Di tích lịch sử văn hóa quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi:
Di tích vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ

02:08, 12/08/2012
.

(QNĐT)- Khánh Giang – Trường Lệ là tên gọi quen thuộc của hai thôn Khánh Giang và Trường Lệ nằm liền kề nhau, thuộc xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành, cách thành thành phố Quảng Ngãi chừng 30 km, về phía tây nam.

TIN LIÊN QUAN


Đây là một thung lũng nhỏ dưới chân núi Dầu (phía đông), núi Đá Chát (tây và nam) và vùng đồi Phú Khương, khá tiêu biểu cho kiểu địa hình khu vực miền núi phía tây Quảng Nam - Quảng Ngãi, với chằng chịt núi đồi, thung lũng hẹp; người kinh, người thượng cư trú xen lẫn từ nhiều đời.

 

Tượng đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát.
Tượng đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát.


Vào cuối thế kỷ XIX, Khánh Giang và Trường Lệ đặt dưới quyền quản lý của Cơ Nhất (đóng tại thôn Vạn Lý, nay thuộc xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ) trong hệ thống Tĩnh Man lục cơ. Sau ngày thống nhất đất nước, có một thời gian ngắn hai thôn này sáp nhập làm một, gọi là thôn Trường Khánh. Hiện nay trên địa bàn Khánh Giang và Trường Lệ có gần 300 nhân khẩu là người dân tộc Hre, chiếm khoảng 15% dân số toàn xã Hành Tín Đông.

Tuy diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng trong những năm kháng chiến Khánh Giang - Trường Lệ là một địa bàn chiến lược quan trọng, có thể khống chế tuyến giao thông liên lạc giữa khu vực miền núi phía đông huyện Ba Tơ với phía tây bắc huyện Đức Phổ, tây nam huyện Nghĩa Hành qua vùng đèo Đá Chát.

Bắt đầu từ những năm 1966 – 1967, người Mỹ ồ ạt đưa quân vào Nam Quảng Ngãi, Bắc Bình Định, thiết thiết lập các căn cứ quân sự, sân bay ở Gò Hội, núi Chóp Vung (Đức Phổ), liên tục mở những cuộc càn quét, đánh phá vùng núi rừng Ba Tơ, Nghĩa Hành, tây bắc Đức Phổ.

 

Một đoạn sông Vệ chảy qua Khánh Giang - Trường Lệ.
Một đoạn sông Vệ chảy qua Khánh Giang - Trường Lệ.


Tháng 4/1969, hơn 1 năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai (16/3/1968), quân đội viễn chinh Mỹ lại tiếp tục gây thêm một vụ giết người tàn bạo mà nạn nhân là 64 đồng bào vô tội (trong đó có 35 người Kinh, 29 người dân tộc H're), gồm toàn phụ nữ, người già và trẻ em tại Khánh Giang – Trường Lệ.

Thế nhưng, nếu như vụ Mỹ Lai đã bị dư luận phanh phui một thời gian không lâu sau đó, thì vụ Khánh Giang -Trường Lệ lại chìm vào lãng quên suốt hơn 3 thập kỷ. Gần đây, qua hồi ức của một số cựu binh Mỹ và ít ỏi tài liệu về lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Nam Việt Nam được “giải mật”, dư luận mới nhắc đến vụ Khánh Giang- Trường Lệ với cụm từ “Vụ bắn giết ở thung lũng sông Vệ năm 1969”.


 Các tài liệu, sách báo trong và ngoài nước cùng lời kể của những người sống sót cho phép tái hiện phần nào thảm cảnh kinh hoàng của vụ giết hại thường dân vô tội mà quân đội Mỹ đã tìm mọi cách phi tang.

Từ đầu năm 1969, sau những cuộc hành quân “tìm diệt” vô vọng và liên tục bị đối phương tấn công sát nách, lực lượng Mỹ đóng tại căn cứ Gò Hội (Đức Phổ) quay sang  sử dụng các toán lính đặc nhiệm, dùng trực thăng đổ bộ xuống khu vực tây bắc huyện Đức Phổ -  tây nam Nghĩa Hành -  đông nam Ba Tơ lùng sục đánh phá vùng căn cứ cách mạng, truy tìm dấu vết quân Giải phóng.

Đầu tháng 4/1969, một đại đội lính Mỹ đổ quân xuống đồn Dạ Lan (Ba Tơ). Ý đồ của chúng là từ đây sẽ ngược lên vùng núi rừng phía Tây bất ngờ tấn công các đơn vị chủ lực quân Giải phóng mà chúng nghi ngờ đang có mặt tại đó.

Tuy vậy, đến giữa tháng 4, lính Mỹ vẫn mất phương hướng trong việc truy tìm đối phương, lại bị dân quân du kích liên tục đặt mìn, bắn tỉa. Vô vọng trong việc thực hiện mục tiêu, hoang mang vì phải đối mặt với một lực lượng thoắt ẩn, thoắt hiện giữa trùng điệp núi rừng, lính Mỹ trở nên hung hãn, cuồng loạn.

Ngày 16/4/1969, một đơn vị lính Mỹ thuộc lực lượng Tiger Force (Mãnh Hổ) tràn vào Khánh Giang - Trường Lệ đốt phá nhà cửa, bắn giết trâu bò, tìm cách xua người dân ra khỏi xóm làng hòng chia cắt, cô lập lực lượng kháng chiến.

 Ngày 17/4, lính Mỹ bắn chết 1 cụ già, làm bị thương 1 em bé.


Sáng ngày 18/4, cuộc hành quân truy quét vào vùng Khánh Giang -Trường Lệ tiếp tục.

10 giờ 30 phút, tại gò Đập Đá (Trường Lệ), khi các gia đình đồng bào Hre đang ăn trưa, cuộc thảm sát bắt đầu. Lính Mỹ lùng sục đến từng nhà, lia tiểu liên vào mâm ăn, ném lựu đạn xuống hầm. 29 người, trong đó có 10 phụ nữ và 19 trẻ em bị giết.

11 giờ, phát hiện có nhiều phụ nữ và trẻ em đang ẩn nấp dưới căn hầm chống pháo tại nhà của một người dân tên là Dương Văn Xu, lính Mỹ uy hiếp, tập trung mọi người ra sân rồi dùng tiểu liên bắn trực diện từng người. Kinh hoàng hơn, thi thể 15 người (gồm 6 phụ nữ và 9 trẻ em) bị lính Mỹ chất thành đống ở mé tây ngôi nhà rồi dùng đót khô, dội xăng bột đốt cháy.

Tại một nơi khác, cạnh vườn một nông dân tên là Thủy, lính Mỹ cưỡng bức người dân ra khỏi hầm trú ẩn,  dùng súng quây mọi người tại khoảng đất trống bên đường rồi dùng súng liên thanh bắn lia ngang khiến xác người đổ nhào, chồng chất lên nhau. Có 19 người (6 phụ nữ và 13 trẻ em) mất mạng dưới họng súng. Ngoài ra còn có 1 bé trai bị thương, khiếp đảm chạy đi tìm mẹ, lạc chết trong hang núi.

 

Được mùa.
Được mùa.


Sau khi thực hiện hành vi giết người tàn bạo, lính Mỹ nhanh chóng rời khỏi khu vực gây tội ác. Đạn pháo từ Nghĩa Hành, Đức Phổ bắt đầu ồ ạt nã vào ngôi làng nhỏ; trên bầu trời máy bay ném bom xăng nhằm hủy diệt xóm làng , xóa bỏ mọi chứng cứ. Suốt 3 ngày đêm, vùng Khánh Giang – Trường Lệ ngập trong biển lửa và quằn quại trong tiếng rền của bom đạn.

Tổng cộng, trong vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ, lính Mỹ đã giết hại 64 người dân vô tội, gồm 22 phụ nữ và 42 trẻ em. Có 9 người may mắn sống sót ở các điểm tàn sát và 7 người khác chạy thoát từ trước khi lính Mỹ quy tập dân chúng.

-  Nhờ đâu chị sống sót được?


- Tôi cũng không biết. Chỉ nhớ khi mặt trời vừa khuất núi, tôi tỉnh dậy như người không hồn, thấy xác chết chồng lên nhau, có xác cháy đen. Tôi nằm dưới xác chết của mẹ. Sau đó, tôi được một người bà con ở làng bên đưa về nuôi.

Lời kể xót xa trên đây của chị Phạm Thị Niên - một nạn nhân sống sót trong vụ sát hại đã phần nào cho thấy thảm trạng kinh hoàng mà người dân Khánh Giang – Trường Lệ phải gánh chịu trong ngày 18/4/1969.


“Một vùng đất chết”, “một thung lũng hoang tàn”, đó là những gì được các nhà báo, các cựu binh Mỹ miêu tả về Khánh Giang - Trường Lệ, rất lâu sau cái ngày 18/4 oan nghiệt đó.

Song, lại có một sự thật khác mà ngày nay khi về thăm miền quê gian khổ, anh hùng nầy ai cũng có thể nhận ra. Đó là sự đổi thay mà nếu không dùng 2 chữ diệu kỳ thì thật khó lòng diễn tả.

Từ một vùng đất điêu tàn, xơ xác sau chiến tranh đến nay Khánh Giang - Trường Lệ đã trở thành một vùng sơn thôn đang nhanh chóng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu để xây dựng cuộc sống ấm no, thấm đậm tình người.

 

Trương Tiểu học ở Khánh Giang Trường Lệ
Trương Tiểu học ở Khánh Giang Trường Lệ


Đường giao thông liên thôn, các công trình thủy lợi nhỏ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm xá đã được đầu tư xây dựng. Người Thượng đã biết trồng lúa nước dưới thung lũng, trồng cây nguyên liệu giấy trên sườn đồi. Cửa hàng tạp hóa, máy xay xát gạo, quầy hàng điện tử đã xuất hiện ở vùng trung tâm cụm xã, phong trào xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng sâu rộng, tình làng nghĩa xóm, gắn kết trong tình nghĩa Kinh - Thượng keo sơn.

Di tích vụ thảm sát Khánh Giang - Trường Lệ (gồm các điểm chính là Hầm mộ ở mé vườn nhà ông Thủy, gò Đập Đá, vườn nhà ông Dương Văn Xu) đã được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia, tại Quyết định số 43/ VH-QĐ ngày 7/1/1993.
                                                         

Quảng Ngãi,10/8/2012


                                                                Lê Hồng Khánh

 

  Đón đọc kỳ tới: Di tích Chiến thắng Đình Cương
 


CÁC TIN KHÁC
.