(Baoquangngai.vn)- Sáng 14/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức lễ khởi động Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
[links()]
Trước đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) do Điều phối viên quốc gia Nguyễn Thị Thu Huyền làm Trưởng đoàn đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, Sở NN&PTNT, Sở VHTT&DL tổ chức chuyến khảo sát thực tế các địa điểm: Gành Yến tại xã Bình Hải; Rừng cóc trắng bàu Cá Cái tại xã Bình Thuận; Rừng dừa nước thuộc xã Bình Phước và sản phẩm OCOP Gốm Mỹ Thiện tại thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Qua đó, điều tra, khảo sát hiện trạng, tham vấn cộng đồng và xây dựng văn kiện dự án, đề xuất ý tưởng thực hiện dự án.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh giới thiệu về dự án. |
Dự án “Sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Bình Sơn thông qua trao quyền cho cộng đồng bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” có thời gian thực hiện là 24 tháng, với tổng kinh phí dự án hơn 2,5 tỷ đồng.
Các đại biểu phát biểu ý kiến, thảo luận tại buổi lễ. |
Tại lễ khởi động dự án, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH - KT tỉnh Lê Quang Thích chia sẻ, một trong những kết quả hướng đến của dự án là cộng đồng tham gia kết nối hoạt động du lịch học tập các điểm bàu Cá Cái - Gành Yến - Rừng Dừa nước - Châu Ổ với mạng lưới Lý Sơn, Sa Huỳnh, TP.Quảng Ngãi. Thông qua đó, sẽ đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm học tập, tập hợp đông đảo sinh viên trẻ, trí thức trẻ trên cả nước tham gia xây dựng huyện Bình Sơn.
Ra mắt Ban Điều hành dự án. |
Chuyên gia tư vấn dự án, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng Võ Văn Minh bày tỏ, kết quả những nghiên cứu gần đây đã cho thấy Bình Sơn có sự hiện diện của hệ sinh thái rừng dừa nước ở xã Bình Phước và hệ sinh thái rừng cóc trắng ở xã Bình Thuận, cũng như bãi đá lộ thiên địa chất hàng triệu năm tuổi được hình thành từ phun trào núi lửa, các sinh cảnh rạn san hô, thảm cỏ biển tạo sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng nguồn lợi ở xã Bình Hải. Cùng với đó là hoạt động bảo tàng khảo cổ học của những người say mê ở Châu Ổ, làng gốm Mỹ Thiện với kiểu lò gốm truyền thống bằng phương pháp thủ công còn tồn tại ở miền Trung Việt Nam với những họa tiết kiểu dáng và trang trí như con rồng, chú chuột, cành tre, trúc.
Ông Minh cũng nhấn mạnh, một trong những cân bằng lâu bền và hiệu quả nhất là hài hòa giữa mối quan hệ bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy văn hóa truyền thống, sinh kế địa phương và phát triển kinh tế xã hội. Cộng đồng tham gia góp ý quy chế quản lý không gian biển và ven bờ Bình Sơn, bảo tồn các hệ sinh thái và văn hóa tri thức bản địa, chung tay góp phần phát triển bền vững tại địa phương.
Tin, ảnh: T.NHÀN