(Báo Quảng Ngãi)- Lũ đi qua, môi trường bị ô nhiễm, nên có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do đó, ngành y tế Quảng Ngãi đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương xử lý nguồn nước sinh hoạt, nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người dân.
Trận lũ này, toàn tỉnh có hơn 83.500 nhà dân, gần 61.200 giếng nước; 28.755 hố xí bị ngập. 98 trạm y tế, 5 Bệnh viện đa khoa và 3 Trung tâm y tế dự phòng bị nước lũ tràn qua, gây thiệt hại nặng nề. Trong đó, Trạm y tế xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị tốc mái hoàn toàn. Trên địa bàn huyện Sơn Tây đến chiều 17.11, nhiều địa phương còn bị chia cắt do sạt lở núi, gây khó khăn cho người dân trong quá trình đi khám, điều trị bệnh. Khoảng 20m sân sau của Trung tâm y tế huyện bị sạt lở; Trung tâm DS-KHHGĐ bị sập hoàn toàn. Theo thống kê sơ bộ của Sở Y tế, tổng thiệt hại của ngành trong đợt lũ này hơn 2,3 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Thích (đứng thứ nhất bên phải) kiểm tra việc xử lý giếng nước bị ngập lụt tại xã Hành Minh (Nghĩa Hành). |
Sáng 17.11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích cùng đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã đi kiểm tra công tác điều trị và đảm bảo vệ sinh môi trường tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghĩa Hành, Trạm y tế xã Hành Minh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả, tập trung cho công tác vệ sinh môi trường tại các cơ sở y tế để đảm bảo công tác điều trị bệnh. Ngành y tế cần tập trung xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh có thể phát sinh sau lũ.
Sở Y tế Quảng Ngãi đã cấp 64 cơ số thuốc, hơn 30 nghìn viên cloramin B, hơn 130 nghìn viên Aquatabs cho y tế cơ sở để cấp cho người dân khử trùng nguồn nước. Bộ Y tế cũng đã chi viện cho Quảng Ngãi nguồn hóa chất xử lý môi trường sau lũ, gồm 1.700kg cloramin B, 500 nghìn viên Aquatabs. |
Bác sĩ Phạm Văn Túc- Giám đốc Bệnh viện Nghĩa Hành, cho biết: Trong những ngày nước lũ tràn vào, y, bác sĩ cùng gia đình người bệnh tập trung chuyển bệnh nhân lên các khu cao ráo để điều trị. Sau lũ, đội ngũ y bác sĩ, vừa lo công tác chuyên môn vừa tập trung khắc phục hậu quả. "Chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền địa phương huy động thêm lực lượng bộ đội, công an để trợ giúp. Trước mắt, bệnh viện tập trung khắc phục sự cố tại bể chứa nước sạch nhằm đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt tại bệnh viện", bác sĩ Túc cho biết. Hiện Trung tâm y tế dự phòng huyện đã cấp 20 cơ số thuốc và hoá chất khử khuẩn, đồng thời cử cán bộ y tế xã trực tiếp đứng cánh địa bàn để xử lý nguồn nước giếng và hướng dẫn người dân vùng lũ xử lý vệ sinh môi trường, xử lý xác súc vật chết, nhằm hạn chế dịch bệnh.
Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Chúng tôi chỉ đạo các đơn vị y tế tập trung khắc phục hậu quả và triển khai công tác khám chữa bệnh kịp thời cho người dân. Với phương châm: Nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Những trang thiết bị hư hỏng phải nhanh chóng sửa chữa". Đến thời điểm này, ngành y tế đã cấp thuốc, hướng dẫn nhân dân xử lý khử trùng hàng ngàn giếng nước và hố xí nhằm ổn định cuộc sống sinh hoạt và phòng, chống dịch bệnh sau lũ.
Bài, ảnh: KIM NGÂN