Nuôi dưỡng ước mơ

05:10, 01/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dẫu con đường đến trường gập ghềnh, trắc trở vẫn không ngăn được bước chân của những học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn. Các em vẫn cháy bỏng niềm khát khao học tập, hướng đến tương lai tươi đẹp.
 
 
Mong trở thành chiến sĩ công an nhân dân
 
Vừa trở về sau chuyến đi thủ đô Hà Nội dự Liên hoan Thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV năm 2022, em Phạm Văn Trú, HS lớp 10A1, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, lo chuẩn bị sách vở, ôn bài cho buổi học thứ hai đầu tuần. “Em rất vinh dự, hạnh phúc khi là một trong 4 HS được tham dự Liên hoan Thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV. Chuyến đi này em và các bạn được  viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm Đền Hùng...  Đây là động lực để em tiếp tục nỗ lực học tập tốt hơn”, Trú bày tỏ.
 
Em Phạm Văn Trú và Lương Phạm Y Va (thứ ba từ trái sang) có nhiều kỷ niệm trong chuyến đi dự   Liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV năm 2022.              Ảnh: Dương Nữ
Em Phạm Văn Trú và Lương Phạm Y Va (thứ ba từ trái sang) có nhiều kỷ niệm trong chuyến đi dự Liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV năm 2022. Ảnh: Dương Nữ
Hành trình đến trường của em Phạm Văn Trú gặp nhiều khó khăn, nhưng em luôn tự động viên mình nỗ lực vươn lên, quyết không chùn bước. Trú kể, em không sao quên được vào thời điểm khi kết thúc năm học lớp 8. Để có tiền lo cho việc học, em đã theo ba lên núi phát keo thuê. Rẫy keo ở xã Ba Lế (Ba Tơ). Đường rừng rất khó đi, có nhiều đoạn, hai cha con phải dắt xe qua những đoạn đường lầy, dốc cao.  Em ở lại làm thuê ở rẫy keo hơn 1 tháng hè mới về nhà ở thôn Làng Măng, xã Ba Dinh (Ba Tơ). "Công việc phát keo, khuân vác cây rất nặng nhọc, nhưng em nghĩ mình đỡ đần được cho ba mẹ phần nào thì hay phần đó. Số tiền kiếm được dịp hè năm đó đã giúp em có quần áo, sách vở đến trường. Còn tiền của ba sẽ tiết kiệm để trang trải cuộc sống của cả gia đình", Trú bộc bạch.
 
Để đạt mục tiêu thi đỗ vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và thực hiện ước mơ trở thành chiến sĩ công an nhân dân, Trú siêng năng, chong đèn học bài từ khuya đến sáng sớm. Trú chia sẻ, nhờ thầy, cô giáo nhiệt tình giảng dạy, em đã ôn tập kỹ kiến thức và tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022 - 2023. Em thi đạt 7 điểm môn Ngữ văn và 7 điểm môn Toán, đứng thứ 3 của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. 
 
Cô học trò xuất sắc người Ca Dong 
 
Học cùng lớp, cùng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh với Phạm Văn Trú, em Lương Phạm Y Va cũng vinh dự được cử tham dự Liên hoan thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV. “Vào lăng viếng Bác em rất xúc động. Bác đã cống hiến cả cuộc đời cho dân tộc. Em tự hứa sẽ ra sức học tập để mai này góp sức xây dựng quê hương, đất nước",  Y Va chia sẻ. 
 
Y Va sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Dung (Sơn Tây). Y Va kể, cuộc sống của trẻ em miền núi rất khó khăn. Để đến trường phải vượt qua nhiều đoạn đường đồi dốc, sông suối nên khi tiếp cận với con chữ em càng trân quý. Y Va không những chăm học mà còn tích cực tham gia các hoạt động đội và trở thành Liên đội trưởng trong những năm học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây. 
 
Cô học trò người Ca Dong này rất yêu thích môn Lịch sử. Từ nhỏ em được nghe bà nội kể những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta từ đó em dần thích môn lịch sử. Năm học lớp 9, Y Va là HS duy nhất của huyện Sơn Tây đạt danh hiệu HS giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Đặc biệt, trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023, Y Va đăng ký dự thi vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và thi đỗ với điểm số 29,5 điểm, thuộc top 5 thí sinh có điểm cao nhất của trường. “Em sẽ học chăm hơn để không phụ lòng mong đợi của gia đình, thầy cô. Em ước mong sẽ trở thành chiến sĩ công an nhân dân", Y Va bày tỏ.
 
 
 
Phó Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Nguyễn Thị Hằng cho biết, Đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi tham dự Liên hoan Thiếu nhi tiêu biểu các dân tộc toàn quốc lần thứ IV năm 2022 ở Hà Nội có 4 HS. Các em đều là những HS có thành tích tốt trong học tập và năng nổ trong các phong trào đội. Chuyến đi này là niềm vinh dự, động viên các em tiếp tục phấn đấu thi đua trong học tập, rèn luyện. "Không phải thiếu nhi nào cũng được học tập trong môi trường tốt nhất. Với những HS luôn nỗ lực, cố gắng chăm chỉ học tập trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn là xứng  đáng được tuyên dương. Chúng tôi mong rằng, các tổ chức, cá nhân sẽ đồng hành, quan tâm, chia sẻ cùng các em HS vượt khó học giỏi, tiếp thêm nghị lực để các em vững tin vào tương lai tươi sáng", chị Hằng chia sẻ. 
 
Nghị lực của Như Ý
 
“Em mong ước trở thành bác sĩ”. Đó là chia sẻ của em Võ Huỳnh Như Ý, HS lớp 8C, Trường THCS Hành Thuận (Nghĩa Hành) bộc bạch, khi được hỏi về ước mơ của em. Ngồi bên cạnh Như Ý là em gái út Võ Huỳnh Kim Anh, đang luyện viết chữ trên cái bàn nhựa. Kim Anh nghe chị gái nói về ước mơ cũng tò mò hỏi “Chị ơi, vậy em cũng làm bác sĩ được không?”. Như Ý nhìn em cười hiền và nói: “Vậy phải nghe lời, học chăm mới trở thành bác sĩ được”. Ngồi trong mái nhà cấp bốn đã xuống cấp, Như Ý hướng dẫn cho hai em gái đang học tiểu học (một em lớp 4, một em lớp 2) rèn từng nét chữ, cộng từng phép toán. 
 
 Em Võ Huỳnh Như Ý chỉ cho em gái học bài, viết chữ. Ảnh: Dương Nữ
Em Võ Huỳnh Như Ý chỉ cho em gái học bài, viết chữ. Ảnh: Dương Nữ
Chị Huỳnh Thị Nhàn (42 tuổi), mẹ của Như Ý ngân ngấn nước mắt khi nói về sự ngoan ngoãn, chăm chỉ của các con. Chị Nhàn mắc nhiều căn  bệnh về thận, tim, đục thủy tinh thể, khiến sức khỏe chị suy kiệt, không thể lao động. Mọi việc trong nhà đều nhờ vào Như Ý. Đi học về, Như Ý chăm em, nấu cơm, giặt giũ quần áo... “Thấy tôi đau ốm nên Như Ý luôn hỏi han, sợ mẹ đau, khó thở. Lúc nào Như Ý cũng lo cho ba mẹ, cho các em. Từ khi học lớp 2, cháu đã biết lo mọi việc. Có lẽ hoàn cảnh khó khăn đã hình thành tính tự lập cho cháu”, chị Nhàn tâm sự.
 
Cuộc sống sẽ đỡ khó khăn nếu ba Như Ý vẫn còn khỏe mạnh. Nhưng không may, vào năm 2019, anh Võ Minh Luân (44 tuổi, ba của Như Ý) phát hiện mắc bệnh ung thư gan. Ngày còn khỏe ba làm đủ nghề từ thợ hồ, hái cau, buổi tối đi thả lưới bắt cá, ốc đồng bán kiếm tiền lo cho ba chị em và chữa bệnh cho mẹ. Ba mắc bệnh, vậy mà vẫn gắng gượng lúc không đau đi thả lưới bắt cá đồng, tụi em phụ ba làm mồi nhử cá, gỡ lưới. Giơ tấm lưới nhỏ trên tay, Như Ý bảo đây là nguồn sống hiện giờ của gia đình.
 
Dẫu cuộc sống khó khăn, vất vả, song Như Ý vẫn luôn đặt niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Với suy nghĩ đó, Như Ý luôn cố gắng học hành chăm chỉ, đạt thành tích khá, giỏi trong các năm học. "Em sẽ cố gắng vươn lên trong học tập để ba mẹ yên lòng và không phụ công ơn của thầy cô và để mai này cuộc sống đỡ vất vả. Dù khó khăn đến mấy em cũng không chùn bước", Như Ý trải lòng. 

DƯƠNG NỮ

 


.