(Báo Quảng Ngãi)- Sau 3 tháng áp dụng thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), người sử dụng thẻ BHYT đã tự chủ trong quá trình đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện, xã trong cùng địa bàn tỉnh. Quyền lợi người bệnh ngày càng đảm bảo hơn. Tuy nhiên, điều này đã tạo quá tải cho bệnh viện tuyến huyện có dịch vụ y tế tốt, còn ngược lại một số cơ sở y tế miền núi và trạm y tế thì khó thu hút người bệnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đặng Thùy Trâm giờ đây không chỉ là nơi khám, chữa bệnh của riêng người dân huyện Đức Phổ. Trước đây, trung bình mỗi ngày, đơn vị khám chữa bệnh cho khoảng 300-400 bệnh nhân ngoại trú, nhưng từ ngày thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, số lượng bệnh nhân giao động từ 500-600 người (tăng hơn 30%).
Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Tịnh. |
Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, ngoài ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục nhanh chóng cho người bệnh, đơn vị còn đầu tư các trang thiết bị hiện đại, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. “Do có chuẩn bị từ trước nên chúng tôi không lúng túng với việc bệnh nhân đến khám đông. Bệnh viện đã tăng cường giường bệnh, bố trí mở rộng khu vực phòng khám nội tổng hợp từ 2 phòng lên 4 phòng. Tăng 4 kíp trực điều dưỡng Phòng cấp cứu và 3 điều dưỡng Phòng hồi sức thuộc Khoa cấp cứu, tích cực chống độc, vì đây là nơi thường xuyên đông bệnh nhân”, bác sĩ Võ Thanh Tân - Giám đốc BVĐK Đặng Thùy Trâm cho hay.
“Cùng với tăng viện phí, ngành y tế đang tiếp tục chỉ đạo đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, y nghiệp của cán bộ y tế...; tiến tới cung cấp dịch vụ kỹ thuật khám, điều trị chất lượng cao cho người dân”. Ông Nguyễn Tấn Đức - Giám đốc Sở Y tế. |
Tại các BVĐK Tư Nghĩa, Sơn Tịnh... thời gian qua số bệnh nhân cũng tăng 10-20%. Chị Đoàn Thị Tốt, ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) cho biết, bé trai nhà chị có BHYT khám ban đầu ở trạm y tế xã, nhưng từ khi biết thông tuyến, nên chị không đến trạm mà đưa bé bị bệnh tiêu chảy đến bệnh viện tuyến huyện để bé được thăm khám chu đáo hơn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, BVĐK Tư Nghĩa không chỉ tiếp nhận và điều trị cho người dân trong huyện mà cả người dân ở những xã lân cận của các huyện khác như: Nghĩa Hành, Mộ Đức và TP.Quảng Ngãi. Người dân đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở các Trạm Y tế xã cũng tập trung về huyện để khám khá đông, mặc dù chỉ là những bệnh thông thường, gây ra tình trạng quá tải. Bác sĩ Phan Minh Đan - Giám đốc BVĐK Tư Nghĩa cho biết: “Đối với Khoa khám bệnh thì bệnh viện có kế hoạch và phân lịch cụ thể để tăng cường bác sĩ hàng ngày, tăng bàn khám cho khoa khám bệnh để giải quyết bệnh nhân tăng. Chúng tôi xác định phải liên tục đổi mới về chất lượng phục vụ, về cơ sở vật chất nhằm tạo niềm tin cho người bệnh”. Cũng theo bác sĩ Đan, đối với những bệnh thông thường, người dân nên đến nơi khám chữa bệnh ban đầu là Trạm Y tế xã để được điều trị. Không nên tập trung đến BVĐK tuyến huyện, vì không cần thiết, tốn thời gian đi lại, phải chờ đợi lâu.
Ở các tuyến y tế miền núi, tình hình bệnh nhân không có gì đột biến. “So với trước khi thông tuyến thì số bệnh nhân cũng không quá giảm. Riêng bệnh nhân trạm y tế có giảm khoảng 10-15%, do người bệnh tập trung lên tuyến y tế huyện”, bác sĩ Đặng Thị Phượng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho hay. Còn tại Trung tâm Y tế huyện Minh Long thì lượng bệnh nhân tập trung về tuyến huyện giảm so với trước từ 10-20%.
Nhiều quy định mới của BHYT hiện nay đã mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh, đây là một trong những giải pháp nhằm tăng diện bao phủ BHYT, tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2020. Người bệnh có quyền tự chủ lựa chọn cho mình nơi khám chữa bệnh tốt nhất; đồng thời các cơ sở y tế phải luôn đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì mới thu hút được bệnh nhân.
Bài, ảnh: KN