Đừng để người già cô đơn

02:09, 24/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, dù chưa phải là nhiều, nhưng chuyện người già bị con cháu đánh đập, ngược đãi lại xảy ra. Những câu chuyện buồn ấy một lần nữa phản ánh những rủi ro với người cao tuổi.
Ảnh minh họa - Internet
Ảnh minh họa - Internet
1. Có nguyên nhân khá giống nhau giữa các sự việc được cho là do các cụ lớn tuổi, đãng trí, lúc nhớ lúc quên, nằm một chỗ phải có người phục vụ lâu ngày. Và những đấng sinh thành, mang nặng đẻ đau đã bị con mình bạc đãi, đánh mắng, hành hạ. Mỗi câu chuyện là một nỗi đau, từng hình ảnh là một nỗi buồn. Không ít trường hợp, người ta dùng cái nghèo khó để biện minh cho sự ngược đãi cha mẹ.
 
Những người con hành hạ cha mẹ mình rồi sẽ nhận bản án tù, bản án lương tâm. Nhưng người già chưa thể sống tốt hơn khi còn bao chuyện tương tự đang diễn ra, có nguy cơ xảy đến trong tương lai không xa.
 
Một nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu gia đình và giới tiến hành về người 60 tuổi trở lên ở 3 tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên và Quảng Trị cho những kết quả đáng lưu tâm: 3% số người cao tuổi được hỏi, nói rằng họ có bị con cái đánh; 8,3% bị dọa nhốt trong nhà và 15% bị con cái bỏ rơi, không chăm sóc. Nhóm người già, ở cả ba nhóm 60 - 69 tuổi, 70 - 79 tuổi và 80 tuổi trở lên đều phải gánh chịu các hình thức bạo lực gia đình do con cháu gây nên ở những mức độ khác nhau.
 
2. Thực tế xã hội cho thấy, một bộ phận lớn người già hiện nay không có lương hưu, không chuẩn bị trước cho mình về kinh tế, cụ thể là nguồn thu nuôi sống họ hằng tháng, chi phí đảm bảo được chữa trị và chăm sóc đúng mức khi ốm đau, già yếu. Người già rơi dần vào cô thế, tủi buồn khi sống nhờ, sống phiền con cháu. Nếu có gia tài để lại, người già lại có nỗi khổ theo kiểu khác khi nhà cửa đất đai có giá trị lại thành họa trong nhà.
 
Áp lực kinh tế, sự bận rộn công việc, lắm khi cả lối sống ích kỷ của con cháu, đang khiến người già càng lẻ loi, yếu thế hơn trong thế giới của mình. Người già, dù có tiền của hay không vẫn cần sự chăm sóc, bảo vệ. Không chỉ trông chờ vào con cái họ, mà còn là chính sách xã hội và cả pháp luật với người cao tuổi. Người già có điều kiện sống thọ hơn xưa và tỷ lệ dân số cao tuổi ngày càng cao hơn là xu thế tất yếu. Họ phải có những năm tháng tuổi già được sống hạnh phúc, an lành. Muốn vậy, cần những chính sách và hành lang pháp lý để người già sống tự chủ hơn, được bảo vệ thân thể, tinh thần và cả tài sản để lại cũng phải được bảo vệ, phân chia theo đúng pháp luật.
 
3. Chính sách nào đủ mạnh mẽ bảo vệ người già trước những rủi ro tuổi già sức yếu trước mắt? Thêm viện dưỡng lão, thêm nhiều dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người già, kể cả hỗ trợ pháp lý cần thiết... đó là việc cần làm nhanh hơn, nhiều hơn. Và cũng cần một cách nhìn mới hơn về những vấn đề rủi ro với cuộc sống người già, những người cống hiến một đời cho gia đình, cho quốc gia.
 
Điều này cần chính sách lớn, đủ thay đổi nhận thức xã hội về người già. Tấm lòng hiếu thảo bao đời vẫn quý, vẫn cần, nhưng không vì thế mà “gánh nặng” người già chỉ trông vào tấm lòng con cái họ.
 
B.Đ
 

.