(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Ngãi trong thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, đó là tập trung nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tầm vóc thể lực, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung giảm mức sinh, quy mô dân số được ổn định và đạt mức sinh thay thế. Tuy nhiên, tầm vóc thể lực của dân số cải thiện chậm. Kết quả khảo sát ở 6 huyện miền núi trong tỉnh cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng là trên 30%; suy dinh dưỡng chiều cao trên 50%, cao hơn bình quân của tỉnh là 15% và cao hơn bình quân cả nước 24%.
Chương trình sữa học đường giúp trẻ em miền núi nâng cao dinh dưỡng, phát triển tầm vóc, thể lực. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao kéo theo tỷ lệ suy dinh dưỡng, thể trạng thấp còi ở trẻ em tăng cao. Chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng khó khăn, nông thôn còn thấp. Vấn đề tảo hôn vẫn còn là thực trạng nhức nhối ở địa bàn miền núi. Việc thực hiện mục tiêu nâng cao chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh từng bước được quan tâm, nhưng chưa được nghiên cứu đánh giá đầy đủ.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây Đinh Hồng Nhía, cho biết: Trung tâm đã phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn huyện xây dựng các câu lạc bộ cháo dinh dưỡng. Các câu lạc bộ có nhiệm vụ tổ chức tập huấn và hướng dẫn thực hành bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, nhằm chăm sóc số trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn, cũng như hạn chế tỷ lệ trẻ sinh duy dưỡng thấp còi.
Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em miền núi, tỉnh ta cũng đã ban hành Ðề án về nâng cao hiệu quả phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ở các huyện miền núi, giai đoạn 2017 - 2020. Thông qua đề án này, hằng năm, các trung tâm y tế ở miền núi mua sữa cấp miễn phí cho khoảng 20 nghìn trẻ dưới 5 tuổi. Tổng kinh phí để thực hiện đề án gần 21 tỷ đồng.
Cùng với tập trung các giải pháp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ em miền núi, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; giảm 50% số cặp tảo hôn và giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống. Cùng với đó, phấn đấu 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến và 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh tật bẩm sinh phổ biến. Đặc biêt, tập trung nâng cao chiều cao, ở tuổi 18 đối với nam đạt 168,5cm và 157,5cm đối với nữ. Chỉ số phát triển HDI nằm trong mức trung bình của cả nước.
Để đạt các mục tiêu trên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Đức, cho biết: Trong thời gian đến, các cấp chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với công tác dân số trong tình hình mới. Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động của hệ thống chính trị các cấp.
Bài, ảnh: TRÍ PHONG