Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor - Tổng thể và những giá trị đặc trưng

10:04, 14/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là tựa đề cuốn sách của nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi vừa được xuất bản.

Cuốn sách “Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor- tổng thể và những giá trị đặc trưng”.
Cuốn sách “Văn hóa cổ truyền dân tộc Cor- tổng thể và những giá trị đặc trưng”.

Với nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, dường như những hình ảnh, nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Cor đã ăn sâu vào tâm trí của ông, với những nguồn tư liệu sống động, vô cùng quý giá. Những nét đẹp ấy trở nên gần gũi, bởi ông đã đi quá nhiều và cùng ăn, cùng ở với người đồng bào Cor.

Chính vì vậy, chúng ta không lấy làm lạ khi nhìn thấy tổng thể và những giá trị đặc trưng của văn hóa cổ truyền dân tộc Cor được ông khắc họa trong toàn bộ cuốn sách. “Trước đây, tôi đã in cuốn sách này một lần. Đến nay, tôi đã có nhiều chỉnh sửa cho phù hợp, để tiếp tục in cuốn sách lần


2. Đây là một trong hai công trình nghiên cứu mà tôi tâm đắc nhất từ trước đến nay”, nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư cho biết.

Phương pháp nghiên cứu của ông có những điểm khác so với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác, đó là ông đi vào tính tổng thể của dân tộc Cor. Ông nghiên cứu toàn bộ các mặt có mối quan hệ gắn kết với nhau, để rồi phát hiện ra những cái đặc trưng nhất của văn hóa dân tộc Cor, không thể trộn lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác. Hơn nữa, qua cách tiếp cận của ông đã giúp người đọc thấy được những lễ hội và lễ tục của người Cor có những sắc màu riêng đầy sức hấp dẫn, được ẩn chứa trong không gian dân dã và trong những hành động giản đơn, mộc mạc của lễ hội.

Trong cuốn sách này, ông đưa rất nhiều hình ảnh khác nhau thể hiện sự phong phú, đa dạng trong văn hóa cổ truyền dân tộc Cor. Đó là hình ảnh về các di vật của đại ngàn, là những hình ảnh tín ngưỡng như cây nêu, lễ hội đâm trâu hay hình ảnh đấu chiêng, các nhạc cụ chiêng, đàn k’đoh, đàn bró, trống...

Cuốn sách được chia làm 4 phần lớn. Phần đầu tiên “Chim plít giữa đại ngàn” giới thiệu một cách tổng quát về dân tộc Cor. Phần thứ hai, giới thiệu về cuộc mưu sinh và văn hóa vật chất, nhằm giới thiệu đến bạn đọc về cuộc sống săn bắt-hái lượm, chăn nuôi, trồng trọt, về ẩm thực, trang phục, trang sức cũng như nhà ở và cách tự vệ của người Cor...
 
Phần thứ 3 thiên về tâm linh, tinh thần, với những tín ngưỡng, tập tục và mạch sống tinh thần của đồng bào dân tộc Cor. Phần cuối cùng, tác giả đã nêu lên mối quan hệ giữa cổ truyền với hiện đại. Ở đó, ông đã nêu lên những giá trị cổ truyền cũng như những nhân tố mới xuất hiện. Ông Chư cho rằng: “Để bảo tồn và phát huy văn hóa cổ truyền dân tộc Cor, nên để cái hiện đại là cái “thêm vào”, không phải cái “thay thế”. Trong trường hợp bất khả kháng như việc dựng nhà trệt thay cho ngôi nhà chung như xlúp thì cần phải có giải pháp bảo tồn tương thích”.

Công trình nghiên cứu văn hóa cổ truyền dân tộc Cor là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, với sự đầu tư của tác giả trong thời gian khá dài. Đây sẽ là nền móng cho các công trình nghiên cứu tiếp theo về đồng bào dân tộc Cor. Đấy cũng là nguồn tư liệu quý giá giúp các nhà quản lý văn hóa bảo tồn và phát huy nền văn hóa cổ truyền của người Cor.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.