, diễn ra vào ngày 18/8/1965, chủ yếu trên địa bàn các xã Bình Hải và Bình Hòa.

 

Lược đồ trận Vạn Tường
Lược đồ trận Vạn Tường


Trong các tài liệu của quân đội Mỹ, trận Vạn Tường được gọi là Battle of Chu Lai (Trận đánh Chu Lai). Đây chính là cuộc đụng độ chính quy đầu tiên trên chiến trường Việt Nam (The First Major Battle of the Vietnam War) giữa quân viễn chinh Mỹ và quân Giải phóng.

Cuối năm 1964, đầu năm 1965 chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam đang đứng bên bờ vực phá sản hoàn toàn. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc buộc phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam Việt Nam.

Trực thăng H34 tải thương và xe tăng M48 của quân Mỹ trong trận Vạn Tường.
Trực thăng H34 tải thương và xe tăng M48 của quân Mỹ trong trận Vạn Tường.


Từ tháng 3 đến tháng 10/1965, 12 vạn quân Mỹ và Nam Triều Tiên đủ các binh chủng hải, lục, không quân cùng phương tiện chiến tranh hiện đại lần lượt đưa vào chiến trường khu 5, tập trung ở căn của Chu Lai và vùng phụ cận nam Quảng Nam, bắc Quảng Ngãi.

Trên địa bàn Quảng Ngãi, từ 5/1965, Thủy quân lục chiến Mỹ chiếm đóng một số cao điểm, tìm cách khống chế khu vực phía đông bắc huyện Bình Sơn và vùng ven biển.

Cũng vào thời điểm này, Trung đoàn 1 bộ binh chủ lực Quân khu V sau chiến thắng Ba Gia vang dội, chuyển về đóng quân ở khu vực Vạn Tường để sinh hoạt chính trị, huấn luyện quân sự.

Phát hiện quân Giải phóng có ở mặt ở một địa bàn sát nách phía nam căn cứ Chu Lai, Bộ chỉ huy quân Mỹ cho đây là “thời cơ lý tưởng” để mở cuộc hành quân “tìm diệt” quy mô lớn đầu tiên tại một địa điểm “đặc biệt thuận lợi” cho sự phối hợp hải, lục, không quân, phát huy tối đa ưu thế hỏa lực và phương tiện kỹ thuật.

Lực lượng quân Mỹ huy động vào chiến dịch Starlite gồm 3 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến (2/4, 3/3, 3/7) do trung đoàn 7 Thủy quân lục chiến chỉ huy, cùng các đơn vị trực thăng, xe tăng, xe lội nước; 1 đại đội pháo 155mm thuộc tiểu đoàn 2/12 pháo binh Thủy quân lục chiến và 1 đại đội cối 106,7mm thuộc tiểu đoàn 3/12 pháo binh Thủy quân lục chiến; liên đoàn 1 không quân Thủy quân lục chiến.

Hải quân Mỹ cũng tham gia chiến dịch 8 tàu đổ bộ, 1 khu trục hạm (USS Orleck) và 1 tuần dương hạm (USS Galveston) với tổng cộng 12 pháo 127mm và 6 pháo 138mm. Ngoài ra còn có các đơn vị trực thăng vũ trang UH-1B của lục quân; máy bay trinh sát, máy bay vận tải của không quân tham gia phối hợp.

Các lực lượng vũ trang quân Giải phóng tham gia trận Vạn Tường gồm: Trung đoàn 1 bộ bộ đội chủ lực của Quân khu V (trung đoàn Ba Gia), Đại đội 21, Đại đội 31 Bộ đội địa phương, dân quân du kích các xã Bình Phú, Bình Trị, Bình Hoà, Bình Hải.

10h00 ngày 17/8/1965, cuộc hành quân Starlite khai diễn với việc lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ từ các hướng đổ bộ và di chuyển về phía Vạn Tường đồng thời chốt chặn các hướng dự đoán Quân giải phóng sẽ rút lui.

6 giờ 15 sáng 18/8/1965 trận quyết chiến Vạn Tường khởi đầu. Không quân của Thủy quân lục chiến Mỹ cho xuất kích 20 lần máy bay F-4 và A-4, ném 18 tấn bom sát thương, bom napalm xuống Vạn Tường và các địa điểm lân cận. Cùng lúc pháo hạm trên biển bắn phá dọn bãi để Thủy quân lục chiến đổ bộ bằng máy bay trực thăng và và tàu đổ bộ. Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tin rằng với sự áp đảo về quân số, hỏa lực và trang bị kỹ thuật, lực lượng của họ sẽ đè bẹp sức đề kháng và đánh bại hoàn toàn quân Giải phóng trong thời gian ngắn nhất.

Thế nhưng, điều đó chỉ là ảo tưởng. Thực tế cho thấy lực lượng “tìm diệt” của họ đã rơi vào một ma trận chiến tranh nhân dân. Sự chuẩn bị sẵn sàng các phương án tác chiến của Bộ Chỉ huy Trung đoàn 1, khả năng cơ động và thiện chiến của một trong những đơn vị tinh nhuệ quân Giải phóng, sự phối hợp nhịp nhàng của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã làm cho quân Mỹ hoàn toàn bất ngờ, từ thế chủ động nhanh chóng trở thành bị động. Yếu tố phức tạp của địa hình vùng ven biển đông Bình Sơn với đồi núi, bãi, vịnh đã được quân giải phóng tận dụng triệt để tạo ưu thế rõ rệt, bất ngờ so với quân Mỹ.

Từ sáng sớm đến 8 giờ ngày 18/8/1965, liên tục và dữ dội, các cánh quân Mỹ đổ bộ từ phía biển bị Quân giải phóng đánh bật ở bãi cát An Cường, Gò Đam và các ngọn đồi quanh Vạn Tường.

9h30 phút tại cánh đồng gieo phía nam đồi Ngọc Hương, quân Giải phóng mở các đợt tiến công dũng mãnh, gây thiệt hại nặng về sinh lực cho quân Mỹ.

Ở An Cường, Nam Yên, Lộc Tự, từ công sự, giao thông hào Quân giải phóng xông lên đánh giáp lá cà khiến quân Mỹ hoảng loạn, nhiều xe tăng và binh lính bị loại khỏi vòng chiến.

11h30 phút quân Mỹ tiếp tục đổ quân, đưa thêm xe thiết giáp 118, pháo tự hành, súng phun lửa vào trận địa. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở Ngọc Hương, Nam Yên, cánh đồng Lộc Tự. Xe tăng, xe bọc thép bốc cháy mù trời, đội hình Thủy quân lục chiến rối loạn.

Trong khi các hướng tiến quân từ đường biển, đường không của lực lượng Mỹ bị truy kích dữ dội thì hướng tiến quân bằng đường bộ của họ vượt sông Trà Bồng, tiến vào Tân Hy, Tân Khởi, Đông Lỗ bị đại đội 21 Tỉnh đội Quảng Ngãi và dân quân du kích chặn đánh quyết liệt, kìm chân tại chỗ. Lúng túng, Bộ chỉ huy hành quân Thủy quân lục chiến Mỹ cho xoay hướng, ném bom dữ dội khu vực Phú Long, đồi Trung Sơn, Gò Hồng, An Lộc.

Đại đội 21 Tỉnh đội, đơn vị 31 huyện đội Bình Sơn và du kích xã Bình Trị, Bình Đông đã dũng cảm bám chắc trận địa, linh hoạt tiến công diệt 100 lính Mỹ, bắn rơi 10 máy bay, chặn đứng hướng tiến quân quan trọng của đối phương, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực tiến công quân Mỹ địch ở các hướng khác.

Bị thua đau, đêm 18.8 quân Mỹ ồ ạt đưa thêm quân, dùng tàu chiến và máy bay ném bom, bắn chặn dày đặt các hướng hòng chặn đường rút lui của bộ đội chủ lực ra khỏi trận địa. Tuy nhiên, lợi dụng vòng vây bị đứt đoạn giữa cánh Bắc và cánh Nam của Thủy quân lục chiến Mỹ, đêm 18 rạng ngày 19/8/1965, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã gan dạ, mưu trí đưa bộ đội chủ lực chủ động rút khỏi vòng chiến đấu. Trận Vạn Tường – Battle of Chu Lai kết thúc sau một ngày thử lửa quyết liệt.

Xác xe tăng Mỹ bị Quân giải phóng bắn hạ trong trận Vạn Tường.
Xác xe tăng Mỹ bị Quân giải phóng bắn hạ trong trận Vạn Tường.


Cuộc hành quân "Ánh sáng sao" của quân Mỹ đã bị thảm bại, tìm diệt trở thành bị diệt. 919 lính Mỹ bị loại khỏi vòng chiến, 22 xe tăng, xe bọc thép bị bắn cháy, bắn hỏng; 13 máy bay bị bắn rơi, nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại bị phá huỷ.

 “Trận đánh này giống như trận đánh Ô-ki-na-oa trong chiến tranh thế giới thứ hai […] Việt cộng xuất hiện từ trong các hầm hố mà thủy quân lục chiến không trông thấy. Việt cộng xuất hiện thình lình cả đằng trước mặt và đằng sau lưng…”. Đó là lời một sĩ quan quân đội Mỹ tham dự cuộc hành quân Starlite, được hãng tin AP trích thuật không lâu sau đó.  

Lính Thủy quân lục chiến Mỹ thương vong trong trận Vạn Tường (AP photo)
Lính Thủy quân lục chiến Mỹ thương vong trong trận Vạn Tường (AP photo)


Trận Vạn Tường là đòn đánh phủ đầu rất oanh liệt, giáng vào lực lượng thủy quân lục chiến - binh chủng được xem là ưu tú nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ, chứng tỏ quân Giải phóng có đủ khả năng đánh bại quân Mỹ có ưu thế rõ rệt về số lượng, hỏa lực và trang bị.

Chiến thắng Vạn Tường thể hiện ý chí tiến công, sự mưu trí, dũng cảm, tình đoàn kết chiến đấu của quân và dân Quảng Ngãi với bộ đội chủ lực, đồng thời cho thấy sự nhạy bén trong nghệ thuật chỉ huy, điều hành tác chiến của Bộ Tư lệnh Quân khu V; tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của quân và dân Quảng Ngãi.

Quần thể di tích Vạn Tường đã được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia (tại Quyết định số 147/VH – QĐ ngày 24/12/1982), gồm các di tích chính:

- Sở chỉ huy Trung đoàn 1 (Quân khu V) tại xóm Hải Nam, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải - nay thuộc khu đô thị mới Vạn Tường, khu kinh tế Dung Quất.


- Đỉnh đồi 61 (đồi Bằng) thuộc xóm Hải Chánh, thôn Vạn Tường, xã Bình Hải.


- Eo biển An Cường và thôn An Cường  thuộc xã Bình Hải, nơi địch đổ quân từ phía biển và bị trung đội công binh của quân Giải phóng chặn đánh.


- Xác máy bay địch bị ta bắn hạ tại xóm III, thôn Phước Thiện, xã Bình Hải.
- Chiến hào thép Lộc Tự, xã Bình Hòa.


- Xác xe tăng và xe bọc thép của địch bị ta bắn cháy tại Lộc Tự, xã Bình Hòa.


- Ngã ba xóm Chuối thôn Lộc Tự, xã Bình Hòa huyện Bình Sơn


- Đồi đất đỏ Ngọc Hương thôn Lộc Tự, xã Bình Hòa huyện Bình Sơn


- Đồi tranh Ngọc Hương thôn Lộc Tự xã Bình Hòa huyện Bình Sơn

Vạn Tường quả là một địa danh mang theo mình những sự kiện lịch sử trọng đại đối với tỉnh Quảng Ngãi và cả nước. Gần năm thế kỷ trước trận đánh Vạn Tường, trong cuộc hành quân Nam chinh năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã chọn nơi đây là điểm hội quân, kiểm điểm binh mã, úy lạo tướng sỹ, chuẩn bị cho trận đánh quyết định, thu phục thành Chà Bàn (kinh đô vương quốc Chăm, nay thuộc tỉnh Bình Định), đặt vùng đất thừa tuyên Quảng Nam (nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, và thành phố Đà Nẵng) vĩnh viễn nằm trong cương thổ quốc gia Đại Việt.

534 năm sau ngày ông vua anh minh họ Lê dừng chân ở Vạn Tường, ngày 11/3/2005, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có Quyết định số 50/2005/QĐ-TTg thành lập Khu Kinh tế Dung Quất, bao gồm khu đô thị mới Vạn Tường và Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ngày 6/1/2011, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tổ chức khánh thành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam với công suất ổn định 6,5 triệu tấn dầu /năm, đáp ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu cả nước vào thời điểm hiện tại.

Dung Quất – Vạn Tường ngày càng trở thành một điểm sáng của  tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung – Tây nguyên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trên con đường dằng dặc nối từ quá khứ đến hiện tại và hướng về tương lai, có nhiều khi  lịch sử chọn lấy một vùng đất làm nơi diễn ra những  cuộc tao ngộ trùng phùng. Và Vạn Tường là một nơi như vậy!
                                                         

Vạn Tường, 10/6/2012
                                                                 Lê Hồng Khánh


*Đón đọc kỳ tới: Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán


 


CÁC TIN KHÁC
.