Gói hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19: Giám sát để không bị trục lợi

07:05, 01/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, 20 triệu người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 đang trông chờ để được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Tiền hỗ trợ dự kiến sẽ đến tay những người thụ hưởng trong tháng 4 và tháng 5.2020. Đây là gói hỗ trợ chưa có trong tiền lệ, thể hiện chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống nhân dân. 
Cần có hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc. Ảnh: PV
Cần có hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc. Ảnh: PV
Dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ đang được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng. Các địa phương cũng đang khẩn trương rà soát, thống kê người thụ hưởng. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để tiền hỗ trợ được trao kịp thời, đúng đối tượng, tránh để xảy ra tiêu cực trong quá trình triển khai chính sách lớn này. 
“Ý nghĩa của gói hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 là, đảm bảo xuyên suốt mục tiêu an sinh xã hội cho mọi người dân trên tinh thần "không có ai bị bỏ lại phía sau". Điều này thể hiện tính nhân văn, thiết thực, thể hiện sự chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Tỉnh sẽ chỉ đạo cho các sở, ngành triển khai gói hỗ trợ đúng quy định. Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ theo dõi quá trình triển khai thực hiện, nếu thấy cần thiết sẽ tiến hành giám sát để việc triển khai đảm bảo tính minh bạch, tránh trục lợi”.
 
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh BÙI THỊ QUỲNH VÂN 

 

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Cao Phúc: "Giám sát trong suốt quá trình triển khai gói hỗ trợ"
 
Qua thống kê, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh thuộc diện thụ hưởng theo gói hỗ trợ của Chính phủ khoảng 441 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí lớn, nếu không cẩn trọng dễ xảy ra trùng hoặc sai sót đối tượng thụ hưởng. Do đó, phải đề cao vai trò của Mặt trận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền cơ sở, để đảm bảo minh bạch toàn bộ hoạt động hỗ trợ. Việc giám sát sẽ được thực hiện xuyên suốt quá trình hỗ trợ, từ khâu lập danh sách, chi hỗ trợ tới khâu hậu kiểm, đảm bảo tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách.
 
Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là đối tượng nào rõ thì làm sớm, làm ngay và những vấn đề không rõ thì cũng tiếp tục làm và tiếp tục tháo gỡ. Gói hỗ trợ lần này triển khai đến cả đối tượng đặc thù là người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Đây là nhóm đối tượng khó xác định nhất trong tổng số 7 nhóm đối tượng hưởng hỗ trợ từ gói an sinh xã hội này. Nếu không làm tốt việc rà soát sẽ dẫn tới việc bỏ lọt đối tượng được thụ hưởng, thậm chí dễ dẫn tới hiện tượng lợi dụng, trục lợi chính sách.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Tiến Tân: "Cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về từng nhóm đối tượng"
 
Cần có hướng dẫn, quy định cụ thể về từng nhóm đối tượng cũng như trình tự, thủ tục để việc rà soát các đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 được chính xác và đầy đủ. Sở LĐ-TB&XH đã có công văn gửi các ngành, địa phương đề nghị tổng hợp số liệu các nhóm đối tượng. Tuy nhiên, vì chưa có hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về từng nhóm đối tượng và trình tự thủ tục, nên các số liệu cũng chưa thể đầy đủ, trong đó nhóm đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc là nhóm đối tượng rất khó nắm bắt, chỉ chính quyền địa phương cơ sở mới nắm được.
 
 Hiện các địa phương lập danh sách thống kê bước đầu trên cơ sở dự thảo Quyết định hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH. Sở LĐ-TB&XH đang tổng hợp một số điểm bất hợp lý trong dự thảo để gửi Bộ xem xét điều chỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được thụ hưởng chính sách này nhanh chóng và đảm bảo đúng, đủ.
 
Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) Nguyễn Hữu Trung: "Công khai, minh bạch để người dân giám sát"
 
Việc triển khai Nghị quyết 42 của Chính phủ được chi bộ chỉ đạo triển khai nghiêm túc, công khai, minh bạch. Nội dung nghị quyết được thôn triển khai, thông báo trong toàn dân thông qua loa phát thanh, mạng xã hội, trong đó nêu rõ 7 nhóm đối tượng được hỗ trợ để người dân nắm bắt, biết mình thuộc nhóm đối tượng nào. Thôn đã tổng hợp được trên 800 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc rà soát, lập danh sách đảm bảo theo các nhóm đối tượng. Để xác nhận các đối tượng được thụ hưởng hay không thì còn chờ xét của cấp trên, tuy nhiên với trách nhiệm ở thôn thì việc triển khai gói hỗ trợ được cấp ủy, chính quyền thôn triển khai rất kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch để người dân có thể giám sát.
 
Chị Nguyễn Thị Xuân Nhựt (40 tuổi) ở tổ 1, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi): "Mong sớm được nhận tiền hỗ trợ"
 
Tôi làm phục vụ tại một quán cà phê trên địa bàn phường Quảng Phú, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên quán đóng cửa, tôi bị mất việc. Hiện tôi đang nuôi ba con nhỏ, cuộc sống gia đình khó khăn vì mất đi nguồn thu nhập.
 
Tôi có theo dõi trên phương tiện truyền thông thì được biết Chính phủ sẽ hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc. Tôi rất vui khi Chính phủ triển khai kịp thời gói hỗ trợ và mong chính quyền địa phương sớm triển khai để chúng tôi được nhận tiền hỗ trợ, giúp cuộc sống gia đình bớt khó khăn trong giai đoạn này. 
 
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng trong toàn tỉnh là 43.991 người (dự kiến kinh phí hỗ trợ khoảng 66 tỷ đồng); đối tượng bảo trợ xã hội và chăm sóc tại cộng đồng 81.771 người (kinh phí hỗ trợ khoảng 122,6 tỷ đồng); đối tượng hộ nghèo, cận nghèo 177.616 người (kinh phí hỗ trợ khoảng 133,2 tỷ đồng).
 
Theo báo cáo ban đầu của các doanh nghiệp, trên địa bàn tỉnh có 14.790 lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên. Có 67.310 người thuộc đối tượng không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. 
 
Hiện nay, hai nhóm đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1.4.2020 và người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3, Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6.2020 vẫn chưa có số liệu cụ thể.
 

T.Thuận - X.Hiếu
(thực hiện)

 
 
 

.