(Baoquangngai.vn)- Bên mép sông Phú Thọ ở cuối thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) có một ngôi miếu thờ tổ nghề buôn bán. Trải qua hàng trăm năm thăng trầm, nhưng đến nay ngôi miếu vẫn là địa chỉ tâm linh của người dân địa phương và là chứng tích cho một thời kỳ thịnh vượng ở vùng đất nơi cửa biển.
[links()]
Cửa biển Cổ Lũy là nơi hai con sông lớn của Quảng Ngãi là Trà Khúc và sông Vệ đổ về, hợp nhất trước khi đổ ra biển. Theo các bậc cao niên trong vùng, Cổ Lũy từng nổi tiếng với phố cổ Thu Xà và bến cảng Phú Thọ sầm uất "trên bến dưới thuyền" khi người Việt, người Hoa tấp nập ra vào giao thương, buôn bán. Ngôi miếu thờ vị thần của những người đi buôn bán trên biển theo tín ngưỡng của người Hoa với tên gọi Mãi Châu Thần Nữ nằm cạnh đó đã góp phần khẳng định sự thịnh vượng một thời ở nơi đây.
Miếu bà Mãi Châu Thần Nữ được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Tương truyền thuở sơ khai nơi đây vốn là một gò đất trống. Trong quá trình giao thương, các thương nhân người Hoa đã đến đây lập làng ấp. Cùng với sự góp sức của người Việt ở đây, họ đã đóng góp tiền của xây dựng nên ngôi miếu này.
Cụ bà Đỗ Thị Líu ngụ ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú vẫn ngày ngày cần mẫn với công việc quét dọn, lo hương khói tại miếu Mãi Châu Thần Nữ. Cụ Líu cho hay, ngày trước, đời ông tổ, ông cố của tôi được người Hoa chọn làm người trông nom miếu, trải qua các lớp thế hệ nay đến tôi đảm nhận công việc này. Ngôi miếu thờ Nam Hải đại tướng quân, Bản Xứ Thành Hoàng với đầy đủ tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền. Về sau, Cửu Thiên Huyền Nữ và Quan Âm Bồ Tát cũng được dân làng rước về thờ trong miếu.
Bên cạnh tổ nghề buôn bán theo quan niệm của người Hoa, ngôi miếu còn thờ các vị thần đặc trưng trong văn hóa người Việt. |
Ngôi miếu tọa lạc ở khu đất cao, mặt hướng về phía Nam, nhìn ra sông Phú Thọ. Ban đầu, miếu được xây bằng đá ong kết hợp với vôi vữa, vách có bề dày 50 phân, tất cả tượng thờ và bài vị trong miếu cũng được làm bằng đất, đá.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử và thời gian, miếu bị tàn phá, xuống cấp, được trùng tu xây dựng lại 3 lần vào các năm 1978, 2008 và gần đây nhất là năm 2021. Hầu hết các dấu tích cổ xưa trong miếu đều không giữ lại được ngoài tấm sắc phong đề ngày 14 tháng 5, năm Thiệu Trị thứ ba (tức năm 1844) phong cho Đại Càn Quốc Gia Nam Hải được người làng trân quý và hết mực gìn giữ cùng hai bộ hài cốt của cá voi sau khi lụy bờ (hay Nam Hải Đại Tướng Quân).
Ngôi miếu giờ được trùng tu lại khang trang. |
Không như những nơi khác, người dân Cổ Lũy sinh sống chủ yếu bằng 2 nghề là nghề buôn và nghề biển. Quanh năm lên đênh trên sóng nước phải đối mặt với vô vàn những hiểm nguy, điểm tựa duy nhất của họ là cầu mong sự che chở của các thế lực siêu nhiên để được bình an trước thiên tai và làm ăn phát đạt.
Người dân Cổ Lũy sống dựa vào nghề buôn và nghề chài lưới, quanh năm lênh đênh trên sông nước. |
Cụ Líu cho biết, trải qua nhiều cơn bão lớn nhỏ nhưng chưa có năm nào miếu Mãi Châu Thần Nữ bị hư hại do bão. Kể cả những ngôi nhà ở gần miếu cũng đều không bị ảnh hưởng nên người dân trong vùng rất tin tưởng vào sự linh thiêng của ngôi miếu và thường xuyên góp sức cùng bà Líu trông coi, chăm sóc.
Ở làng có không ít người vào Nam lập nghiệp bằng nghề buôn bán. Trước mỗi lúc đi xa, họ lại đến khấn xin Mãi Châu Thần Nữ phù hộ độ trì. Mỗi khi có dịp trở về quê nhà, những thương nhân ấy đều ghé đến miếu để thắp hương, cảm tạ và luôn sẵn lòng đóng góp tiền của tu bổ ngôi miếu cổ.
Tấm sắc phong cổ xưa vẫn còn lưu giữ trong miếu. |
"Mùa nối mùa, việc cúng tế tại miếu vẫn được duy trì không chỉ thể hiện khát khao về một cuộc sống yên bình, sung túc của người dân vùng cửa biển, mà còn là dịp để gắn kết tình cảm giữa người dân trong vùng lại với nhau" Ông MAI VĂN HOÀNG (70 tuổi), ở thôn Cổ Lũy Nam, xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi. |
Ngoài lễ cúng chính vào ngày vía Mãi Châu Thần Nữ 24/2 âm lịch hằng năm, dân làng còn chung tay sắm sửa, chuẩn bị mâm cỗ dâng cúng tổ nghề buôn bán vào ngày 25 tháng Chạp và những ngày rằm, mùng một. Bên cạnh đó, những người làm nghề biển nơi đây còn tổ chức lễ cúng Nam Hải đại tướng quân vào ngày 16/9 âm lịch để tạ ơn thần Nam Hải đã phò trợ cho những người đi biển được bình an trong suốt một năm qua.
Thoáng nhìn các bức tượng thờ trong miếu rồi đưa mắt về phía xa nơi con sông Phú Thọ đang dập dìu xuồng, ghe xuôi ngược, cụ bà Đỗ Thị Líu bộc bạch, tôi nay tuổi đã cao, công việc này rồi sẽ được trao truyền lại cho con cháu. Tôi chỉ hy vọng lớp trẻ sẽ tiếp tục kế thừa và trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống làng xã từ bao đời nay, bởi đó là cội nguồn của dân tộc…
AN HIÊN