Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 và việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hiện nay

02:02, 24/02/2023
.
Cách đây 80 năm, trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Ðề cương về Văn hóa Việt Nam đã ra đời, được xem như bản Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Ðảng ta. Ðề cương đã trình bày một cách ngắn gọn, súc tích các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam, thể hiện một tầm nhìn xa rộng, tư duy lý luận sắc bén và khả năng đúc kết thực tiễn sâu sát của một đảng non trẻ sau 12 năm lãnh đạo cách mạng.
 

 

Vở "Bác Hồ và mùa xuân ấy" của Nhà hát Kịch Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Vở "Bác Hồ và mùa xuân ấy" của Nhà hát Kịch Việt Nam hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chính vì thế, bản Ðề cương vừa có tính thời sự, vừa có ý nghĩa lâu dài, góp phần định hướng và dẫn đạo văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng về sau. Ðến nay, một số luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của Ðề cương vẫn giữ nguyên giá trị, có thể kế thừa, phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
 
Trên phương diện lý luận, Ðề cương đã đặt nền móng cho nhiều vấn đề căn cốt của văn hóa Việt Nam như: Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật; sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử..., từ đó góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, học thuật cho những người làm văn hóa, văn nghệ.
 
Trên phương diện thực tiễn, Ðề cương không những chỉ ra rất xác đáng ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam (dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa), mà còn xác định những nhiệm vụ cần kíp, các cách thức, giải pháp để đạt được các mục tiêu đó. Với những nội dung thiết thực và đầy tính chiến đấu như vậy, Ðề cương đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật hăng hái tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.
 
Vì thế, bản Ðề cương đã trở thành "kim chỉ nam" đưa đường dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng.
 
Ðến nay, nguyên tắc dân tộc hóa với hàm nghĩa "chống mọi ảnh hưởng nô dịch, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập" vẫn giữ nguyên giá trị. Nguyên tắc này chính là khát khao ngàn đời của dân tộc Việt Nam trong nỗ lực chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc, sự "khai hóa văn minh"của thực dân Pháp, "chính sách Ðại Ðông Á" của phát-xít Nhật, mưu toan "bá quyền văn hóa" của các nước lớn hiện nay.
 
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, việc bảo vệ độc lập về văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bản sắc dân tộc sẽ tạo nên cốt cách, tinh hoa, "quốc hồn, quốc túy" cho văn hóa Việt Nam, bảo đảm sự trường tồn của dân tộc.
 
Bản sắc dân tộc cũng góp phần tạo nên bản lĩnh, nội lực, sức đề kháng để giúp văn hóa Việt Nam đứng vững trong cơn lốc toàn cầu hóa, "hòa nhập mà không hòa tan". Bản sắc dân tộc tạo nên đối trọng chống lại sự "xâm lăng văn hóa" trong hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Nhờ đường lối đề cao tính chất dân tộc, trong những năm qua, văn hóa Việt Nam đã ngày càng khẳng định dân tộc tính của mình. Ðã có biết bao tác phẩm văn học, nghệ thuật, nghiên cứu, phê bình, báo chí, xuất bản giàu bản sắc ra đời. Văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam nhờ đó ngày càng thể hiện đậm nét và có sức lan tỏa trên trường quốc tế.
 
Nguyên tắc đại chúng hóa với ý nghĩa "chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng" đến nay cũng vẫn giữ nguyên tính thời sự. Một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn, phát triển phải là nền văn hóa của quảng đại quần chúng, xóa bỏ mọi bất công trong phổ cập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Văn học, nghệ thuật không còn là đặc quyền đặc lợi của một thiểu số, mà phải trở thành tài sản chung của mọi tầng lớp nhân dân.
 
Nguyên tắc này đã được Ðảng ta phát triển thành tính nhân dân và sau này là tính chất dân chủ của nền văn hóa. Như vậy, văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, nhân dân đóng vai trò chủ thể chính trong sự vận động và phát triển của văn hóa. Nói một cách ngắn gọn, nền văn hóa của chúng ta là của dân, do dân và vì dân. Vì thế, từ một đất nước có hơn 90% dân số mù chữ, chữ viết kém phát triển, chúng ta đã xây dựng được một nền văn hóa mới, tiến bộ với những thành tựu chưa từng có trong lịch sử. Bên cạnh văn hóa đại chúng, chúng ta cũng chú trọng phát triển văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học, văn hóa đỉnh cao, nơi đúc kết tinh hoa của đại chúng, đại biểu cho trí tuệ của đại chúng và dẫn dắt đại chúng phát triển.
 
Nguyên tắc khoa học hóa với ý nghĩa "chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ" đến nay cũng vẫn giữ nguyên giá trị. Tính chất khoa học của nền văn hóa đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đấu tranh chống lại những biểu hiện lạc hậu, cổ hủ, phản khoa học, cản trở sự phát triển. Yêu cầu khoa học còn đòi hỏi phải đặt mọi vấn đề của văn hóa trên cơ sở khoa học, đề cao tư tưởng, học thuật, phát triển các ngành khoa học.
 
Nội hàm khoa học cũng luôn được Ðảng ta mở rộng, khơi sâu và phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã xác định: "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", trong đó tiên tiến chỉ sự phát triển dựa trên thế giới quan khoa học và hệ tư tưởng tiên tiến. Tiên tiến còn hàm nghĩa những giá trị văn minh, hiện đại, tiến bộ...
 
Trong bối cảnh hiện nay, tính chất khoa học của nền văn hóa vẫn rất cần được vun đắp, coi trọng, nhằm tiếp tục sàng lọc, loại bỏ những biểu hiện lỗi thời, trì trệ, phản tiến bộ. Bên cạnh đó, mặc dù ngày nay khoa học kỹ thuật đã rất phát triển, trình độ dân trí được nâng cao, nhưng nhiều biểu hiện mê tín dị đoan, hủ tục đang có cơ trỗi dậy, xuất hiện những điều mê tín dị đoan mới, các tà giáo, "đạo lạ", học thuyết phản động... Vì vậy, chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh, chỉnh đốn, phản bác. Ðặc biệt, trong thời đại của khoa học-công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta càng phải tích cực tiếp thu các tư tưởng, thành tựu mới của văn minh nhân loại để nâng tầm nhận thức, tư duy khoa học.
 
Bên cạnh việc kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi của Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, trong điều kiện hiện nay, Ðảng ta cũng luôn có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển, như về tính nhân văn của nền văn hóa. Nhân văn thể hiện nền văn hóa đề cao lòng nhân ái, khoan dung, nghĩa tình, yêu thương con người, coi trọng nhân phẩm. Nhân văn là biểu hiện của bản chất con người, hướng đến các giá trị chân-thiện-mỹ. Tính nhân văn của văn hóa là cơ sở để giáo dục, bồi dưỡng nhân tính cho cá nhân và cộng đồng, hướng tới xây dựng một xã hội hòa bình, ổn định, mang đậm tính người.
 
Thông qua những vấn đề căn cốt của công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, bản Ðề cương cũng đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển con người. Con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo ra văn hóa, đồng thời là sản phẩm của văn hóa, được "nhào nặn" bởi văn hóa. Môi trường văn hóa như thế nào sẽ tạo ra những con người tương ứng.
 
Do vậy, tính dân tộc của văn hóa trở thành nền tảng để gây dựng những phẩm chất cá nhân như: lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí độc lập, tự cường, ý thức cộng đồng, tình thương yêu đồng bào, ý thức công dân, tinh thần đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
 
Từ tinh thần dân chủ trong văn hóa sẽ hình thành ý thức làm chủ, thái độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt thoát mọi lối mòn, nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển của tập thể...
 
Tinh thần khoa học giúp con người không ngừng nỗ lực phấn đấu, học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị kiến thức, kỹ năng, phát triển bản thân theo hướng tiến bộ, đạt những đỉnh cao mới trong khoa học, kỹ thuật...
 
Tính chất nhân văn của nền văn hóa sẽ giúp củng cố trong mỗi con người lòng nhân ái, bao dung, nghĩa tình, tình yêu thương con người, đề cao nhân phẩm, bảo vệ con người, tiến tới một xã hội tràn đầy tình yêu thương và sự đồng cảm, củng cố đạo đức xã hội.
 
Trải qua 80 năm triển khai và vận dụng sáng tạo Ðề cương về Văn hóa Việt Nam, chúng ta thấy sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Thể chế và thiết chế văn hóa ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Ðời sống văn hóa của nhân dân được quan tâm và ngày càng cải thiện. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa từng bước được mở rộng. Ðội ngũ quản lý, sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo về văn hóa nghệ thuật ngày càng lớn mạnh. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người đạt nhiều kết quả khả quan.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa, sự mất cân bằng giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, các thành tựu trong sáng tạo văn học, nghệ thuật chưa được như kỳ vọng, hội nhập quốc tế về văn hóa chưa đạt hiệu quả như mong muốn...
 
Trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp như hiện nay, chúng ta càng cần vận dụng sáng tạo và hiệu quả hơn các giá trị cốt lõi của Ðề cương, góp phần thiết thực triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
 
Theo GS, TS TỪ THỊ LOAN/Nhandan.vn
 
 

.