Khúc hát ngân lên trong hành trình gieo chữ

01:11, 14/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hành trình hơn 38 năm gắn bó với nghề dạy học, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây Lê Hoài Thạnh đã trải qua bao buồn vui của nghề dạy học nơi vùng cao Quảng Ngãi.
 
Những trải nghiệm trong cuộc đời làm thầy giáo đã được nhà giáo Lê Hoài Thạnh chắt chiu, tạo ra những vần thơ chân thực, tràn đầy tình người, tình thầy trò cao quý với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi thì dữ dội, lúc lại dịu êm; reo vui đó để rồi xót xa cũng từ đó. Những vần thơ ấy được các nhạc sĩ thấu cảm đưa vào âm nhạc, tạo nên những ca khúc làm lay động trái tim nhiều người...
 
Thầy giáo Lê Hoài Thạnh (bìa phải) tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1- năm 2022.   Ảnh: PV
Thầy giáo Lê Hoài Thạnh (bìa phải) tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1- năm 2022. Ảnh: PV
Trong cái se lạnh đầu đông, dưới chân ngọn đồi lác đác bông lau và hoa dã quỳ bung nở ở vùng cao Sơn Tây, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhà giáo Lê Hoài Thạnh, nơi mái trường anh công tác. Nhắc lại chuyện băng rừng, vượt suối để "khai sáng" giáo dục Sơn Tây 38 năm về trước, thầy Thạnh bồi hồi nhớ lại, tại góc rừng vùng cao này, trong đêm tối mịt mùng, bên mái tranh và vách đất trống trơn, căn nhà tập thể ào ạt gió lạnh ùa vào. Đó là những đêm của ngày đầu hành trình, không tài nào ngủ được. Cũng từ những đêm đó, nỗi thương cảm dành cho người dân vùng cao bùng lên dữ dội, thôi thúc một hành trình "gieo chữ" đến cuối đời mình mà không chọn lối về xuôi.
 
Thầy Thạnh bảo, hình ảnh các em bé trên lưng mẹ lên rẫy ấy cứ bám chặt vào tâm can, để rồi phải viết thành thơ để giải tỏa lòng mình. Bài thơ “Đồng vọng lời thầy” ra đời và được phổ nhạc, thành một bài hát nhẹ nhàng, đầy tình yêu thương: “Khi các em bay cao, bay xa/ Đàn chim tung cánh giữa bầu trời rộng mở.../ Bóng dáng thầy khuất nẻo mù sương/ Giai điệu buồn trong ánh tà dương...”.
 
Thơ bước ra từ nghề giáo, thẳm sâu rung động của cảm xúc. Thơ của thầy Thạnh đơn thuần chỉ là động lực làm nghề, là cứu cánh của tâm hồn trước những thử thách gian nan của chính bản thân và đồng đội. Cách đây hơn 10 năm, nhạc sĩ Sỹ Hùng đã đưa bài thơ "Hành trình" của thầy Thạnh thành trường ca gồm 5 chương, ra mắt vào đúng ngày 20/11/2012. Ca khúc sau đó được dàn dựng để chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây và đạt giải A “Hội thi toàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi” năm 2015. Trường ca ấy, với những câu hát ngân lên khiến người nghe không thôi ray rứt: “Thuở ấy, Sơn Tây bao người già cứ tính tuổi mình theo mùa nương rẫy/ Bao đôi mắt trẻ thơ như dấu chấm hỏi trước cuộc đời/ Người mẹ Ca Dong như chiếc vỏ sồi, lăn lóc giữa hòn đá sỏi...”.
 
Cao trào đẩy lên đến tột cùng khi nói về sự hy sinh thầm lặng của những giáo viên cắm bản thời những năm 1998 - 1999, họ mới chỉ đôi mươi. “Nhớ không em những mùa nước lũ sống chung với thủy thần quái ác/ Đồng đội của ta bị cuốn đi bao ngày mới tìm thấy xác?/ Ta như nghe tiếng thét giữa sông Rin - Thầy giáo Thành ra đi mãi mãi!/ Chấp chới vòng tay - Mẹ con cô giáo Thúy không còn ở lại trên đời...”.
 
  Ca khúc đến nay tròn 10 năm và mới đây đã được in trong “Khúc tình Quảng Ngãi” do Hội Nhà văn xuất bản năm 2022, ghi dấu một chặng đường gian khó của ngành giáo dục Sơn Tây.
 
Năm 2020, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây, cũng là dịp đón nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, nhà giáo Lê Hoài Thạnh đã bắt tay viết bài thơ để phổ nhạc thành ca khúc của nhà trường. Lấy ý tưởng từ câu nói của cố Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Đường: “Giáo dục Sơn Tây như mặt trời mọc chậm...”, thầy Thạnh đã viết nên bài thơ “Điệp khúc đại ngàn”. Bài thơ này được nhạc sĩ Sỹ Hùng phổ nhạc thành bài hát cùng tên; sau đó được gửi dự thi Cuộc thi “Sáng tác về thầy cô và mái trường” năm 2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức và đoạt giải Khuyến khích. Tháng 5/2022, ca khúc được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chọn là một trong 3 tác phẩm của Quảng Ngãi tham dự Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2022 tại Đắk Lắk và đoạt giải A. Ca khúc được chọn công diễn trong đêm bế mạc liên hoan.
 
“Điệp khúc đại ngàn” với những câu hát cất lên xoáy vào lòng người: “Sơn Tây năm xưa Mặt trời mọc chậm!/ Một thời khát khao, khát khao con chữ/ Điệu cồng chiêng trầm buồn nức nở/ Bao đôi mắt trẻ thơ ngẩn ngơ/ Trên lưng mẹ mỗi chiều lên rẫy/ Gánh bao cuộc đời vắt vẻo tầng mây...”.
 
Hơn 38 năm rời quê hương yêu thương để đi theo nghề gieo chữ, từ miền núi Sơn Hà rồi lại ngược lên tận Sơn Tây, bất kể lúc thanh xuân hay những ngày cuối của hành trình, nhà giáo Lê Hoài Thạnh luôn sống hết mình cho công việc, cho sứ mệnh "trồng người". Chính vì lẽ đó, những tác phẩm âm nhạc phổ từ thơ thầy Thạnh, tuy chưa phải là đỉnh cao, nhưng lại là sự chân thực đánh đổi cả đời người, chứ không là cảm xúc chớp nhoáng bay qua.
 
Chia tay nhà giáo Lê Hoài Thạnh, chúng tôi mang theo nhiều cảm xúc của những câu chuyện nghề, chuyện thơ và âm nhạc, nhưng chuyện nào cũng cảm giác chưa đến hồi kết thúc. Ngọn lửa nghề giáo vẫn còn đang bùng cháy, thắp lên những đốm sáng tinh tế tạo ra thơ và để thơ lại bay bổng đi vào âm nhạc. Có lẽ đó chính là chất xúc tác mạnh mẽ tạo nên phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi ở ngôi trường vùng cao với toàn học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số này. Để rồi cứ mỗi giờ tan học, khúc hát lại ngân lên reo vui dưới thung lũng Ka La bao quanh là núi, bên dòng suối ngày đêm con nước trôi về phía hạ nguồn...
 
THANH NHỊ
 
 
 

.