(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm tăng cường hiểu biết về kiến thức sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên (VTN), giảm thiểu tình trạng tảo hôn, sinh con ngoài giá thú cho lứa tuổi VTN ở miền núi, từ năm 2009 đến nay, huyện Trà Bồng đã triển khai "Mô hình kiểm tra và tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân" và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhằm nâng cao chất lượng dân số, tăng cường hiểu biết kiến thức về chăm sóc SKSS cho lứa tuổi VTN/TN, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Trà Bồng đã triển khai xây dựng 10 CLB sức khỏe sinh sản VTN ở 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện đã triển khai thêm 8 CLB ở 2 xã Trà Thủy và Trà Lâm. Mỗi CLB có từ 30 - 40 em tham gia. Các CLB định kỳ sinh hoạt 1 lần/tháng, với các nội dung liên quan đến lĩnh vực chăm sóc SKSS – KHHGĐ; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, hôn nhân và gia đình, kỹ năng sống, lao động và việc làm... Đồng thời cung cấp thông tin các dịch vụ chăm sóc SKSS, biện pháp tránh thai và giải đáp những thắc mắc của các bạn trẻ. Mỗi quý, mỗi xã tổ chức 1 buổi truyền thông trực tiếp lồng ghép cung cấp các tài liệu truyền thông, các phương tiện tránh thai.
![]() |
Tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho giới trẻ ở xã Trà Thuỷ (Trà Bồng). |
Xã Trà Thủy là một trong những điểm sáng trong triển khai mô hình này. Trước đây, xã có số trẻ VTN sinh con ngoài giá thú, tảo hôn khá cao (3-5 trường hợp/năm). Ban dân số xã đã kết hợp với Đoàn thanh niên xã thành lập 4 CLB trên địa bàn. Từ đó, các CLB đã thu hút gần 200 trẻ VTN/TN tham gia. Để đa dạng hình thức sinh hoạt, Ban chủ nhiệm CLB đã lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cùng với trao đổi các kinh nghiệm sống, phổ biến các kiến thức về chăm sóc SKSS; các dấu hiệu mang thai, cách phòng tránh thai; tác hại của phá thai, sinh con ngoài ý muốn; lối sống lành mạnh; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục…Qua đó góp phần nâng cao hiểu biết về kiến thức sinh sản cho học sinh ở địa phương.
Em Hồ Thị Nhi (16 tuổi) thành viên CLB ở thôn 6, cho biết: "Từ khi tham gia sinh hoạt, em được trao đổi kiến thức cùng bạn bè, cũng như được tư vấn kiến thức về chăm sóc SKSS, được khám sức khỏe. Ban đầu em thấy ngại, nhưng giờ thì quen rồi và cảm thấy rất cần thiết cho lứa tuổi chúng em".
Anh Hồ Văn Vinh- Bí thư Đoàn xã, kiêm Ban chủ nhiệm CLB cho biết: “Thành công của mô hình mang lại rất lớn. Việc mang thai ngoài ý muốn của trẻ VTN đã giảm dần. Riêng năm 2012, chỉ có 2 trường hợp nhưng đây là những em đi làm ăn xa, không tham gia mô hình. Thành công hơn nữa là trẻ VTN trên địa bàn từ bản tính sống nhút nhát, khép kín thì giờ đã năng động hơn. Những vấn đề thầm kín về giới tính được các em cởi mở chia sẻ kiến thức hiểu biết cho nhau, cùng hướng đến lối sống lành mạnh trong sáng trong tình yêu, tình bạn”.
Hầu hết các xã, thị trấn ở Trà Bồng đều có những nỗ lực trong việc tạo ra nhiều hoạt động phong phú để thu hút trẻ VTN tham gia. Hằng quý, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện phối hợp với Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã tiến hành kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho nhóm đối tượng tiền hôn nhân và mới xây dựng gia đình; tư vấn cấp thuốc điều trị và chuyển lên tuyến trên một số trường hợp nghi ngờ viêm gan B...).
Ông Đặng Văn Nam - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết: Ngoài kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia, hằng năm, thông qua nguồn kinh phí 30a, huyện đã hỗ trợ từ 200 - 300 triệu đồng để triển khai các hoạt động về DS-KHHGĐ. Chính sự hỗ trợ đó đã tạo điều kiện triển khai và nhân rộng mô hình trên địa bàn khu dân cư, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Bài, ảnh: KIM NGÂN