Tiến sĩ vật lý tình nguyện giúp dập dịch tay chân miệng

01:11, 12/11/2011
.

Sáng 11/11, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải (ông già Ozon) đã đến Ninh Thuận, tỉnh đầu tiên trên cả nước công bố dịch tay chân miệng để giúp tỉnh dập dịch. Bí quyết của ông là dung dịch anolyte, nước chanh tươi, vitamin B1...

Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải. Ảnh: Việt Linh.
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải. Ảnh: Việt Linh.
Bắt đầu từ chiều qua, tiến sĩ Khải bắt đầu dập dịch lở loét do bội nhiễm trên da tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Ninh Thuận.

Biện pháp của ông hết sức đơn giản là dùng dung dịch anolyte - được tạo ra từ quá trình điện phân muối - để vệ sinh nơi ở, quần áo, tắm rửa cho trẻ, thậm chí cho trẻ súc miệng hoặc uống.

Anolyte (còn gọi dân dã là nước ozôn), trong đó ngoài các ion Na+, Cl- còn có nhiều nguyên tử oxy, ozôn, clo... là thành phần có tính sát khuẩn rất mạnh, có thể tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn, kể cả những loại có sức đề kháng cao như nha bào, vi trùng bệnh lao, E. Coli, các liên cầu khuẩn, nấm mốc, xạ khuẩn…

Ngoài ra, trong quá trình chữa bệnh, cha mẹ cần bổ sung thêm cho trẻ nước chanh, vitamin B1, cháo đậu xanh, chè đỗ đen, đặc biệt ăn thật nhiều trái cây.

Tuy nhiên, tiến sĩ Khải cũng cho rằng: "Không có bệnh tay chân miệng vì trẻ nổi mụn đỏ ở cả bụng, lưng, mông, háng chứ không riêng gì ở tay, chân, miệng. Theo tôi đây là bệnh lở loét ngoài da do bội nhiễm, dẫn đến hệ hô hấp và hệ tiêu hóa bị hoại tử gây tử vong cho một số trẻ".

Ông cũng cho biết mình vào Ninh Thuận lần này không phải để chữa bệnh mà để giúp cho người dân nơi đây diệt virus, vi khuẩn, nấm mốc trong môi trường.

Hiệu quả phương pháp của tiến sĩ Khải đến đâu còn chờ vào kết quả thực tế, trong khi quan điểm của ông vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia y tế.

Trong khi đó, tình hình dịch tay chân miệng tại Ninh Thuận đang diễn tiến hết sức phức tạp. Các bệnh viện không còn đủ chỗ, có lúc 5 trẻ nằm một giường. Tỉnh đã ghi nhận gần 600 ca mắc và 4 trường hợp tử vong. Trước thực tế đó, lãnh đạo tỉnh đã quyết định công bố dịch.

Bộ Y tế cho biết sẽ công bố dịch trên cả nước khi có thêm một địa phương nữa công bố dịch, theo đúng quy định. Các chuyên gia đánh giá, hiện tỷ lệ mắc tay chân miệng ở nước ta chưa đến 1 ca trên 1.000 dân, trong khi đó ở Singapore con số này là 5 và Nhật Bản là 3.
 
Theo VnExpress

.