(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ huyện Minh Long đối mặt nhiều thách thức không nhỏ, đó là nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh; chất lượng dân số, sức khoẻ sinh sản vẫn còn hạn chế; đặc biệt là tình trạng tảo hôn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn huyện có 87 trường hợp tảo hôn. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn huyện tăng, năm 2011 là 140 nam/100 nữ, đến năm 2015, tỷ lệ này có giảm nhưng vẫn còn 126 nam/100 nữ... Để từng bước nâng cao chất lượng dân số và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, huyện đã triển khai hiệu quả Đề án “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là triển khai có hiệu quả chiến dịch truyền thông về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó chú trọng đến các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, những người cung cấp dịch vụ siêu âm và dịch vụ nạo phá thai... Trong khuôn khổ của Đề án, huyện đã xây dựng 24 CLB “Thực hiện Chính sách DS-KHHGĐ” tại 10 thôn của 5 xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ trong cộng đồng dân cư.
Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng cao Minh Long. |
“Mục tiêu đến năm 2020, huyện phấn đấu hạ thấp tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống ở mức 5%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 8%o; khống chế tỷ lệ giới tính khi sinh ở mức 110 bé trai/100 bé gái... Để đạt được các chỉ tiêu này, chúng tôi huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền và hội đoàn thể trên địa bàn nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của công tác DS-KHHGĐ”, ông Lê Vũ Lương nhấn mạnh. |
Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên địa bàn. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức lấy máu gót chân cho trên 100 trẻ sơ sinh và gần 100 mẫu máu phụ nữ mang thai để sàng lọc. Qua đó, giúp người dân nắm rõ thông tin việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường.
Trung tâm DS-KHHGĐ huyện còn phối hợp với các trường trên địa bàn triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân và thành lập các CLB sinh hoạt tại các xã nhằm tuyên truyền, cung cấp thông tin về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, chẩn đoán thai sớm; khám sức khỏe cho các bạn trẻ trước khi kết hôn. Đến nay, đã có gần 900 lượt trẻ vị thành niên và thanh niên được khám sức khoẻ và tư vấn về sức khoẻ sinh sản.
Ông Lê Vũ Lương - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Minh Long cho biết: Thông qua các mô hình, đề án, người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức về những nguy cơ suy thoái về giống nòi, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Phụ nữ dân tộc thiểu số được cung cấp các dịch vụ về KHHGĐ, dịch vụ sàng lọc trước sinh, sơ sinh... Nhờ đó, đến nay công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm đáng kể, với tỷ lệ 7,3% (năm 2015), góp phần vào việc hạ thấp tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 9,0‰. Toàn huyện đã xây dựng 20/43 thôn không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên nhiều năm liền.
Bài, ảnh: Trí Phong