Nhân ngày Dân số thế giới 11/7:
Tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

09:07, 11/07/2012
.

(QNĐT)- Công tác dân số và sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) là một trong những yếu tố chủ yếu quyết định sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đầu tư nguồn lực, ban hành nhiều chính sách, nhằm đẩy mạnh công tác này.

 

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược DS-SKSS ở nước ta nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chất lượng dân số được nâng lên, SKSS được cải thiện, nhận thức về DS và SKSS của người dân có chuyển biến tích cực, mạng lưới dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ được củng cố và phát triển, vị thế và quyền năng của phụ nữ được nâng cao. 
 
Chúng ta đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tạo lợi thế về nguồn nhân lực, một điều kiện quan trọng để nền kinh tế có bước tăng trưởng, bứt phá.
 
Tại Quảng Ngãi, mức sinh trên địa bàn tỉnh giảm nhanh từ 20,18%o năm 2000 xuống còn 16%o năm 2006 và 15,2%o năm 2011; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên chỉ còn 9,0%o. Xu thế giảm sinh được duy trì và mục tiêu đạt mức sinh thay thế đã được thực hiện. Quảng Ngãi đã đạt mức sinh thay thế như mục tiêu Chiến lược Dân số đề ra. Tỷ lệ tăng dân số đạt mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.
 
Trong nhiều năm qua, tỉnh ta luôn đạt và vượt kế hoạch năm về các biện pháp tránh thai. Đặc biệt, thái độ, hành vi về DS và SKSS của các cặp vợ chồng, nam giới, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, vị thành niên, thanh niên đã có chuyển biến tích cực. 
 

 

aaa
Để giải quyết các vấn đề về DS và SKSS, ngành y tế đang gấp rút triển khai chiến lược DS và SKSS.
 
Công tác truyền thông, giáo dục được đổi mới cả về nội dung, hình thức và cách tiếp cận. Mạng lưới dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ được củng cố và phát triển. Hầu hết các trạm y tế xã được trang bị phương tiện kỹ thuật làm dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ...
 
Hiện Quảng Ngãi đã thành lập và duy trì được 120 câu lạc bộ tại 30 xã thuộc 13 huyện, thành phố như: sinh hoạt câu lạc bộ, góc truyền thông tư vấn, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh của xã. 
 
Mặc dù đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng nhưng công tác DS và CSSKSS ở tỉnh ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung giải quyết. Nổi cộm nhất là tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng. Quảng Ngãi hiện nằm trong danh sách là một trong 10 tỉnh, thành mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất nước. 
 
Bên cạnh đó, nguy cơ bị phá vỡ về mức sinh do thuận lợi về cơ cấu dân số trẻ, độ tuổi vị thành niên chiếm tới 25% tổng dân số. Mức sinh, trình độ dân trí, mức sống giữa các vùng miền, các địa phương bị chênh lệch đáng kể; việc giảm sinh ở vùng biển đang là một thách thức lớn. Khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ CSSK bà mẹ trước, trong và sau sinh còn hạn chế ở khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa; tai biến sản khoa và tử vong mẹ đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn, phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng…
 
Trước thực trạng trên, từ năm 2010, Quảng Ngãi được triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”.
 
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện tại 117/184 xã, phường, thị trấn, đề án đã phát huy tính hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân, tác động tích cực, từng bước khống chế tốc độ gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong toàn tỉnh.
 
Ngành y tế cũng đang gấp rút triển khai chiến lược DS và SKSS từ nay đến 2015. Theo đó, các mục tiêu của Chiến lược này là: Phấn đấu tốc độ tăng dân số ở mức ổn định 0,9% vào năm 2015; nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về các chỉ báo sức khỏe của bà mẹ, trẻ em giữa các vùng, miền; 
 
Phấn đấu đến năm 2015 tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 16‰ vào năm 2015; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 10%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt trên 25%; giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản; tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; giảm tỷ lệ phá thai xuống dưới 27/100 trẻ đẻ sống; 
 
Giảm 15% số trường hợp nhiễm khuẩn đường sinh sản; tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện với người chưa thành niên và thanh niên lên 50% tổng số điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS; giảm tỷ lệ có thai ngoài ý muốn ở người chưa thành niên 20%; tăng tỷ lệ tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS của các nhóm dân số đặc thù lên 20%; tăng tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên có điểm cung cấp dịch vụ CSSK cho người cao tuổi lên 20% và tăng tỷ lệ người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng lên 20% vào năm 2015.
 
Để đạt được những mục tiêu của Chiến lược, không chỉ sự nỗ lực của ngành y tế mà rất cần sự quan tâm đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để công tác DS và SKSS ở tỉnh ta khắc phục được những hạn chế, đạt được những thành tựu, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.  
 
 
Ái Kiều  
 
 
 
 

.