Khúc giao mùa

06:07, 05/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với tên gọi “Khúc giao mùa”, tập thơ mới xuất bản của nhà thơ Thu Nguyễn để lại trong lòng bạn đọc cảm giác nhẹ nhàng mà sâu lắng, vấn vương. Như thể, thời khắc giao mùa khiến lòng người hòa trong nỗi nhớ nhung miên man. 
 
Nhà thơ Thu Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1973, hiện sống tại xã Đức Lân (Mộ Đức). Thu Nguyễn là hội viên Câu lạc bộ Thơ Trà Giang. “Khúc giao mùa” là tập thơ thứ hai của Thu Nguyễn. Trước đó, vào năm 2020, Thu Nguyễn đã xuất bản tập thơ “Bóng chiều xưa”.
 
Tác phẩm “Khúc giao mùa” của Thu Nguyễn thấm đẫm mùa thu rợp lá vàng phai và rét mướt bên sông, những cơn gió bấc lạnh lùng kéo mùa đông về vây cả trời chiều bay bay vàng hoa cải. “Em ngồi hong lại vườn thu cũ/ Lá vàng ướt hết một chiều phai/ Ngoài sông gió bấc mùa đông tới/ Rét cả trời chiều hoa cải bay” (Đường khuya). Thu mà sao mưa nhiều thế, chắc là thu đã chuyển sang đông. Thu nhuốm lạnh lùng vì lá vàng rơi. Nhưng “rơi nhiều quá” nên lá vàng đã quyện bước chân ai vội mang đi, chỉ còn lại khúc giao mùa “mãi mất nhau” rồi. “Mùa thu đã đi về đâu/ Lá vàng rơi... rơi nhiều quá!/ Bước chân ai nào đi vội/ Lạnh lùng để mãi mất nhau” (Mùa nhớ). Có cảm giác lúc được yêu, thơ thu mới đứng được bên bờ của sự dịu dàng, đằm thắm, còn khi lạc bước yêu, cũng là thu mà thu cứ buồn thiu với “bến vắng”, “lá vàng”, cỏ im, “mây ngơ ngẩn”: “Chiều thu qua bến vắng/ Lá vàng về nơi đâu?/ Cỏ mềm không lên tiếng/ Mây ngẩn ngơ trên đầu (Chiều qua bến vắng)
 
Đâu phải chỉ viết cho mình mới ngợp khúc thu - đông, Thu Nguyễn viết cho mẹ cũng bằng những giọt “nước mắt vơi đầy” rơi bên “ngôi nhà cũ” (Nhớ mẹ); viết cho anh cũng với “nước mắt rơi dài” trong cuộc “chia xa” (Lá xanh). Về “lối cũ” hỏi người xưa, cây cũng “cúi đầu buồn bã” vì người xưa “đã xa xôi(Lối cũ)... Chênh vênh mùa nên chưa hết buồn thu, câu thơ đã bắt đầu giao mùa sang đông. Này là khúc hát ru của ngày cuối đông se lạnh: “Ngủ đi em/ Đừng trăn trở giấc nồng/ Gió lùa cửa/ Trời cuối đông lạnh lắm”. Nhưng cái lạnh của mùa đông đâu se sắt bằng cái “nhạt” của tình người: “Lòng người nhạt tình em thì sâu thẳm/ Vòng tay người làm ấm nổi em đâu” (Khúc giao mùa).
 
Đã từng có một mùa đông “mưa giăng giăng” trong quá nhiều thương nhớ cùng nỗi giận hờn, vì “đông lạnh đem mưa” về dội xuống hồn ta (Có một mùa đông). Nhưng khi bắt gặp tình yêu thì dù đông có “giá rét đến bao lâu”, có “lạnh nhiều” đến ngần nào, trái tim mùa đông cũng ấm lên đôi chút, dù chỉ là một “ấm áp” trong “cô đơn” của những cơn mơ (Mùa đông không lạnh). Nỗi nhớ cứ kéo dài lê thê như từng sợi mưa đông, sông nước lở bồi biết có ai còn chờ đợi: “Mùa đông đã đi về đâu/ Để mưa nối dài sợi nhớ/ Con sông bên bồi bên lở/ Bến nào người chờ đợi ta” (Mùa nhớ).
 
Tình yêu trong thơ Thu Nguyễn luôn có bóng dáng của những cơn đau (Chia xa). Dù có cố động viên cũng chỉ động viên bằng những giọt nước mắt khóc lấy nỗi đau của chính lòng mình: “Nếu một ngày em buồn muốn khóc/ Không có ai gần để dỗ dành/ Em hãy khóc một lần cho hết/ Nỗi buồn nào cũng sẽ qua nhanh” (Nếu). Và khi đi qua những chuyện buồn đã thuộc về quá khứ, những câu thơ lại tái tạo dĩ vãng, thắp lên trong thơ tình yêu quê hương bằng bức tranh thật đẹp (Về lại Văn Hà). Thơ Thu Nguyễn có nét buồn nhưng không bi lụy, hồn thơ có rưng rưng đau một khúc giao mùa, nhưng đằng sau màn mưa lạnh ấy, thơ vẫn ủ hồn người bằng hơi ấm của một thứ tình trong sáng (Miền yêu thương). Với Thu Nguyễn, giọt thơ chính là những giọt nước mắt chắt lọc từ nỗi đau trần thế gửi đến cho đời những giọt tình yêu được hái từ một cõi mơ xa: “Ta buồn ta muốn làm thi sĩ/ Gửi tặng cho đời mấy giọt thơ/ Thơ chốn dương trần nhiều nước mắt/ Ta gửi cho người ở cõi mơ” (Gửi người nơi ấy).
 
MAI BÁ ẤN
 

.