Thêm yêu bản sắc văn hóa truyền thống

08:11, 16/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây đã thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân gian (Câu lạc bộ), giúp học sinh đồng bào dân tộc Ca Dong giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc mình và tôn trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em.
 
[links()]
 
Câu lạc bộ văn hóa dân gian Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây sinh hoạt tại sân trường.                      Ảnh: T.P
Câu lạc bộ văn hóa dân gian Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây sinh hoạt tại sân trường. Ảnh: T.P
Những ngày đầu tháng 11/2022, chúng tôi về thăm Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây, tìm hiểu về hoạt động của Câu lạc bộ. Ngồi tại phòng truyền thống, với rất nhiều nhạc cụ, trang phục, công cụ sản xuất, sinh hoạt của người Ca Dong, tôi cảm nhận như đang sống trong không gian thực sự của bản làng Ca Dong nào đó. Vừa trò chuyện, vừa nghe tiếng chiêng H’Lênh, tiếng đàn Voắc Râu, điệu dân ca Ra Nghé, Ka lêu, Ca choi do học sinh nhà trường trình diễn, chúng tôi đã hiểu hơn về con đường đưa giá trị văn hóa Ca Dong lan tỏa đến cộng đồng tại ngôi trường này.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, đặc biệt là về tộc người Ca Dong đánh giá rất cao về hoạt động của Câu lạc bộ. Còn nhà nghiên cứu Linh Nga Niek Đam (Tây Nguyên) đã đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây và rất ngỡ ngàng trước "bảo tàng" thu nhỏ trong ngôi trường này.

Thầy giáo Lê Hoài Thạnh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây bảo rằng, các em học sinh của Câu lạc bộ đang luyện tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Nhà trường muốn các em được sống và học tập theo lẽ tự nhiên như chính sống trong bảng làng của các em vậy. Sau giờ học, các em lại cùng đánh chiêng, cùng hát lên để nhớ về nguồn cội giữa đại ngàn Sơn Tây.

 
Câu lạc bộ được thành lập vào tháng 9/2021. Nhiều lễ hội đặc sắc được Câu lạc bộ phục dựng như Lễ hội Cá Poa nêu (ăn lúa mới), Tết của người Ca Dong. Câu lạc bộ không chỉ trình diễn các tiết mục văn nghệ, mà còn gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào Ca Dong.
 
Trở lại với không gian của phòng truyền thống nhà trường, đây thực sự là  một “bảo tàng” thu nhỏ về văn hóa dân gian của tộc người Ca Dong thuở xưa. Các vật dụng lao động phản ánh chiều sâu thời gian của một thời kỳ hái lượm, gieo trồng theo kiểu “chọc lỗ bỏ hạt”. Các dụng cụ rổ rá, ché rượu cần và các loại quai giỏ được trưng bày khéo léo, rồi nồi đồng các loại lớn nhỏ cũng khá nhiều. Nhìn bộ sưu tập ấy, bất kể ai đó khi đặt chân đến đây cũng có thể hiểu được một phần tổ tiên người Ca Dong. Họ đi lên từ gian khó, vượt qua bóng đêm với các vị thần cứu mệnh để làm cho thôn làng ngày càng êm ấm và phát triển. Bộ trang sức phụ nữ Ca Dong đủ màu sắc, kết đính tinh xảo mê đắm lòng người. Những hoa văn, họa tiết các bộ trang sức này cho ta nhiều suy nghĩ về cái đẹp của người phụ nữ Ca Dong. Đối với ngôi trường hoàn toàn là người dân tộc thiểu số thì "bảo tàng" này là hoạt động giáo dục trải nghiệm rất bổ ích, trọn vẹn ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi học sinh.
 
Bộ sưu tập văn hóa vật thể của Câu lạc bộ hiện có gần 100 mẫu vật. Toàn bộ là do các em học sinh sưu tầm, đóng góp. Mỗi mẫu vật đều chứa đựng trong đó hồn thiêng sông núi và hồn cốt của đồng bào Ca Dong.
 
 TẤN PHÁT 
 

.