Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đến hết ngày 9/3, đã có 522 người được tiêm vắc xin COVID-19. Báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm, tuyệt đại đa số là phản ứng thông thường đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn…
[links()]
Theo thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), đến cuối giờ chiều ngày 9/3/2021, tại các điểm tiêm chủng đã thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho 522 người là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ngày 8/3 |
Hai cơ sở mới triển khai trong ngày 9/3/2021 là Bệnh viện Thanh Nhàn, TP Hà Nội đã thực hiện tiêm 36 người, Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai thực hiện tiêm cho 69 người.
Theo báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng, Dự án TCMR đã ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc xin COVID-19 AstraZeneca, tuyệt đại đa số là phản ứng thông thường sau tiêm chủng đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn…
Có 5 trường hợp được theo dõi xử trí tại bệnh viện, trong đó có 2 trường hợp phản vệ độ 2 đã được xử lý theo quy định và tình trạng sức khoẻ đã trở lại bình thường, 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định.
Chương trình TCMR đánh giá thực tế triển khai tiêm chủng trong hai ngày qua diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép. Do vắc xin phòng COVID-19 là vắc xin mới, nên người được tiêm phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế.
Theo quy định của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng vắc xin đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vắc xin, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý sốc phản vệ) theo quy tắc một chiều, được trang bị hộp chống sốc và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Tất cả những người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện những biểu hiện bất thường họ phải liên lạc với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.
Theo Thái Bình/Suckhoedoisong.vn