(Báo Quảng Ngãi)- Tháng Ba. Nắng xuống Rộc Găng lóa mắt. Đất cày ải phơi nắng giòn tan. Ông Tư Huỳnh để sẵn mấy cái vồ đập đất đầu chái. Nhà có sào ruộng, ông tính chiều nay đập cho tơi ra. Chắc xẩm tối cũng rồi, ông nghĩ vậy. Hôm nay, ông không đi đốn mía. Mía chất đầy một vồng to, đạp cho giỏi cũng vài ba ngày nữa mới hết. Cha con ông làm công ở lò đường già Tiễn. Già Tiễn dựng lò phía Gò Tranh. Ở xóm Lữ Phí, già Tiễn là người có vốn lớn. Đến mùa, ông bỏ tiền ra dựng chòi, mướn người khỏe mạnh làm, lo cơm nước. Cuối mùa, ông trả công cho họ bằng đường muỗng.
Hôm qua, cha con ông Tư Huỳnh có bữa cơm ngon quá. Lâu rồi, không được ăn canh mít non nấu cá chuồn tươi. Cơm ghế củ lang khô, ăn với mắm cái đã ngon rồi, đằng này già Tiễn thêm món canh mít quá tuyệt. Ông gắp đầu cá chuồn trong cái tô. Tô để trên mâm gỗ nhẵn thín, ngả màu đen có đường nẻ to. Người ta nói “nhứt đám ruộng trước ngõ, nhì cái mỏ cá chuồn”. Đầu cá chuồn có miếng sụn, nhai vừa giòn vừa béo. Sao hôm nay, già Tiễn chơi ngon vậy ta? Thường mọi bữa chỉ có nồi cơm, mớ củ với chén mắm cà. Thằng Mẹo, con ông Tư Huỳnh, chăm chú ăn không nói gì. Tính nó vậy, làm cùi cụi, ít nói. Mười Ngọ, hay văn hoa, vừa húp canh vừa oang oang “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Mâm cơm có sáu người, gồm Chín Thôi, Mười Ngọ, Bốn Xởi và cha con ông Tư Huỳnh. Bốn Xởi gật gù: “Mít này làm món trộn xúc bánh tráng, ngon hết ý. Là nói vậy thôi, chứ làm gì có mà ăn”. Câu nói vô tình hay cố ý của Bốn Xởi gợi cho ông Tư Huỳnh suy nghĩ...
Thật ra món mít trộn, nhà quê không phải là hiếm, ai cũng có thể làm được, chỉ cần khéo tay, chịu khó một chút. Nói khéo tay xắt mít, chỉ có bà Hoa. Bà Hoa bán mít trộn ngon nhất xóm, chồng mất đã lâu, người dong dỏng cao, da bánh mật, tóc suông. Cánh đàn ông hay ngó theo khi bà bưng mủng mít trộn đi qua. Hôm đó, ông Tư Huỳnh thấy bà đi ngang, cắm đòn xóc xuống đất, liền đọc: “Đôi ta như thể dây đàn/ Đứt thì lại nối cũng hoàn như xưa”. “Ơ! Cái ông này vô duyên”, bà Hoa nguýt dài đi một hơi, nhưng lòng bà không quên chuyện cũ. Ngày đó, bà chưa lấy chồng và ông Tư Huỳnh chưa vợ. Hai người gặp nhau ở bến sông. Một đêm trăng sáng. Ông Tư Huỳnh liền hát: “Gió đưa, gió đẩy bông trang/ Ai đưa ai đẩy cho nàng tới đây?”. Bà Hoa liền đọc: “Gió đưa gió đẩy nhành gai/ Bậu ơi, đừng có hỏi, ngày mai tui lấy chồng”.
Ông Tư Huỳnh nghe mất hứng, nói lảng: “Ngãi nhơn là ngãi nhơn đồng/ Qua không biểu bậu, bỏ chồng theo qua”. Là nói vậy, nhưng Tư Huỳnh biết chắc bà Hoa chưa có đám nào dạm hỏi, nên vẫn nuôi hy vọng. Chuyện tình qua những câu đối đáp, họ phải lòng nhau. Ngày đó, chuyện lứa đôi đều do cha mẹ hai bên sắp đặt. Có lần nghe cha mẹ bà Hoa nói:
- Thằng Tư Huỳnh tính hiền, làm giỏi, ngặt nỗi nó nghèo quá. Nghe thế, ông đành hát câu: “Tại cha, tại mẹ bên nàng/ Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau”.
Họ xa nhau thật. Hôm Tư Huỳnh đi tát nước, thấy người ta gánh đôi xiểng to đùng, bên ngoài có dán giấy đỏ, chữ đen. Không đọc được, nhưng lòng ông hình như đọc cả rồi. Họ chậm rãi đi vào ngõ nhà bà Hoa. Họ mặc áo dài the, khăn đóng, sang trọng quá. Ông chậm rãi nhìn theo, mong cho đôi xiểng ấy đi thẳng một đường luôn. Nhưng không, cái gì đến phải đến, đôi xiểng đã vào ngõ. Ông ngồi dưới bóng tre. Sông vẫn là sông cũ, tre vẫn là tre xưa, sao giờ đây mông lung quá! Ông thấy cay cay trên khóe mắt. Tám tuổi ông biết ngồi trên lưng trâu và cầm liềm cắt cỏ. Mỗi năm, người ta trả cho mấy ang lúa và một bộ đồ bằng vải thô. “Ừ hả! Nghèo quá chứ gì nữa mà không nghèo!”, ông nhủ lòng như vậy. Ông cố bỏ nỗi buồn này cho nước trôi đi, nhưng đâu có dễ, đâu có bỏ cái rụp liền. Mái tóc đen dài của ai, cứ lởn vởn trong đầu ông, khi đặt lưng xuống mỗi đêm về. Ác thật! Người ta kệ người ta, ai biểu nhớ chi mà ngủ không được! Ông giận mình, giận ai không biết nữa, cứ trở lưng phía nào cũng thấy đôi mắt lá răm. Thấy cái môi hồng tươi như cánh sen trong hồ nước đình làng. Chuyện này, chỉ có mình ông biết. Gói lại thiệt kỹ, ông cất sâu trong lòng...
Hôm nay, cha con ông Tư Huỳnh nghỉ đốn mía, tính chuyện đập đất, gieo lúa trì trì. Lúa trì trì chịu hạn rất tốt. Đập cho đất nhuyễn, vãi giống xuống. Hạt lúa nằm đó, chờ mưa là nảy mầm. Giống lúa trì trì bông thưa, hạt chắc, gạo màu nâu sẫm, cơm ăn rất béo và thơm. Có điều năng suất lúa quá thấp. Một sào lúa thu về chừng non gánh lúa tươi coi như được mùa. Những năm mất mùa chỉ có mấy ang. Chuyện làm ruộng không đủ ăn từ bao đời rồi. Người làm ruộng đồng Rộc Găng coi đó là điều tự nhiên như nắng, như mưa.
Thằng Mẹo ngủ trưa thức dậy, nhìn ra sân. Ông Tư Huỳnh ngồi hút thuốc trên bộ ngựa trước hè. Mẹo nói:
- Trời chuyển mưa hay sao mà con nghe trong người mỏi quá. Chiều nay, mình đập cho xong, biết đâu tối mưa, mai vãi giống được đó cha.
Ông Tư Huỳnh, áo cánh quần đùi, hai ống chân đen nhẻm, bàn chân gân guốc, bè ra. Đập hai bàn chân vào nhau, phủi phủi, ông co lên bộ ngựa biểu thằng Mẹo:
- Con ra sau chái bếp, rút cho cha bó bã mía.
- Ủa, đập đất mà rút bã mía chi vậy cha? Mẹo ngạc nhiên hỏi.
- Thì con cứ hốt ra đây, một ôm thôi, lấy thêm mấy sợi lạc cha chẻ sẵn dắt trên mái chuồng heo đó.
Thằng Mẹo đi ra sau nhà. Đống bã mía khô để trên gác chuồng heo từ mùa trước. Nó hốt ra một ôm mà không biết để làm gì.
Ông Tư Huỳnh nhả tàn thuốc, dán trên cột chái nhà. Trên cột, có năm bảy cái tàn thuốc như vậy. Hồi vợ ông còn sống, mỗi lần quét nhà hay càu nhàu: “Dán chi vậy không biết, hôi rình”. Bà lấy chổi rẹt một đường rớt xuống rồi xúc vô mo cau đi đổ. Bây giờ, ông tỉ mẩn gò lưng, lựa ra bã mía thẳng thớm để một bên. Tính ông kỹ vậy. Chặp lâu, đã có mấy cây xác dài bó chặt, to cỡ ống chân người lớn. Ông dựng vào róng chuồng bò.
Chiều. Cha con ông Tư Huỳnh đập sắp xong đám đất, trời chuyển mưa. Mây từ phía núi Hông Lân kéo về đen nghịt. Gió quần quật thổi. Một vài tia chớp phía cuối trời.
Ông Tư Huỳnh nói:
- Làm nhanh lên rồi về con ơi, mưa sắp tới rồi.
Thằng Mẹo, thằng Dần hối hả đập lia lịa xuống những cục đất to. Đất bể ra bụi bay tứ phía. Mấy con nhái núp dưới mảng đất cày hốt hoảng nhảy ra. Mưa sắp đến. Hàng tre đầu xóm oằn mình, lá tre bay lả tả, mặt đường cuốn bụi mịt mù. Cha con ông Tư Huỳnh bước vào nhà, mưa nặng hạt. Tầm tám giờ tối, hết mưa. Ông Tư Huỳnh với tay lấy cái giỏ tre treo ở chuồng bò. Ông nói:
- Thằng Tỵ ở nhà coi nhà, Mẹo, Dần đi với cha.
Thằng Dần ngạc nhiên. Nó hỏi:
- Đi đâu vậy cha? Mới mưa đất ướt mà? Con không đi đâu. Nó nghĩ đi gieo lúa ban đêm.
- Không đi thì ở nhà. Ông biểu thằng Mẹo ra chuồng bò, ôm mớ bã mía ông bó hồi trưa. Hai cha con bước ra ngõ.
Từ ngõ, nhìn ra cánh đồng phía xa, có vài đốm sáng lập lòe. Ông Tư Huỳnh bảo Mẹo đứng lại. Đưa mớ bã mía cho nó ôm, ông chọn một cây, quẹt lửa đốt lên. Đuốc cháy, hai cha con đi thẳng xuống cánh đồng. Những đám đất cày, chưa bừa, chưa đập, sau mưa nhái nhảy ra. Cứ mỗi lần ông rọi đuốc, thằng Mẹo chụp được năm bảy con nhái. Vừa chụp, nó vừa reo:
- Đây, còn đây nữa cha ơi. Cha rọi phía này đi. Nó hăng quá, say sưa chụp không biết mệt. Bỗng nó hếch mặt lên hỏi cha:
- Người ta nói “Ếch tháng Ba, gà tháng Mười” là ý gì vậy cha? Câu hỏi cắt ngang ý nghĩ của ông. Không biết ông đang nghĩ gì, ông ngớ ra một chút rồi:
- Ờ... ờ ếch, nhái mùa này rất ngon. Gà tháng Mười cũng vậy, chỉ có tháng Mười là tháng thịt gà ngon nhứt trong năm. Ông bà xưa nói vậy, mình nói vậy. Đấy là họ rút ra từ thực tế. Mà đúng như vậy đó con. Người ta đi soi ếch, soi nhái là đi mùa này. Mùa này, thịt nhái ngon lắm. Mải mê nói chuyện, mải mê bắt nhái, cha con ông đốt hết hai cây đuốc rồi. Đồng ruộng mênh mông, đi hoài không hết. Bỗng thằng Mẹo nghe hình như có tiếng gì sau lưng. Nó kêu lên: “Cha ơi! Cha ơi”.
- Gì vậy con? Cái gì vậy?
- Con nghe hình như có cái gì lạ phía sau mình!
- Đâu? Đưa coi nào. Ông quơ cây đuốc ngược về sau, vội dụi cây đuốc xuống đất rồi hai cha con cắm đầu cắm cổ chạy. Đến bờ ruộng to, ông biểu thằng Mẹo ngồi xuống. Cha con cùng thở. Mẹo thắc mắc hỏi:
- Gì vậy cha? Sao cha không để đuốc chạy cho dễ mà tắt vậy? Con vấp mấy lần, may chứ không đổ hết nhái.
- Có gì đâu! Mình tắt đuốc để tránh nó theo.
- Cái gì theo mới được chứ? Bỗng dưng nó nổi gai ốc. Nó nghĩ đến chuyện linh thiêng ở đình Tân Hội. Nó sợ.
- Nghỉ chút đi. Không sao đâu. Con rắn.
Lúc ông soi đuốc, thấy một con rắn mái gầm to bằng cổ chân, có khoang đen. Đích thị là nó rồi. Nó bò theo. Thằng Mẹo nói:
- Rắn mái gầm, con biết rồi, nhưng cha dụi tắt đuốc chi vậy? Tối thui, tối mò.
- Con không biết đâu. Rắn mái gầm nó mê tàn lửa. Thỉnh thoảng, ai đi soi mùa này cũng gặp. Nó bò theo, không phải hại mình, mà để ăn tàn. Nên ông bà xưa có câu “Theo đốm, ăn tàn” có lẽ từ ý này mà ra. Hiểu chưa?
Thằng Mẹo như xua được nỗi sợ trong lòng. Nó hối: “Đốt đuốc lên đi cha”. Hai cha con soi hết đuốc, gần nửa giỏ nhái. Định về, cha con ông bước lên bờ mương nhắm xóm Lữ Phí đi thẳng. Đến khúc quẹo vào làng, bỗng dưng có người bưng cái đèn hột vịt đi ngược lại. Người cầm đèn, giơ lên.
- Ô! Tưởng ai. Cha con ông đi đâu về vậy? Lại soi nhái hả? Trời ơi! Tui nói, nhái mùa này nấu cháo, nấu canh măng gì cũng ngon hết!
- Ủa, chứ bà đi đâu về?
- Tui lên lò đường ông già Tiễn coi thử mía tui ép xong chưa.
- Ủa, chứ đám mía Trũng Gò là của bà hả? Hèn chi mía xinh quá trời luôn.
Bà Hoa nguýt. Không biết ông có nói móc mình không.
- Tui nói thiệt mà. Mía lóng dài, cây bậm. Bọn tui gánh muốn quẹo xương vai.
- Tui biết, nên có ý bồi dưỡng cho các ông chén canh.
- Ủa! Canh mít hôm trước là của bà? Hèn chi ngon thiệt. Lạ nghen. Cái gì của bà cũng ngon, cũng xinh. Phải chi tui... Ý ông muốn nói phải chi tui còn trẻ. Mà ngại thằng Mẹo không nói ra.
- Cái ông này. Giữ mồm giữ miệng chút. Con nó cười.
Ông Tư Huỳnh xởi lởi: “Thôi bà về để khuya”.
Ông bước đi. Đêm trăng ngày cũ và tô canh mít non cứ lởn vởn trong đầu.
THOẠI VĂN