Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
Di tích địa đạo Đám Toái - Bình Châu

02:07, 22/07/2012
.

(QNĐT)- Đám Toái là tên một giồng đất cao ven biển thuộc thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi quân đội Mỹ gây ra vụ sát hại 66 thương bệnh binh và thầy thuốc trong một địa đạo được dùng làm trạm phẫu thuật tiền phương.

Trong thời kỳ chống Pháp (1945 – 1954), thực hiện chủ trương bảo vệ vùng tự do, chống sự xâm nhập của quân Pháp từ phía biển, du kích và nhân dân địa phương đã đào ở đây một địa đạo để vừa làm nơi tránh pháo, tránh máy bay ném bom, vừa làm công sự chiến đấu. Địa đạo Đám Toái nối kết  với địa đạo thôn Châu Thuận và địa đạo thôn An Hải hình thành hệ thống địa đạo liên hoàn dài gần 4km, chạy dọc theo vùng đồi thấp ven biển xã Bình Châu.

Tượng đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát tại địa đạo Đám Toái - Bình Châu.
Tượng đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát tại địa đạo Đám Toái - Bình Châu.

 

Năm 1951, quân Pháp chiếm đảo Lý Sơn, liên tục mở những đợt tấn công quấy phá vùng ven biển. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, quân dân vùng đông Bình Sơn, đông Sơn Tịnh lập làng chiến đấu, sẵn sàng đánh bại âm mưu của quân xâm lược, bảo vệ vùng tự do.

 
Cả một vùng bờ biển trải dài gần 30 cây số từ Bình Đông (Bình Sơn) đến Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) người dân đã đào đắp các hầm hào theo các giồng đất nổi rồi trồng dày đặc xương rồng phía bên ngoài. Phía bên trong hào, từng thôn xóm và gia đình đều đào hầm tránh pháo rồi sau đó kiên cố hóa và kết nối với nhau thành hệ thống địa đạo liên hoàn. Có quy mô đáng kể và được sử dụng đến những năm chống Mỹ là các địa đạo ở An Lộc (xã Bình Hòa), Vạn Tường (xã Bình Hải), Phú Quý (xã Bình Châu), An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ)...

Miệng hầm địa đạo ở phía Tây Nam.
Miệng hầm địa đạo ở phía Tây Nam.

 

Giai đoạn 1962-1965, đặc biệt là sau những trận đánh lịch sử của quân Giải phóng ở Ba Gia (tháng 5/1965), bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tấn công đối phương, đánh mạnh từ miền núi, phát triển xuống đồng bằng - ven biển, cùng với nhân dân địa phương hình thành thế trận phản kích và tiến công địch, tạo nên “vành đai diệt Mỹ” bao quanh phía nam căn cứ Chu Lai.

 
Trước tình thế đó, quân Mỹ cùng với quân Nam Triều Tiên và quân Sài Gòn thiết lập nhiều đồn bót, tăng cường hỏa lực, liên tục đánh phá, phong toả các đường liên lạc giữa trận địa đồng bằng và căn cứ miền núi. Để đối phó với âm mưu của đối phương, đảm bảo việc chữa trị kịp thời cho thương bệnh binh trên chiến trường đông bắc Quảng Ngãi, Bộ Tư lệnh Quân khu V và Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định đưa trạm phẫu thuật tiền phương (gọi tắt là A100) về đóng tại thôn Phú Quý (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), đặt ngầm trong lòng địa đạo tại khu vực Đám Toái.

Trên cơ sở hầm hào có sẵn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, địa đạo Đám Toái được bộ đội, dân quân du kích củng cố và đào thêm các “ga”, “ngách” cho phù hợp làm nơi phẫu thuật, chữa trị thương bệnh binh.
 
Trong một thời gian ngắn, bệnh viện – địa đạo nằm sâu dưới lòng đất khoảng 5m đã hình thành với chiều dài 90m, chiều cao 1,6 - 1,9m, chiều rộng 0,9m, hình thái gần giống như chữ L, nhưng từng đoạn có hình dích dắc hoặc hình gấp khúc. Dọc theo địa đạo có các các “ga” và “ngách”.
 
Ga là cách gọi một đoạn địa đạo được mở rộng (chiều cao 1,9m, rộng 1m, dài 3m), có giường nằm bằng tre cho thương bệnh binh. Ngách là các hố được khoét sâu vào vách hầm dùng làm nơi chứa đồ đạc, dụng cụ cần thiết cho khám chữa bệnh (y cụ, thuốc men...) và để cho người ngồi nghỉ. Toàn địa đạo (mà cũng là trạm phẫu) có tổng cộng 8 ga, 12 ngách và thực sự là một một bệnh viện dã chiến nằm trong lòng đất.

Sau trận Vạn Tường (tháng 8/1965), quân Mỹ liên tục sử dụng hỏa lực pháo binh và trực thăng bắn phá vùng lân cận căn cứ Chu Lai (đông nam Quảng Nam, đông bắc Quảng Ngãi), đồng thời mở những cuộc hành quân bất ngờ vào các khu vực khả nghi có sự xuất hiện của quân Giải phóng.

Rạng sáng ngày 9/9/1965, lính Mỹ từ Chu Lai đổ quân vào thôn Phú Quý. Sau một thời gian lùng sục, chúng phát hiện được hầm trú ẩn của một y sĩ quân giải phóng tên là Lâm và một nữ y tá tên là Lệ, cách miệng hầm địa đạo 30m. Vì hai người nầy không khai báo, nên lính Mỹ trói họ, đặt lên trên một khối thuốc nổ lớn rồi kích nổ. Sức công phá dữ dội của khối thuốc khiến thi thể 2 nạn nhân vung vãi khắp nơi. Suốt mấy ngày sau người dân địa phương đau lòng gom từng mảnh xương thịt của hai người, đem chôn chung vào một ngôi mộ.

Tiếp tục lùng sục, lính Mỹ tìm thấy miệng hầm địa đạo và gọi trực thăng đưa mìn, thuốc nổ đẩy xuống miệng hầm, đánh sập địa đạo. Mìn nổ, khói thoát ra ngoài làm lộ thêm 2 lỗ thông hơi. Lính Mỹ lại đặt mìn đánh tiếp vào 2 nơi này. Địa đạo – trạm phẫu A100 bị phá hủy hoàn toàn. Lòng đất Đám Toái trở thành mồ chôn tập thể của các bác sĩ, y tá, hộ lý và thương bệnh binh đang điều trị.

Nhà bia trong khu Nghĩa trang.
Nhà bia trong khu Nghĩa trang.
Đêm 9/9/1965 (nhằm ngày 14/8 năm Ất Tỵ), khi lính Mỹ rút đi, nhân dân địa phương và dân quân du kích đã đào bới, tìm kiếm được 5 xác người ngay cửa miệng hầm, trong đó có 3 nam, 2 nữ. Thi thể 61 nạn nhân còn lại nằm sâu trong địa đạo. Do điều kiện chiến tranh ác liệt không thể đào bới, tìm kiếm nên nhân dân lấp lại thành ngôi mộ chung.

Theo điều tra của Sở Lao động – Thương binh xã hội và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, 66 người hy sinh tại trạm phẫu A 100 hầu hết thuộc phiên chế Trung đoàn I (Trung đoàn Ba Gia) - Quân khu V; Tiểu đoàn 48 và Đại đội 21 của tỉnh Quảng Ngãi.
 
Điều tra cũng cho biết người chiến sỹ bị lính Mỹ sát hại bằng khối thuốc nổ ở miệng hầm tên thật là Thái Văn Còn, sinh năm 1930, quê quán ở xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ - là quân y sỹ phục vụ tại trạm phẫu. Người còn lại chỉ biết tên là Lệ, một nữ y tá, chưa rõ lai lịch, quê quán như hầu hết những nạn nhân khác bị sát hại trong địa đạo.

Ngôi mộ chung của quân y sỹ Thái Văn Còn (Lâm) và y tá Lệ.
Ngôi mộ chung của quân y sỹ Thái Văn Còn (Lâm) và y tá Lệ.

 

Năm 1991, Sở  Lao động  - Thương binh và xã hội Quảng Ngãi đã cho xây dựng tượng đài ở khu di tích này để tưởng nhớ những người đã khuất. Đến 1997, Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội Quảng Ngãi tiến hành khai quật địa đạo, đưa 66 di hài an táng ở nghĩa trang trong khu di tích.

 
Nhân dịp nầy một số nạn nhân đã được thân nhân và đồng đội nhận biết nhờ vào các vật dụng tùy thân và các chứng cứ khác. Tiếp sau cuộc khai quật, địa đạo - trạm phẫu đã được phục dựng nguyên trạng với sự tham gia của các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu và nhiều nhân chứng.

Di tích địa đạo Đám Toái – Bình Châu (trạm phẫu A100) gắn liền với sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy gian khổ hy sinh của quân và dân tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Đồng thời đây cũng là một trong những chứng tích cho thấy sự vi phạm thô bạo các thỏa ước, công ước quốc tế về chiến tranh của quân đội viễn chinh Mỹ trong thời gian tham chiến ở miền Nam Việt Nam.

Di tích địa đạo Đám Toái – Bình Châu được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Quốc gia tại Quyết định số 2307/QĐ –VH ngày 30/12/1991.


                                                         Quảng Ngãi, 20/7/2012

                                                               Lê Hồng Khánh


Đón đọc kỳ tới: Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Ông Thu Xà

 


CÁC TIN KHÁC
.