Nguyễn Đình Chiểu: Nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại

02:07, 01/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cuối tháng 11/2021, UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 - 1/7/2022), nhiều hoạt động được tổ chức trên quê hương Bến Tre nhằm vinh danh cụ Đồ Chiểu.
 
[links()]
 
Một nhà thơ tài năng, giàu lòng yêu nước
 
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu vẫn sống mãi trong lòng nhân dân cả nước cùng với những tác phẩm chở đạo, trừ gian, ca ngợi những tấm gương anh hùng nông dân vì nước quên thân của ông. Nguyễn Đình Chiểu sinh ngày 1/7/1822 tại làng Tân Thới, phủ Gia Định. Cha là ông Nguyễn Đình Huy, quê gốc ở Phong Điền, Thừa Thiên, vào Gia Định làm thư lại cho Lê Văn Duyệt. Mẹ ông là bà Trương Thị Thiệt, người phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.
 
Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.                               Ảnh: Internet
Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Internet
 Năm 1843, ông thi đỗ Tú tài ở Trường Gia Định. Ba năm sau, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học chờ khoa thi. Đến năm 1848, nghe tin mẹ mất, ông bỏ thi, cùng em trai 10 tuổi về Nam cư tang mẹ. Trên đường đi ông bị ốm và bị mù. Sau cư tang mẹ, ông mở trường dạy học, bốc thuốc. Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu chạy về quê vợ ở Cần Giuộc. Đến năm 1862, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ mất, ông cùng gia đình chạy về Ba Tri (Bến Tre). Năm 1888, Nguyễn Đình Chiểu mất, mai táng ở Ba Tri.
 
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học kiệt xuất, tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà trên thế giới. Đó là các tác phẩm: Lục Vân Tiên (khoảng 1851); Dương Từ - Hà Mậu (khoảng 1854); Chạy giặc (1859); Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861); Văn tế Trương Định (1864); Thơ điếu Trương Định (1864); Ngư tiều y thuật vấn đáp (1867); Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (1867)... Văn chương Nguyễn Đình Chiểu sáng ngời tinh thần nghĩa khí, lòng yêu nước nồng đậm của người Nam Bộ trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, có sức cổ vũ lớn lao đối với lực lượng yêu nước; là đỉnh cao của thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX ở nước ta. Nguyễn Đình Chiểu là một nhân cách lớn, một tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước và nhân văn. 
 
Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 về sau, có rất nhiều đường phố, công trình công cộng, trường học, giải thưởng trong nước mang tên Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 23/11/2021, UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Nguyễn Đình Chiểu và nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Đây là một vinh dự lớn lao đối với nền văn hóa Việt Nam.
 
Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam
 
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa lớn, nhà thơ yêu nước tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, nhà giáo của nhiều thế hệ, thầy thuốc tinh thông y lý, y thuật và nổi tiếng về y đức. Tài năng và địa vị của ông trên văn đàn, y thuật và nền giáo dục nước nhà đã được ghi nhận, tôn vinh từ rất sớm, ngay cả lúc ông còn sinh thời. Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.

Tôi đến TP.Hồ Chí Minh, tìm gặp nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Ông Trảng quê xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), chuyên nghiên cứu về văn hóa dân gian Nam Bộ. Khi nghe nói đến Nguyễn Đình Chiểu, ông hào hứng kể về 40 năm trước (1982) cùng đồng nghiệp ở Ban Văn học, Viện Khoa học xã hội TP.Hồ Chí Minh, đi sưu tầm khắp Nam Bộ, xuất bản sách phục vụ hội thảo nhân kỷ niệm 160 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu.

 
Ông lục tìm đưa tôi hai cuốn sách: “Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời” (Ty Văn hóa - Thông tin Bến Tre, 1982) và cuốn “Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam” (Sở Văn hóa - Thông tin Long An, 1983). Cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu trong cuộc đời”, Huỳnh Ngọc Trảng cùng đồng nghiệp sưu tầm, biên soạn dân ca, ca dao, câu đố, thơ điếu, họa, cảm tác, phóng tác, kịch bản sân khấu, giai thoại, truyện kể có liên quan đến tác phẩm Lục Vân Tiên. Đây là tư liệu quý về Nguyễn Đình Chiểu, nhất là mối quan hệ của nhà thơ với dân gian Nam Bộ.
 
Đặc biệt, cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam” là tác phẩm đúc kết sau cả một quá trình sưu tầm, tìm tòi, suy nghĩ của Huỳnh Ngọc Trảng và Cao Tự Thanh. Trong cuốn sách, Cao Tự Thanh viết “Hiện tượng Nguyễn Đình Chiểu trong văn hóa Việt Nam”, Huỳnh Ngọc Trảng viết “Văn hóa truyền thống trong truyện Lục Vân Tiên và cuộc sống của tác phẩm”. Nhưng sao không phải Nguyễn Đình Chiểu với văn học Việt Nam mà với văn hóa Việt Nam? Giáo sư Trần Văn Giàu lý giải: “Đặt tên cho tập sách mỏng mà công phu dày này là "Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam", hai tác giả Cao Tự Thanh và Huỳnh Ngọc Trảng chắc có ý muốn xác định rõ hơn nữa đặc điểm, vị trí và tầm cao của Nguyễn Đình Chiểu trong sự phát triển lịch sử của nền văn hóa Việt Nam nói chung...”. 
 
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận xét rằng, truyện Lục Vân Tiên, từ bố cục đến cốt truyện, cách dụng các mô-tip tự sự cho đến cách kể truyện vẫn còn đậm dấu vết của truyền thống tự sự dân gian, nhất là truyền thống truyện thơ Nôm. Truyện phổ cập trong nhân dân gắn liền với hình thức “nói thơ Vân Tiên”. Đặc thù của Lục Vân Tiên là nói (và nghe), gắn với diễn xướng, có yếu tố âm nhạc, hành động sân khấu, do vậy ngôn ngữ không thiên về trau chuốt điêu luyện mà chú tâm phù hợp với diễn xướng. Truyện Lục Vân Tiên sáng tác theo kiểu một tác phẩm dùng để diễn xướng: Trong bản thảo tác phẩm có những đặc điểm nghệ thuật nội tại thuận lợi cho việc diễn xướng đạt hiệu quả cao. Từ đó, Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng, các yếu tố dân gian ghi dấu đậm nét trong tác phẩm Lục Vân Tiên, và đổi lại chính tác phẩm Lục Vân Tiên lại có tác động rất lớn đối với dân gian.
 
Sức lan tỏa của tác phẩm Lục Vân Tiên     
 
Tác phẩm Lục Vân Tiên có sức lan tỏa lớn trong xã hội. Ngay cả các nhà trí thức Pháp từ rất sớm đã tiếp cận tác phẩm ngay khi chính quyền thực dân xâm lược nước ta. Năm 1864, Gabriel Aubaret dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp, đăng ở Kỷ yếu Châu Á. Năm 1865, bản nôm Lục Vân Tiên do Duy Minh sao lục, Tôn Thọ Tường chủ trương trao cho hiệu sách Quảng Thạch Nam ở Chợ Lớn khắc gỗ và xuất bản. Năm 1867, lần đầu tiên Janneau phiên Lục Vân Tiên ra chữ quốc ngữ và được Thống đốc Nam Kỳ cho xuất bản ở Sài Gòn (đến năm 1873 thì tái bản ở Paris).
 
 Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với hai tập sách do ông và đồng nghiệp biên soạn, sưu tầm. Ảnh: Cao Chư
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với hai tập sách do ông và đồng nghiệp biên soạn, sưu tầm. Ảnh: Cao Chư
Trong dân gian, Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng ghi nhận có hai giọng “nói thơ Vân Tiên”. Một giọng có tiết tấu rõ, nhịp cắt hai từ một, rất gần với giọng hô bài chòi và một giọng khác tiết tấu rất mờ, tốc độ chậm rãi, ngân nga. Từ truyện thơ Lục Vân Tiên mà có hò Lục Vân Tiên trong dân gian Tây Ninh. Tại các thị tứ đô hội, truyện thơ Lục Vân Tiên trở thành bổn thơ ruột của những nghệ sĩ nói thơ quân phường (hát rong). Các nghệ nhân dân gian dựa vào cốt truyện, nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên để làm chất liệu trong các điệu hát của mình, ở hầu hết các thể loại dân ca, từ hát đúm ở đồng bằng Bắc Bộ, hô hát bài chòi ở Nam Trung Bộ đến hò, lý, thơ rơi, đồng dao, thơ bắt quàng ở Nam Bộ.
 
Thời Pháp thuộc, có những phóng tác dựa vào tác phẩm Lục Vân Tiên đưa vào diễn xướng dân gian như: Thơ tuồng Lục Vân Tiên, Phú Vân Tiên. Thời kháng chiến chống Mỹ, truyện khơi nguồn cảm hứng cho nhà thơ Hưởng Triều sáng tác bài “Trong tổng tấn công đọc Lục Vân Tiên” (1968). Ở miền Bắc trước năm 1975 và trong nước sau năm 1975 có nhiều vở diễn dựa vào truyện Lục Vân Tiên. Về sau này, ta còn được biết truyện Lục Vân Tiên được phóng tác qua chữ Thái ở tận Sơn La, được vẽ truyện tranh trên kính ở Nhà Lớn Long Sơn (Vũng Tàu).
 
Cuốn sách “Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam” nằm trong chuỗi nghiên cứu, sưu tập về Nguyễn Đình Chiểu ở hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ đất nước bị chia cắt cho đến thời hòa bình thống nhất. Sau đó 40 năm là một quá trình tiếp tục nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu, ngày một khơi sáng thêm để hôm nay nhà thơ được UNESCO vinh danh.
 
CAO CHƯ
 
 
 
 

.