(Báo Quảng Ngãi)- Nằm trong chuỗi các hoạt động tưởng niệm 50 năm ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị thảm sát (16.3.1968-16.3.2018), Sở VH-TT&DL sẽ tổ chức Tuần phim Sơn Mỹ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dự kiến, Tuần phim Sơn Mỹ diễn ra từ ngày 10-20.3.2018, gồm các bộ phim về đề tài chiến tranh như: “Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai”, “Thảm sát Mỹ Lai”, “Những bức thư từ Sơn Mỹ”... Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư, cho biết: Sở sẽ làm việc với Đài PT-TH tỉnh để phát sóng những bộ phim trên, nhằm giúp cán bộ và nhân dân trong tỉnh có dịp nhìn lại những mất mát to lớn của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Ngãi nói riêng trong chiến tranh; qua đó phát huy tinh thần yêu chuộng hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dâng hương tưởng nhớ các thường dân vô tội tại Tượng đài Sơn Mỹ. |
Bộ phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai” của đạo diễn Trần Văn Thủy thực hiện vào năm 1998. Bộ phim đã được giải thưởng Phim ngắn hay nhất tại Liên hoan Phim Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 43 tổ chức ở Thái Lan năm 1999 và đạt giải Bông sen bạc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Bộ phim nói về vụ thảm sát xảy ra tại Sơn Mỹ vào ngày 16.3.1968, khi quân đội Mỹ sát hại 504 dân thường trong vòng 4 giờ đồng hồ.
Qua đó, bộ phim gửi gắm thông điệp về ước vọng hòa bình, hàn gắn vết thương sau chiến tranh, rằng hãy khép lại quá khứ, để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Người chơi vĩ cầm chính là một cựu chiến binh Mỹ-Mike Boehm. Trong suốt 25 năm qua, cứ đến ngày 16.3, Mike Boehm lại về Sơn Mỹ với cây vĩ cầm quen thuộc, tiếng vĩ cầm ngân vang như tiếng lòng của cựu binh Mỹ với mong muốn truyền đi thông điệp hòa bình, hàn gắn nỗi đau chiến tranh...
Cùng với phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai”, bộ phim “Thảm sát Sơn Mỹ” chạm đến trái tim của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đây là bộ phim nói về câu chuyện của một trung đội Mỹ gây ra vụ thảm sát kinh hoàng tại Mỹ Lai. Bộ phim này được chuyển thể từ tác phẩm đoạt giải Pulitez của Seymour Hersh. Bộ phim cho thấy tội ác khủng khiếp của chiến tranh, nhắc lại để mỗi người biết yêu chuộng hòa bình.
Đến với bộ phim “Những bức thư từ Sơn Mỹ”, người xem cũng sẽ dễ dàng nhận thấy một cuộc hành trình đi tìm lại chính mình của William Calley, viên trung úy từng chỉ huy vụ thảm sát 504 thường dân vô tội. Trong suốt 40 năm, với William, đó là những năm tháng sống trong nỗi ám ảnh và dằn vặt, vì thế ông đã quyết định công khai xin lỗi về những gì mình đã gây ra.
Cuộc hành trình của William đã được đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Lê Dân cụ thể hóa thành “Những bức thư từ Sơn Mỹ”. Bộ phim này được khởi quay vào tháng 1.2010. Trong phim, nhân vật trung úy được đổi tên thành Peter Cage do Gerrard Saub, quốc tịch Pháp đang sống và làm việc tại Việt Nam, đảm nhận. Bộ phim được lấy cấu trúc từ những bức thư của viên cựu sĩ quan Mỹ đều đặn gửi từ Việt Nam về Mỹ kể lại với vợ những ấn tượng, tình huống xảy ra với ông khi trở lại Sơn Mỹ. Từ một nơi đổ nát, chứa đựng đầy sự oán than và mất mát, mảnh đất Sơn Mỹ vẫn mang trong nó những hạt mầm của sự hồi sinh cả về niềm tin và lòng vị tha.
Tấm lòng vị tha cao cả của người dân nơi đây dành cho Peter Cage đã đem lại cho người xem những suy nghĩ sâu sắc về lòng từ bi, niềm tin về sự phục thiện trong mỗi con người. Bộ phim khép lại với một kết thúc đẹp, đầy tính nhân văn và đó cũng là thông điệp mà nhân dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng muốn gửi gắm đến toàn thế giới về sự yêu chuộng hòa bình.
Bài, ảnh: DUY HÙNG