(Báo Quảng Ngãi)- Bà Madeleine Colani, một nhà khoa học nổi tiếng người Pháp đã khai sinh và định danh "Văn hóa Sa Huỳnh", một trong ba nền văn hóa thời tiền sử ở Việt Nam (Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo). Những phát hiện, khám phá ban đầu của M.Colani đã đặt nền móng quan trọng, gợi mở cho các nhà nghiên cứu sau này về nền văn hóa Sa Huỳnh.
[links()]
|
Nhà khảo cổ học Madeleine Colani (đứng giữa, hàng đầu) cùng các nhà khoa học Pháp và Việt Nam. Ảnh: TL |
Madeleine Colani sinh năm 1866 tại Strasbourg, vùng đông bắc nước Pháp. Năm 1884, M.Colani nhận bằng cao đẳng, một bằng cấp danh giá mà vào thời đó rất ít cô gái trẻ đạt được. Theo lời kêu gọi của Paul Doumer - Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ, M.Colani đã sang Việt Nam. Năm 1929, Louis Finot - Giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) đã quyết định nhận bà là thành viên. Từ đó, M.Colani tiến hành cuộc khảo sát tại Hòa Bình, vịnh Hạ Long, Cánh đồng Chum ở Thượng Lào và đặc biệt các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam.
Bà M.Colani là người đa tài, chẳng những chuyên sâu nghiên cứu khoa học thời tiền sử, khảo cổ học, mà còn am hiểu và có năng khiếu mỹ thuật. Bà bị gù do khuyết tật từ nhỏ. Thời trẻ, M.Colani say mê hội họa và đã từng có tranh được trưng bày tại các cuộc triển lãm của các nghệ sĩ Pháp. Bà đến với vùng đất Quảng Ngãi không chỉ nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, mà còn vì yêu thích phong cảnh thiên nhiên và con người nơi đây. Đặc biệt, M.Colani cùng với đồng nghiệp là nhà khảo cổ nổi tiếng Jean Yves Claeys (người chủ trì khai quật kinh thành Trà Kiệu) đã chụp nhiều bộ ảnh về Quảng Ngãi. Ấn tượng nhất là bộ ảnh về bờ xe nước trên sông Trà Khúc... Những bức ảnh bờ xe nước ở Quảng Ngãi của bà được in lên bưu thiếp, lưu trữ ở thư viện, bảo tàng về Đông Dương tại nước Pháp. |
M.Colani là thành viên của Hội Những người bạn của EFEO. Bà thực hiện nhiều buổi thuyết trình và đăng tải nhiều thông tin khoa học mới về khảo cổ học trên các tạp chí và xuất bản phẩm của EFEO, tiêu biểu là bài viết "Nécropole de Sa Huỳnh" (Mộ cổ ở Sa Huỳnh). Di chỉ văn hoá Sa Huỳnh nằm ở phía tây đầm An Khê, được M.Vinet phát hiện năm 1909 ở khu vực giáp ranh giữa xã Phổ Khánh và phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) ngày nay. Năm 1934, bà M.Colani được EFEO phái tới khai quật khảo cổ Sa Huỳnh.
Năm 1936, trong bài viết về tiền sơ sử Quảng Bình đăng trong tạp chí “Những người bạn Huế xưa”, M.Colani lần đầu tiên đề xuất thuật ngữ “Văn hóa Sa Huỳnh”. Văn hóa Sa Huỳnh là nền văn hóa thuộc giai đoạn sơ kỳ đồ sắt của cư dân nông nghiệp ven biển cách đây 3.000 - 2.500 năm, hoặc cuối thiên niên kỷ thứ 1 trước Công Nguyên. Chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh là cơ sở của sự hình thành các tiểu quốc Lâm Ấp - Champa sau này. Xứ Quảng là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh. Các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm di chỉ khảo cổ học, hàng vạn hiện vật các loại như quan tài gốm, đồ tùy táng (bình gốm, mâm bồng, bát bồng, trang sức, công cụ lao động...). Trong đó, nổi bật nhất là các loại mộ chum, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai ba mấu... Bộ sưu tập hiện vật nền văn hóa Sa Huỳnh được lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh.
|
Bờ xe nước trên sông Trà Khúc của Madeleine Colani chụp trong khoảng năm 1920 - 1929. Ảnh: TL |
Bà M.Colani đam mê nghiên cứu khoa học, nhất là khảo cổ. Bà có thời gian 20 năm liên tục tham gia các công trình điền dã trong điều kiện khó khăn ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Bà mất ngày 2/6/1943 tại Hà Nội.
TẤN VỊNH