Giữ niềm đam mê đọc sách

02:06, 06/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời buổi hiện nay có được những người ham thích đọc sách thật đáng quý. Không ít bạn trẻ nói riêng, người Việt nói chung thờ ơ, lạnh nhạt, ít hoặc không có thói quen đọc sách. Dù vậy, vẫn có không ít những người trẻ vẫn giữ thói quen “mở sách mỗi ngày”. Tôi đã gặp và rất quý mến những con người như thế.

Đó là thầy Trần Đức Sơn, giáo viên dạy Văn, Trường THPT số 2 Mộ Đức. Tôi quen biết thầy Sơn từ khi thầy Sơn và tôi cùng học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ngày ấy, anh Sơn đã ham mê đọc sách ghê lắm. Xuống phòng anh chơi, lên trên thư viện, lúc nào tôi cũng thấy anh “bận rộn”, mải miết bên đống sách, vở, tài liệu...

Em Nguyễn Thị Đông Phương chụp ảnh  với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tại Lễ trao giải Cây bút tuổi hồng, năm 2015.
Em Nguyễn Thị Đông Phương chụp ảnh với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tại Lễ trao giải Cây bút tuổi hồng, năm 2015.

Đám sinh viên đồng hương chúng tôi thường gọi anh với biệt danh là “gã mọt sách”. Nhà nghèo, mỗi tháng gia đình chu cấp chỉ đủ tiền ăn, để thỏa niềm đam mê đọc sách của mình, Sơn thường nhịn ăn sáng, tiết kiệm chút tiền, tìm đến những tiệm sách cũ, giá rẻ. Cho bạn mượn sách, bạn làm mất sách, Sơn không đòi bạn mua đền, nhưng trong lòng rất buồn vì tiếc mất sách hay...
 

“Trong quá trình dạy học ở trường, lớp, tôi hay định hướng, khơi gợi cho học sinh mình biết về giá trị của sách, niềm vui cũng như sự cần thiết của việc đọc sách. Thực trạng lười đọc sách của giới trẻ hôm nay thật đáng báo động. Tôi và một thầy giáo khác đang ấp ủ dự định thành lập câu lạc bộ đọc sách ở khu vực này để các em thanh thiếu niên có thêm sân chơi bổ ích”.
Giáo viên Trần Đức Sơn- Trường THPT số 2 Mộ Đức.

Kể từ năm 1997 đến nay, về công tác tại Trường THPT số 2 Mộ Đức, thầy giáo Trần Đức Sơn chưa bao giờ vơi cạn hứng thú, đam mê đọc sách của mình. Loại sách mà thầy Sơn yêu thích nhất là sách văn học, sách của những cây bút trẻ đương đại. Tháng nào, thầy cũng dành tiền lương để mua sách. Ngày nào, thầy không đọc được 5-7 trang sách là trong người thấy thiêu thiếu cái gì đó. Tủ sách của thầy (khu dân cư số 3, thị trấn Sông Vệ) hiện có trên 500 đầu sách các loại, từ lâu đã trở thành một trong những “gia tài” quý giá nhất đối với cuộc đời thầy.  Nhờ đọc sách nhiều, thầy Sơn có vốn kiến thức, hiểu biết sâu rộng, một người thầy dạy tốt, được các thế hệ học trò Mộ Đức quý mến. Ngoài ra, thầy Sơn còn có đam mê và khả năng sáng tác văn học, 25 năm qua, thầy có hàng trăm tác phẩm về thơ ca, truyện ngắn được đăng trên báo, tạp chí địa phương và trung ương.

Tôi cũng đã gặp và ấn tượng với niềm đam mê đọc sách của em Nguyễn Thị Đông Phương, học sinh lớp 9D6, Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi). Hồi nhỏ, Phương đã mê đọc truyện tranh. Mỗi lần ba Phương đi công tác về, biết được đam mê của con gái, liền mua rất nhiều truyện tranh, Phương đọc ngấu nghiến. Lên cấp 2, em lại thích đọc các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi. Hết mua, lại mượn của bạn bè, của thư viện.

Anh Nguyễn Trọng Nguyễn, phụ huynh của em Phương cho biết: Nói thật, thấy cháu ham đọc sách quá, quên cả ăn, cả ngủ, vợ chồng đâm lo, nhiều lúc còn la rầy cháu vì cái “tội” ấy. Cháu học giỏi đều, giỏi nhất là môn Ngữ văn. Sợ con gái “khổ” vì mê văn nên chúng tôi có định hướng cháu học tiếng Anh, thi chuyên tiếng Anh, Trường Chuyên Lê Khiết mà bản thân cháu cũng thích. Cháu đọc và sáng tác đều đều, đến nay cháu có được mấy chục mẩu truyện ngắn in trên báo Thiếu niên tiền phong. Nhà xuất Kim Đồng chuẩn bị cuốn tuyển tập truyện thiếu nhi nhiều tác giả, trong đó có tác phẩm của cháu.


Những "con mọt sách" như thầy Trần Đức Sơn hay em Đông Phương là tấm gương đẹp để khuyến khích mọi người, nhất là giới trẻ hình thành thói quen đam mê đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, để văn hóa đọc thoát khỏi cảnh “phiên chợ chiều” như hiện nay.
 

Bài, ảnh: TẤN NGỌC

 


.