Âm vang chiêng ba

02:01, 06/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tiếng chiêng lúc êm nhẹ tựa gió xào xạc vờn quanh cây lá, khi ngân vang tựa sấm dậy phía rừng xa. Chiêng ba gắn kết tình người, đắm say lòng khách phương xa khi đến Ba Tơ núi non hùng vĩ.
[links()]
 
Chiêng ngân vang rừng núi
 
Một sớm mùa đông, tôi cùng anh Phạm Văn Tân (công tác tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Ba Tơ) cưỡi xe máy vượt qua những cung đường đèo dốc, uốn lượn giữa núi đồi đẹp tựa tranh vẽ. Hơi lạnh bao phủ khắp bản làng miền sơn cước. Chúng tôi dừng xe trước nhà anh Phạm Văn Nhót, ở xã Ba Vinh. Anh Nhót đón tiếp chúng tôi với gương mặt rạng ngời niềm vui. Sau những cuộc điện thoại của anh Nhót, thêm 3 thành viên trong đội chiêng đến nhà. Tiếng chiêng cất lên, tiết tấu chậm rãi như nhịp bước thong dong tản bộ ngắm nhìn cảnh sắc núi đồi. Rồi nhịp chiêng nhanh như thác đổ giữa rừng mưa, nước cuồn cuộn xối vào đá tung bọt trắng xóa.
 
Những người con của núi rừng say sưa trình diễn chiêng ba. Dưới những đôi tay tài hoa, 3 chiếc chiêng: Chinh Vông (chinh cha), chinh Tum (chinh mẹ) và chinh Túc (chinh con) phát ra thanh âm làm mê hoặc lòng người. "Đánh chiêng ba không dùng dùi, chỉ bằng đôi tay. Người chơi chinh Túc phải bọc vải vào tay để đánh ra những tiếng âm sắc đục. Kỹ thuật đánh chiêng có nhiều cách, tưởng đơn giản vậy nhưng khó lắm, phải học lâu mới đánh được", anh Nhót chia sẻ.
 
Trình diễn chiêng ba tại nhà anh Phạm Văn Nhót.     Ảnh: Trang Thy
Trình diễn chiêng ba tại nhà anh Phạm Văn Nhót. Ảnh: Trang Thy
Nói rồi, anh Nhót cùng các anh em mải mê bên chiếc chiêng với những âm thanh ngân vang rừng núi. Thật độc đáo khi những ngón tay búng nhẹ lên chiếc chiêng bằng đồng, tạo nên tiếng suối chảy róc rách. Tiếng mưa rơi lẫn vào thanh âm của chiêng tạo nên khúc nhạc hòa tấu tuyệt vời. Đôi mắt họ mơ màng, phiêu diêu cùng những âm thanh huyền diệu. Tôi nhấp ngụm rượu thơm nồng hương núi rừng, lòng ngất ngây say trong nhịp chiêng rộn rã. Say bởi tiếng chiêng cùng lòng hiếu khách của người dân ở núi rừng Ba Tơ. "Nhiều người ở nơi khác đến đây nghe chiêng đều khen hay. Thích lắm. Có người ở xa nhưng khi nghe lễ hội có đánh chiêng thì đến chung vui", anh Phạm Văn Đức cho biết.        
   
Chiêng ba được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt của đồng bào dân tộc Hrê vào dịp Tết cổ truyền, lễ ăn trâu, lễ cầu mùa, mừng nhà mới, lễ cưới... và cả khi tụ họp vui chơi. Tiếng chiêng lướt qua núi đồi như lời mời gọi mọi người ở những làng xa gần đến chung vui với gia chủ hay cả dân làng. Ông Phạm Văn Vễ (anh trai của anh Nhót) kể, lúc còn nhỏ tôi thường theo cha đến nơi trình diễn chiêng ba, nhất là khi làng mở lễ hội vào dịp Tết. Tiếng chiêng ngân lên thúc giục mọi người vào hội...
 
Nặng lòng với chiêng
 
Khi mới 15 tuổi, anh Phạm Văn Rôm đã rành rẽ kỹ năng đánh chiêng nên thường được trình diễn trước dân làng. Mặc dù vậy, anh vẫn luôn rèn luyện cách để tiếng chiêng ngày càng thăng hoa. Anh luôn cố gắng sắp xếp công việc để tham gia những đợt hội diễn văn nghệ quần chúng ở nhiều nơi, qua đó giao lưu, học hỏi thêm cách đánh chiêng ba. Dù đang bận việc nhà, nhưng nghe điện thoại mời đánh chiêng, anh Rôm vội chạy xe đến nhà anh Nhót.
 
Đánh chiêng ba bên nếp nhà sàn. Ảnh: TL
Đánh chiêng ba bên nếp nhà sàn. Ảnh: TL
"Chiêng ba làm nhiều người say mê lắm, cả người đánh lẫn người nghe. Khi đánh chiêng thấy lòng vui sướng lắm, quên hết mệt nhọc, lo âu...", anh Rôm tâm sự. Còn ông Phạm Văn Vễ thì kết giao với nhiều người bạn chung niềm đam mê đánh chiêng, rồi mang chiêng biểu diễn khắp nơi.  "Hồi trước cha tôi và những người lớn tuổi dạy đánh chiêng cho lớp trẻ. Đến bây giờ chúng tôi cũng vậy. Phải dạy để lớp trẻ biết quý giá những gì tổ tiên để lại", ông Vễ tâm sự.
 
Theo Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Tơ Lê Cao Đỉnh, trên địa bàn huyện Ba Tơ còn 890 bộ chiêng ba với hơn 700 người sử dụng thành thạo loại nhạc cụ này. Thường ngày, họ bận rộn với ruộng đồng, nương rẫy cùng bao việc mưu sinh nhưng sẵn lòng tham gia khi nghe lời mời đánh chiêng, tham dự các hội diễn văn nghệ quần chúng quảng bá chiêng ba. Họ yêu nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và mến người thích nghe tiếng chiêng gieo niềm vui vào lòng. "Nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê ở huyện Ba Tơ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ năng đánh chiêng ba để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời đề nghị công nhận danh hiệu nghệ nhân đối với những người đóng góp công sức bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này...", ông Đỉnh cho biết.
 
TRANG THY
 
 

.