Quản lý thuế kinh doanh trên Internet: Cần giải pháp căn cơ

03:08, 24/08/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội ngày càng phát triển. Đặc biệt từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mua bán hàng trên mạng chiếm ưu thế, đem lại doanh thu “khủng” cho người kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp chuyên kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh qua mạng vẫn như “đuổi hình bắt bóng”.
Xu hướng mua hàng trên mạng ngày càng nhiều. Ảnh: PV
Xu hướng mua hàng trên mạng ngày càng nhiều. Ảnh: PV
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), cá nhân kinh doanh không phân biệt kinh doanh theo hình thức truyền thống hay kinh doanh TMĐT đều thuộc diện chịu thuế GTGT và thuế TNCN, nếu có phát sinh doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm trở lên. Mức thuế là 7% trên thu nhập, trong đó 5% thuế GTGT, 2% thuế TNCN. Song do các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trên địa bàn tỉnh chưa tự giác kê khai và ngành thuế chưa thể kiểm soát, nên chưa thể đưa vào diện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên. Nếu không có giải pháp căn cơ, ngành thuế sẽ thất thu một khoản lớn, đồng thời tạo ra sự so bì giữa những người kinh doanh.
 
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp: “Cần có sự phối hợp giữa các ngành”
 
Thời gian qua, ngành thuế đã nhận thấy hoạt động kinh doanh qua mạng trong cả nước nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhưng chưa quản lý thuế được. Nguyên nhân là do hoạt động kinh doanh qua mạng rất đa dạng, phạm vi kinh doanh rộng, không cần phải có cửa hàng, cửa hiệu, mà có thể diễn ra thuận tiện thông qua các thiết bị điện tử có kết nối Internet. Ngoài ra, các trang bán hàng qua mạng không để số tài khoản như trước đây mà tất cả đều thông qua hình thức nhận tiền trực tiếp thông qua người giao hàng, nên ngành thuế khó có thể xác định đúng doanh thu cũng như lợi nhuận của những cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
 
Nói như vậy không có nghĩa là ngành thuế không có sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện được các giải pháp này, đơn phương ngành thuế không thể làm được mà phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng như: Sở TT&TT, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, ngân hàng thương mại, công ty viễn thông, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng, các công ty bưu chính, chuyển phát, để thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động TMĐT.
 
Bên cạnh đó, về mặt pháp luật cũng cần hoàn thiện các khung pháp lý, đề ra các chế tài quy định chặt chẽ về việc đăng ký kinh doanh. Cụ thể, cần yêu cầu tất cả các chủ trang mạng bán hàng phải công khai mã số thuế trên trang mạng; việc từ chối đồng nghĩa với kinh doanh trốn thuế. Từ đó, đưa vào quản lý hiệu quả đối với cá nhân, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này, nhằm chống thất thu và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt: “Quản lý các hoạt động TMĐT phù hợp với tình hình thực tế”
 
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TMĐT còn mang tính tổng quát, chưa đồng bộ. Đặc biệt, đối với hình thức bán hàng qua mạng xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, giá cả, chất lượng hàng hóa. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương khi hình thành website TMĐT theo đúng quy định, gây khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra. Công tác thống kê các tổ chức, cá nhân có ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; chưa có quy định cụ thể về cách thức quản lý và chế tài xử lý vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để kinh doanh.
 
Để nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT trong thời gian đến, Bộ Công thương cần tham mưu Chính phủ ban hành các quy định về quản lý hoạt động TMĐT phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công thương khi hình thành website TMĐT theo đúng quy định. Sở Công thương sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng tiêu chuẩn, biểu mẫu, nhằm thống kê các tổ chức, cá nhân có ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
 
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về TMĐT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, các hội đoàn thể, các doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp có website TMĐT trên địa bàn tỉnh...
         
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Tài chính - Kế toán: “Kiểm soát được kho bãi, nguồn hàng mới quản lý được thuế”
 
Khó khăn lớn nhất mà cơ quan thuế phải đối mặt, đó là làm sao biết được doanh thu của những người bán hàng trên mạng. Bởi có những người kinh doanh chốt được hàng trăm đơn hàng trong ngày, nhưng cũng có chủ tài khoản trong các lần livestream bán hàng đọc chốt đơn liên tục, song thực tế đây chỉ là một hình thức chốt đơn ảo để lôi kéo khách hàng theo hiệu ứng đám đông. Chính vì vậy, không thể dựa vào hàng hóa đầu vào để ấn định số thuế thu ngay mà dựa trên cơ sở đó đưa vào diện quản lý thu thuế theo phương pháp khoán, nhằm hạn chế thất thu thuế.
 
Tuy nhiên, muốn buộc người kinh doanh phải khai thuế để áp dụng thuế khoán, thì trước tiên cơ quan thuế phải có đội ngũ cán bộ giỏi công nghệ thông tin truy tìm trên Zalo, Facebook, Google... để biết được có bao nhiêu người kinh doanh qua mạng trên địa bàn; phối hợp với đội tư vấn thuế phường, xã, chính quyền địa phương để tìm ra kho bãi của người kinh doanh. Từ đó lập luận, đấu tranh với người kinh doanh, thông qua giá cả bán ra trong kỳ và đối chiếu với các hộ kinh doanh khác bán hàng cùng sản phẩm để có cơ sở xác định giá. Một khi đưa vào diện quản lý thuế thì công tác điều tra doanh thu sẽ thuận lợi hơn, từ đó mới có thể ấn định số thuế phù hợp như các hộ kinh doanh chính chủ khác trong nền kinh tế. Đồng thời, hình thành được ý thức tự kê khai, thực hiện nghĩa vụ thuế của người kinh doanh đối với nhà nước.
 
Chị Nguyễn Thị Kim Chi, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi): “Phải đảm bảo sự công bằng giữa những người kinh doanh”
 
Đối với những người kinh doanh, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, trước hoạt động mua bán qua mạng ngày càng nhiều, khiến việc kinh doanh của những cửa hàng bán trực tiếp như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, càng trở nên ế ẩm hơn. So với năm trước, mức doanh thu đã giảm tới 60% - 70%, nhưng vẫn phải đóng thuế đầy đủ. 
 
Trong khi đó, những người kinh doanh trên mạng họ không phải tốn tiền thuê mặt bằng, đầu tư cửa hàng và đặc biệt không phải đóng thuế, nhưng doanh số bán hàng cao hơn rất nhiều lần so với các cửa hàng kinh doanh trực tiếp. Điều này là không công bằng trong hoạt động kinh doanh chung. Vì vậy, tôi mong ngành thuế sớm đưa những người kinh doanh trên mạng vào diện quản lý thuế như những người kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng để tạo sự công bằng và môi trường kinh doanh lành mạnh.
 
HỒNG HOA 
 (thực hiện)
 

.