(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, công tác xã hội hóa thể dục thể thao ngày càng phát triển. Cùng với nhiều sân chơi thể thao, sân cỏ nhân tạo được các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng không chỉ ở thành thị mà còn xuất hiện ở các vùng nông thôn, tạo điều kiện cho phong trào luyện tập môn thể thao "vua" phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhiều người yêu thích môn thể thao này.
Trong không khí sôi động và náo nhiệt cùng các thành viên trong lớp chuẩn bị cho trận bóng đá mini nam, nữ do trường tổ chức, em Nguyễn Hữu Lực, xã Bình Hiệp (Bình Sơn), chia sẻ: “Em rất thích bóng đá, nhưng trước đây vì không có sân chơi ổn định, nên có mùa chơi được, có mùa không.
Từ ngày đi học ở Trường THPT Bình Sơn, có sân cỏ nhân tạo tại thị trấn Châu Ổ, em cùng các bạn trong lớp thường đến thuê sân bóng để thỏa niềm đam mê. Hiện trường em đang tổ chức thi đấu bóng đá giữa các lớp trong trường, nên chúng em sắp xếp lịch tập ở sân thường xuyên, giúp các bạn nữ làm quen với trái bóng”.
Các sân cỏ nhân tạo được đầu tư xây dựng ngày càng nhiều ở các vùng nông thôn, đã góp phần thúc đẩy niềm đam mê bóng đá của thanh niên, học sinh. |
Trước đây, khi chưa có sân cỏ nhân tạo, thanh thiếu niên nông thôn thường xuyên đá ở các sân đất, sân xi măng của thôn, xã, nên dễ xảy ra chấn thương. Còn đối với sân cỏ nhân tạo, nhờ chất lượng mặt sân tốt giúp các đội bóng thể hiện hết được khả năng chơi bóng của mình, hạn chế tối đa những chấn thương có thể xảy ra. Hơn nữa, có thể thi đấu cả buổi tối, nhờ được trang bị dàn đèn đảm bảo đủ ánh sáng.
Chị Lương Thị Yến Phượng, chủ sân bóng đá Hồng Phúc, thị trấn Châu Ổ, cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu của thanh thiếu niên, học sinh đối với môn bóng đá, cách đây 4 năm, gia đình tôi đã quyết định bỏ ra 1,2 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hai sân bóng đá nhân tạo”.
Từ ngày khai trương, mỗi ngày sân bóng đá của chị Phượng đều có rất đông người đến đá bóng. Bình quân mỗi ngày có từ 4-6 đội đến đây luyện tập và thi đấu. Lúc cao điểm, nhu cầu luyện tập cho các giải đấu, sân luôn kín lịch phục vụ. Chi phí mỗi trận đấu (60 phút) ở khung giờ buổi tối là 100.000 đồng, các giờ khác 80.000 đồng.
Không chỉ ở các xã đồng bằng mà thời gian qua, các xã ở miền núi, các tổ chức, cá nhân tại địa phương đã đầu tư nhiều sân cỏ nhân tạo để phục vụ cho niềm đam mê môn thể thao “vua” vùng nông thôn.
Gần hai năm qua, sân cỏ nhân tạo của anh Đỗ Thế Vinh, ở xã Trà Bình (Trà Bồng) đã trở thành điểm đến quen thuộc của đủ mọi lứa tuổi yêu thích môn bóng đá, giúp các em học sinh ở địa phương có sân chơi bổ ích. “Từ ngày có sân bóng mi ni gần trường, em và các bạn, các anh thường xuyên đến đá bóng vào các buổi chiều. Nhờ luyện tập thường xuyên mà nay em đã đá bóng giỏi nhất trường rồi”, em Gia Khanh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trà Bình nói.
Cái hay của sân cỏ nhân tạo là được chủ sân cho mượn bóng, cũng như phục vụ các loại nước giải khát, bố trí trọng tài thi đấu khi có nhu cầu. Ngoài ra, khi đến sân thi đấu, tập luyện, các đội bóng có dịp giao lưu, cọ xát. Đồng thời, giúp thanh niên, học sinh tăng cường sức khỏe, hạn chế sa đà vào các thú vui không lành mạnh.
Bài, ảnh: HỒNG HOA