Gia tăng trẻ mắc bệnh tự kỷ và bệnh tăng động giảm chú ý

08:02, 24/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Số trẻ mắc bệnh tự kỷ và bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Điều đáng lo ngại là nhiều người chưa hiểu đúng về căn bệnh này dẫn đến khó khăn trong công tác điều trị.

Cần phát hiện sớm

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 300 trẻ tự kỷ. Số trẻ mắc bệnh ADHD cũng ngày càng tăng. Trong năm 2017,  Bệnh viện Tâm thần tỉnh tư vấn điều trị cho gần 100 trẻ bị ADHD. Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh, bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ, đây chỉ là con số bệnh viện thống kê được qua điều trị, còn trên thực tế số trẻ mắc bệnh ADHD nhiều hơn. Nhiều phụ huynh chưa hiểu về bệnh ADHD nên thăm khám, điều trị muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý, học tập và hòa nhập cuộc sống của trẻ.

Trẻ điều trị bệnh tự kỷ và bệnh ADHD tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Trẻ điều trị bệnh tự kỷ và bệnh ADHD tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.


Bé N.M.H (học lớp 1 Trường Tiểu học Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi) thường xuyên đánh bạn, trong giờ học, cũng như ở nhà rất ít tập trung chú ý. Mẹ bé cho biết: Sau khi khám bệnh, bác sĩ nói bé bị bệnh tăng động. Gia đình rất lo lắng, nhưng chưa biết điều trị ở đâu, như thế nào cho hiệu quả. Tâm sự của mẹ bé H cũng là lo lắng của nhiều phụ huynh có con mắc bệnh ADHD.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ, các triệu chứng bệnh khởi phát ở độ tuổi rất nhỏ, có thể kéo dài suốt cuộc đời và cùng tồn tại với các rối loạn tâm thần khác. Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một nhóm các triệu chứng như: Giảm sự chú ý, tăng hoạt động và có những hành động có tính chất xung động...  Bệnh ADHD cần được điều trị lâu dài. Trẻ dưới 6 tuổi được trị liệu tâm lý là chính, nhưng cũng phải dùng thuốc nếu bệnh quá nặng, kết hợp với trị liệu hành vi. Điều các bậc cha mẹ cần quan tâm đó là các liệu pháp hành vi và những biện pháp giúp đỡ trẻ tại nhà, thường xuyên có sự trao đổi giữa cha mẹ, thầy cô giáo và bác sĩ.  

Cùng với bệnh ADHD, bệnh tự kỷ cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay ở trẻ em. Hiện Khoa Tâm căn tâm thần trẻ em (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) đang điều trị cho 65 trẻ tự kỷ. Biện pháp tốt nhất là can thiệp giáo dục cho trẻ tự kỷ, điều trị phối hợp như điều hòa cảm giác, dinh dưỡng, dùng thuốc.

Nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị

Tại Quảng Ngãi, Bệnh viện Tâm thần tỉnh là nơi duy nhất điều trị cho trẻ tự kỷ và bệnh DAHD. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của bệnh viện còn thiếu, đội ngũ bác sĩ tâm lý để hỗ trợ điều trị còn mỏng, nên mỗi ngày chỉ tiếp nhận và điều trị cho khoảng 20 - 25 bé mắc bệnh tự kỷ.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quang Vũ cho biết, theo quy định của Bộ Y tế thì đối với cán bộ cử nhân tâm lý chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, việc tuyển dụng cho đội ngũ cán bộ này vào biên chế cũng gặp khó. Do vậy, Khoa Tâm căn tâm thần trẻ em tiếp nhận 4 cử nhân tâm lý, nhưng đến nay chỉ còn 2 cán bộ, còn lại đã xin chuyển công tác. Hiện tại, khoa có  4 bác sĩ chuyên môn, 9 điều dưỡng có chứng chỉ can thiệp trẻ tự kỷ. Để đảm bảo nhân lực, chúng tôi đang tiếp tục đào tạo cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực này để đáp ứng tốt yêu cầu điều trị hiện nay.

Mới đây, Sở Y tế tổ chức Hội thảo khoa học về tự kỷ và can thiệp điều trị ở trẻ tự kỷ nhằm điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp can thiệp đối với trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh để nâng cao các giải pháp hỗ trợ điều trị.

Trong tháng 3.2018, Bệnh viện Nhi đồng, các chuyên gia về tự kỷ ở trong nước sẽ về Bệnh viện Tâm thần tỉnh chuyển giao kỹ năng chăm sóc, điều trị cũng như hỗ trợ phụ huynh những phương pháp can thiệp, giúp trẻ điều trị tốt hơn trong thời gian ở nhà.

 

Bài, ảnh: KN


 


.