Tối 21/11, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) tổ chức kỷ niệm 200 năm phủ Vĩnh Tường (1822-2022). Đây là hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện văn hóa kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường, là dịp để nhìn lại quá trình phát triển của vùng đất này.
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 200 năm phủ Vĩnh Tường. |
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định: Vĩnh Tường là vùng đất giàu truyền thống, văn hiến, hiếu học, khoa bảng. Sự kiện kỷ niệm 200 năm danh xưng Vĩnh Tường là dịp để người dân Vĩnh Tường ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của địa phương, qua đó khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời quảng bá, giới thiệu về tiềm năng của địa phương nhằm thu hút đầu tư và khách du lịch đến với địa phương.
Chương trình văn hóa đặc sắc tại lễ kỷ niệm đã tái hiện dòng chảy lịch sử, đặc trưng văn hóa và những thành tựu nổi bật của huyện Vĩnh Tường. Các chương trình nghệ thuật sân khấu được dàn dựng công phu, mang tính nghệ thuật cao.
Theo thư tịch cổ, Vĩnh Tường là vùng đất thuộc dải đồng bằng bồi tụ của sông Hồng, nằm ở phía tây nam tỉnh Vĩnh Phúc. Từ xa xưa, Vĩnh Tường là địa bàn cư trú của người Việt cổ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng 4.000 năm.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, vùng đất Vĩnh Tường có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), vua Minh Mạng đã đổi tên phủ Tam Đa thành phủ Vĩnh Tường. Danh xưng Vĩnh Tường chính thức có từ đó, với ý nghĩa về một vùng đất vững chãi dài lâu, thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của nhân dân vùng đất này.
Để chào đón sự kiện này, nhiều tháng nay huyện Vĩnh Tường tổ chức các hoạt động văn hóa như Hội thảo khoa học “200 năm Danh xưng Vĩnh Tường (1822-2022)” với 35 đề tài tham luận của các nhà khoa học; Biên tập, chỉnh lý, xuất bản các tác phẩm “Di sản Hán Nôm trên địa bàn huyện Vĩnh Tường”, “Danh nhân Vĩnh Tường” và sách ảnh “Du lịch Vĩnh Tường - Nét duyên vùng đất Phủ”.
Cuộc thi viết tìm hiểu “Phủ Vĩnh Tường - 200 năm hình thành và phát triển” đã nhận được 9.622 bài dự thi. Hội thi xe tuyên truyền chủ đề “200 năm Vĩnh Tường - Văn hiến, tự hào và khát vọng” có sự tham gia của 35 xe tuyên truyền lưu động của 28 xã, thị trấn và 4 trường trung học phổ thông trên địa bàn. Triển lãm mỹ thuật “Cảm xúc Vĩnh Tường” trưng bày 200 tác phẩm hội họa.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức từ huyện đến cơ sở. Huyện cũng khởi công 2 công trình trọng điểm là Thư viện huyện, Nhà truyền thống huyện và Quán thơ Hồ Xuân Hương trong dịp này.
Theo
HÀ HỒNG HÀ/Nhandan.vn