Tuyến y tế cơ sở "gồng mình" tự chủ kinh phí

02:03, 09/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2021, các Trung tâm Y tế tuyến huyện trong tỉnh gần như tự chủ 100% kinh phí. Hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn, nên nhiều đơn vị phải “gồng mình” để chăm sóc sức khỏe cho người dân.  
[links()]
Theo quy định, từ ngày 1.1.2021, người dân có thẻ BHYT khi đi khám trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh đều được quỹ BHYT thanh toán 100%. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ đội ngũ y, bác sĩ tuyến y tế cơ sở đều thấp hơn so với tuyến tỉnh, dẫn đến tình trạng tuyến y tế cơ sở thì thừa giường bệnh, tuyến tỉnh thì quá tải, kéo theo nhiều hệ lụy trong việc thực hiện tự chủ kinh phí.
 
Tăng cường công tác khám, điều trị ngoại trú
 
Hơn 2 tháng qua, cứ đến ngày đầu tuần, tại Phòng Khám đa khoa, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tư Nghĩa có khá đông người dân đến khám bệnh. Bà Bùi Thị Hương, ở thị trấn Sông Vệ cho biết: “Mấy ngày qua, chân tay tôi cứ đau nhức, chóng mặt, nên sáng nay đến trung tâm khám. Bác sĩ bảo tôi bị đau xương khớp, rối loạn tiền đình, nên cần nhập viện để theo dõi điều trị". Tuy nhiên, sau khi khám và tư vấn, người nhà của bà Hương xin bác sĩ cho toa thuốc để về nhà mua uống. 
Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn đầu tư phương tiện, thiết bị để khám và điều trị bệnh cho người dân.
Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn đầu tư phương tiện, thiết bị để khám và điều trị bệnh cho người dân.
Theo thống kê của Khoa Khám bệnh (TTYT huyện Tư Nghĩa), số lượng người dân đến khám ngoại trú tại trung tâm như bà Hương khá đông, bình quân khoảng 500 người/ngày. Nhưng đa số người dân đến khám bệnh rồi ra về, hoặc lên tuyến trên khám và điều trị lại. Nếu có ca bệnh nặng cần phải phẫu thuật, cấp cứu và một số bệnh lý khác cần điều trị nội trú thì đa phần lên tuyến trên.
 
Giải thích về điều này, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa Lê Tiên cho hay: Là địa bàn sát bên TP.Quảng Ngãi, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị khám, điều trị cho bệnh nhân chưa đảm bảo chất lượng như tuyến tỉnh. Trong khi năm 2021, chính sách BHYT đã được thông tuyến, nên hầu hết bệnh nhân nặng có thẻ BHYT đều lên tuyến trên. Vì vậy, số lượng bệnh nhân đến trung tâm khám, điều trị ngoại trú thì đảm bảo chỉ tiêu, còn điều trị nội trú đã giảm khoảng 50 - 60% so với chỉ tiêu giường bệnh, dẫn đến nguồn thu năm 2020 của trung tâm chỉ đạt khoảng 33 tỷ đồng (trong đó, nguồn thu BHYT khoảng 30 tỷ đồng, thu viện phí từ 2  -  3 tỷ đồng/năm), nhưng nguồn chi cho hoạt động lên đến 37 tỷ đồng. Trong khi trung tâm đã thực hiện tự chủ 100% kinh phí hoạt động, dẫn đến thiếu kinh phí để đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế... Hiện trung tâm đã nợ các đơn vị cung ứng thuốc, vật tư y tế... khoảng 7 tỷ đồng.
 
Trung tâm Y tế các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức và nhiều đơn vị y tế cơ sở cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ngoài ảnh hưởng của chính sách thông tuyến, dịch Covid-19, thì cuối năm 2020, TTYT huyện Mộ Đức bị bão số 9 làm sập đổ, hư hỏng nhiều hạng mục, không đảm bảo an toàn cho người dân đến khám, điều trị nội trú. Giám đốc TTYT huyện Mộ Đức Võ Thanh Tân chia sẻ: "Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị giảm đáng kể, nên khó có thể tự chủ kinh phí...”.
 
“Gồng mình” thực hiện các giải pháp
 
Theo chính sách BHYT, năm 2021, chỉ thực hiện thông tuyến cho điều trị nội trú, quy định này không áp dụng cho khám, chữa bệnh ngoại trú. Trên cơ sở này, TTYT huyện Tư Nghĩa đã triển khai một số giải pháp để có nguồn thu cho trung tâm hoạt động trước mắt. “Trung tâm đã chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường nguồn nhân lực ở các khoa hỗ trợ cho Khoa Khám và điều trị ngoại trú, chú trọng nâng cao năng lực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu của người bệnh; tiết kiệm chi phí điện, nước, vật tư y tế... Nhờ đó, số lượt người dân đến khám đảm bảo chỉ tiêu”, Phó Giám đốc TTYT huyện Tư Nghĩa Lê Tiên cho biết.
 
Thực hiện quy định cơ chế tự chủ, từ năm 2017 đến nay, nhiều đơn vị y tế cơ sở đã thực hiện nhiều giải pháp để có nguồn thu, nhưng vẫn không đảm bảo chi phí cho hoạt động của đơn vị. Nhiều đơn vị chỉ tự chủ được 80% trong tổng số nguồn chi đối với đơn vị y tế cơ sở đồng bằng. Đối với huyện Lý Sơn và các huyện miền núi chỉ đạt khoảng 55 - 60%. Nguyên nhân kinh phí hoạt động của các cơ sở y tế chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ việc khám, điều trị bệnh. Trong khi  trình độ chuyên môn, thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh cho người dân.
 
Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Báy cho biết: Trong điều kiện hiện nay, các đơn vị cơ sở y tế muốn tồn tại, trước hết phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, có chính sách thu hút nguồn nhân lực mới để áp dụng các kỹ thuật mới trong khám và điều trị bệnh cho người dân. Về lâu dài, tỉnh cần có cơ chế rõ ràng cho từng đơn vị y tế cơ sở có tính đặc thù vùng miền, để giao chỉ tiêu tự chủ kinh phí, không nên áp dụng tự chủ 100% kinh phí chung cho tất cả các tuyến y tế cơ sở...
 
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 

.