Phát huy vai trò của cộng tác viên dân số

02:01, 03/01/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kết quả đạt được trong công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số ở cơ sở.

TIN LIÊN QUAN


Mỗi CTV dân số là tuyên truyền viên giỏi

Toàn tỉnh có 2.750 CTV dân số.  Mạng lưới CTV dân số cơ sở tập trung ở các thôn, tổ dân phố, giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động truyền thông DS-KHHGĐ. Thông qua đội ngũ CTV dân số, tình hình dân số được các cơ quan chức năng cập nhật thường xuyên; đồng thời chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân số đến với người dân, giúp chuyển đổi nhận thức và hành vi về DS-KHHGĐ. Trong những năm qua, chương trình DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực cũng là nhờ có phần đóng góp quan trọng trong hoạt động truyền thông trực tiếp tới từng gia đình của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Cần quan tâm đãi ngộ, nâng cao kiến thức tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở.
Cần quan tâm đãi ngộ, nâng cao kiến thức tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ dân số cơ sở.


Chị Bùi Thị Thanh, tổ trưởng tổ dân phố Làng Bồ, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) làm CTV dân số đã hơn 12 năm. Chị Thanh cho biết, để giữ tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức an toàn và hạn chế tối đa tình trạng sinh con thứ ba trở lên, phải lấy tuyên truyền làm “vũ khí” để nâng cao nhận thức cho người dân trong thực hiện KHHGĐ. Tuyên truyền về dân số không chỉ gói gọn theo kiến thức có sẵn trong sách vở, tài liệu mà còn phải sử dụng nhiều hình thức. Quan trọng nhất là khi phân tích cái lợi của việc thực hiện KHHGĐ, chăm sóc SKSS, CTV dân số phải có cách nói gần gũi, dễ hiểu theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Còn chị  Đặng Thị Huệ (cũng ở thị trấn Di Lăng, làm CTV dân số đã 11 năm) thì cho rằng, CTV dân số muốn thực hiện tốt nhiệm vụ thì phải yêu nghề, nhiệt tình. Công việc hằng ngày của chị Huệ là đi từng ngõ, gõ từng nhà để phổ biến, tuyên truyền chính sách dân số; vận động, hướng dẫn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp KHHGĐ; vận động các gia đình không để con em mình tảo hôn. Với đặc thù địa bàn miền núi, dân cư sống rải rác, nên việc đi gặp các đối tượng để tuyên truyền không hề đơn giản. Có nhiều trường hợp, chị Huệ phải đến nhà nhiều lần hoặc lên tận nương rẫy mới tiếp cận được.

Cần khắc phục những hạn chế

Vai trò của CTV dân số là rất quan trọng, tuy nhiên hiện nay mạng lưới CTV dân số trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa ổn định. Nguyên nhân là do CTV dân số thay đổi rất thường xuyên làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Cùng với đó, phụ cấp đối với CTV dân số quá thấp, trong khi đó công việc của CTV dân số rất vất vả.

 Trước đây, mỗi tháng CTV dân số được hưởng phụ cấp 100.000 đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ và 60.000 đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ. Từ năm 2016, chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ không còn, nguồn kinh phí bị cắt, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của đội ngũ CTV dân số. Để hỗ trợ thù lao cho CTV dân số, mới đây UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ phụ cấp cho CTV dân số cơ sở, thay vì 60.000 đồng như trước đây, mức phụ cấp được tăng thêm 100.000 đồng.

Bên cạnh đó, trình độ của CTV dân số không đồng đều, thường xuyên thay đổi nên việc cập nhật kiến thức, kỹ năng truyền thông còn hạn chế. Nhiều CTV hiện nay thiếu kiến thức về chăm sóc SKSS, nên việc truyền thông tại cơ sở còn gặp khó khăn.

Để có mạng lưới CTV dân số cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới cần có chế độ thỏa đáng đối với đội ngũ CTV dân số, đồng thời tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức để các CTV dân số an tâm, tự tin thực hiện tốt nhiệm vụ. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách dân số, góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số.
  

Bài, ảnh: TRÍ PHONG
 


.