Phụ nữ vùng cao: Nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản

09:08, 27/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Phụ nữ người đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi ngày càng nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS). Phần lớn chị em đến cơ sở y tế để sinh đẻ, không còn sinh đẻ tại nhà, nhờ mụ vườn đỡ đẻ và cắt rốn bằng tre nứa như trước.

TIN LIÊN QUAN

Chị Đinh Thị A Rây (28 tuổi, ở xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ), đang mang thai đứa con thứ 2 được 6 tháng, vui vẻ cho biết: “Trước đây mẹ mình sinh con không cần đến trạm y tế, cũng không đi khám thai, chỉ cần mụ vườn là đẻ được thôi. Nhưng khi mình mang thai hai đứa con đều đi khám thai và mình quyết định sinh tại bệnh viện huyện cho an toàn”.  Chị A Rây cho biết thêm, mẹ chị 7 lần sinh đẻ, nhưng chỉ có 4 người con còn sống, còn lại mất khi mới chào đời. Chị được cán bộ y tế thôn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở là khi mang thai phải đến trạm y tế để khám thai xem em bé có khỏe không, 3 tháng nên đi khám một lần, khi sinh nên đến trạm y tế... “Phụ nữ ở địa phương mình khi có thai đều đến trạm y tế để khám và sinh con nên an toàn cho cả mẹ và bé. Còn việc sinh tại nhà cũng còn nhưng rất ít”, chị A Rây nói.

Các bác sĩ ở Bệnh viện huyện Trà Bồng  khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh là con của đồng bào dân tộc thiểu số.
Các bác sĩ ở Bệnh viện huyện Trà Bồng khám sàng lọc cho trẻ sơ sinh là con của đồng bào dân tộc thiểu số.


Không riêng gì chị A Rây mà hiện nay phần lớn chị em phụ nữ ở các huyện vùng cao trong tỉnh đều đến trạm y tế khi đau ốm hoặc sinh đẻ. Trừ những trường hợp ở quá xa trạm y tế, trong tình huống cấp bách, nhiều gia đình mới nhờ đến mụ vườn. Nhưng mụ vườn thời nay đều là những cán bộ y tế thôn bản, họ đỡ đẻ bằng gói đẻ sạch chứ không dùng tre nứa cắt rốn như trước đây. Chị Đinh Thị Vu-cán bộ y tế thôn bản ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) cho biết, chị em người đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng cao hiểu biết về chăm sóc SKSS nên phần lớn khi sinh đẻ hoặc ốm đau đều đến cơ sở y tế. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng sinh đẻ tại nhà, gói đẻ sạch y tế cấp phát nhưng quá ít, không đủ nên mụ vườn vẫn còn cắt rốn bằng tre nứa. Việc chăm sóc trẻ em được các bà mẹ quan tâm hơn. Con đau ốm là dùng thuốc tây và đến cơ sở y tế chứ không còn cúng vái thần linh.

Bắt đầu từ năm 2000, mỗi năm ngành DS-KHHGĐ tổ chức 2 đợt chiến dịch truyền thông lớn lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến 100% số xã trong toàn tỉnh. Riêng những xã thuộc vùng miền núi được cung cấp đầy đủ 3 gói dịch vụ chăm sóc SKSS: Gói làm mẹ an toàn, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản và gói KHHGĐ. Các gói dịch vụ thực hiện miễn phí nên ngày càng thu hút đông đảo chị em tham gia, nhờ đó nâng cao hiểu biết về chăm sóc SKSS. Trước đây, tỷ lệ phụ nữ bị viêm nhiễm rất cao, có nơi chiếm 70-80% số phụ nữ đến khám bị viêm nhiễm, nhưng nay chỉ còn 40-50%. Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chiến dịch không còn đầy đủ 3 gói dịch vụ như trước, gói đẻ sạch không còn, nên các địa phương ở miền núi đề nghị cần cung cấp đầy đủ gói đẻ sạch và tăng thêm liều lượng thuốc điều trị chống viêm nhiễm đường sinh sản để chị em có cơ hội chăm sóc sức khỏe sinh sản được tốt hơn.

Một thực tế đáng mừng nữa là tư tưởng đẻ bù của đồng bào đã dần xóa bỏ, họ không còn quan niệm đẻ nhiều con để dự bù cho những đứa không may mắn bị chết đi. Đa số phụ nữ không dám đẻ nhiều vì hiểu được rằng, đẻ nhiều sẽ không có điều kiện chăm sóc con cái được đầy đủ. Nhờ đó tỷ lệ trẻ em ở vùng cao bị suy dinh dưỡng cũng giảm đáng kể.  Đây cũng là một trong những thành công lớn trong triển khai thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở vùng cao.
 

Bài, ảnh: Trang Tuyết
 


.