Phòng, tránh đuối nước ở trẻ em: Cần cộng đồng trách nhiệm

04:06, 23/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng trẻ em bị đuối nước mặc dù đã được cảnh báo, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra, để lại nỗi đau tột cùng cho nhiều gia đình và là nỗi ám ảnh của cộng đồng xã hội. Điều đáng nói là số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em có chiều hướng gia tăng, nhất là vào dịp nghỉ hè.

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2015 - 2018, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 30 vụ đuối nước, cướp đi mạng sống của hơn 30 trẻ em. Từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 1 vụ đuối nước, làm chết 1 người.

Việc thiếu quan tâm của gia đình trong việc nhắc nhở con em vào mỗi dịp hè là một trong những mối nguy về đuối nước ở trẻ em. Trong ảnh: Trẻ em Lý Sơn tắm biển vào mùa hè.
Việc thiếu quan tâm của gia đình trong việc nhắc nhở con em vào mỗi dịp hè là một trong những mối nguy về đuối nước ở trẻ em. Trong ảnh: Trẻ em Lý Sơn tắm biển vào mùa hè.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đinh Xuân Sâm: "Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo"

Địa hình tỉnh ta có nhiều vùng miền, khu dân cư ở sát bờ sông, suối, ao hồ, biển. Trong khi đó, trẻ em thiếu các khu vui chơi, nên thường tụ tập đến các điểm này để vui chơi, giải trí. Vì thế, nguy cơ xảy ra đuối nước khá cao.

Vừa qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06 tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương phải chủ động triển khai các phần việc thuộc đơn vị mình quản lý trong công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em. Đồng thời, yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, phát hiện kịp thời các hố sâu, ao, hồ, sông, bãi tắm, các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên, qua khảo sát thì nhiều địa phương chưa thực hiện tốt điều này.
 

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Lữ Xuân Ánh: "Các bậc cha mẹ phải theo dõi, nhắc nhở con em mình"

Khi không may có tai nạn đuối nước, thì gia đình nạn nhân gánh chịu nỗi đau, mất mát lớn nhất. Thế nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt quan tâm đến con em mình. Phụ huynh phải thường xuyên kiểm soát, theo dõi việc đi lại, vui chơi của con em mình để phòng, chống rủi ro đuối nước xảy ra. Không nên chủ quan và ủy thác trách nhiệm đó cho xã hội, hay quá tin tưởng con em của mình.

Để phòng, tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em, huyện Sơn Tịnh đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, UBND các xã. Với ngành công an thì phối hợp với các ngành chủ động kiểm tra tất cả các bến đò. Đối với phòng nông nghiệp thì chỉ đạo rà soát lại tất cả các hồ đập, những vị trí có thể có trẻ em tụ tập; tiến hành rào chắn các hồ đập, cắm biển báo để phòng ngừa đuối nước ở trẻ em. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, hội, đoàn thể, trường học đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh trong việc phòng ngừa đuối nước.
 

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải (Bình Sơn) Phạm Cầu: "Phải cắm biển báo ở khu vực nguy hiểm"  

Việc cắm biển báo ở những nơi nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn đuối nước là hết sức cần thiết để cảnh báo, đồng thời là cách để tuyên truyền hình ảnh trực quan.
 
Tuy nhiên, trong thời gian qua, địa phương gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí nên cũng chưa làm tốt.
 
Trong thời gian tới, xã sẽ cố gắng thực hiện việc cắm biển báo ở tất cả các khu vực thường xuyên có trẻ em đến tắm và khu vực ven ao hồ; đồng thời tổ chức lực lượng túc trực ở các bãi tắm trên địa bàn, để kịp thời nhắc nhở và xử lý khi có tai nạn đuối nước xảy ra.

Trưởng phòng Giáo dục - Tư tưởng (Sở GD&ĐT) Trần Thị Kim Nhạn: "Cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội"  

Trong khi chưa tổ chức dạy bơi rộng rãi cho học sinh, thì ngành giáo dục sẽ tập trung giáo dục ý thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho các em. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý, giáo viên cần thường xuyên nhắc nhở các em để hình thành ý thức, kỹ năng này.
 
Việc phòng, tránh đuối nước trong học sinh không chỉ trông chờ vào mỗi nhà trường, mà đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần chủ động cho con học bơi. Bởi dù nhà trường có đưa môn bơi lội vào trường học, thì cũng không thể dạy cho từng học sinh được, vì học sinh đông, nhưng chỉ có một vài giáo viên có chuyên môn.

Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi) Trần Công Hùng: "Học sinh cần được trang bị kỹ năng bơi lội"
 
Hiện nay, phần lớn học sinh không được trang bị kỹ năng bơi. Trong khi vào dịp nghỉ hè, nhà trường không quản lý học sinh. Cách tốt nhất để hạn chế rủi ro là trang bị cho các em kỹ năng biết bơi để tự đề phòng. Tôi đề nghị đưa môn bơi vào trường học càng sớm càng tốt. Trong khi chờ chủ trương, thì các trường học nếu có điều kiện nên đầu tư kinh phí để xây dựng hồ bơi và dạy bơi cho học sinh.
Anh Đặng Quốc Vinh, hướng dẫn viên dạy bơi ở Trung tâm Thể thao Trần Phú (TP.Quảng Ngãi): "Cần quan tâm dạy bơi cho trẻ em nông thôn"

Dạy trẻ biết bơi không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn trang bị cho các em kỹ năng để tự cứu sống mình khi không may đuối nước. Thậm chí, các em còn được học kỹ năng để cứu bạn mình bị đuối nước. Vài năm gần đây, vào dịp nghỉ hè có nhiều phụ huynh trên địa bàn TP.Quảng Ngãi đưa con đến các trung tâm học bơi.
 
Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên, ở nhiều vùng nông thôn thì không có hồ bơi an toàn, trẻ em thường xuyên ra sông, suối, ao hồ để tắm, rất nguy hiểm. Là người dạy bơi, tôi mong muốn các địa phương quan tâm dạy bơi cho trẻ em ở vùng nông thôn, để tránh trường hợp đuối nước thương tâm xảy ra.   

Hơn 70% học sinh trong tỉnh không biết bơi

 

Cần sớm đưa môn bơi vào trường học để giảm thiểu những tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em.
Cần sớm đưa môn bơi vào trường học để giảm thiểu những tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em.
Theo thống kê của ngành giáo dục, tỷ lệ học sinh trong tỉnh không biết bơi chiếm hơn 70%. Trong chương trình của Bộ GD&ĐT, ngoài các môn giáo dục thể chất bắt buộc, các trường có quyền tự chọn môn học phù hợp với vùng, miền.
 
Với đặc thù địa phương nhiều sông, suối, ao, hồ, đường bờ biển dài, thì các trường học của tỉnh có thể lựa chọn môn bơi đưa vào dạy. Thế nhưng hiện nay chỉ có khoảng 10 trường trong tỉnh có bể bơi. Theo lý giải của ban giám hiệu các trường học, sở dĩ môn bơi vẫn chưa đưa vào trường học là vì khó khăn về cơ sở vật chất, trong khi đó việc xây dựng một bể bơi tốn 1 - 2 tỷ đồng, kinh phí vận hành mỗi tháng mất hàng chục triệu đồng.


 X.THIÊN - TR.PHƯƠNG
(thực hiện)
 

 


.