Truyền nhân hát bả trạo ở vạn cù lao Mỹ Tân

10:02, 20/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hát bả trạo tại vạn cù lao Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn trong lễ hội cầu ngư vào đầu tháng Giêng âm lịch, hay vào dịp tháng 6 âm lịch (cúng thần cầu an) có từ lâu đời, luôn để lại ấn tượng sâu nặng trong lòng người. Nội dung lời hát, cách trình diễn đã lột tả một cách thống thiết nghề lao động trên biển khơi thường xuyên đối mặt với phong ba.

TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Văn Đồng, năm nay đã 70 tuổi, là truyền nhân có công sưu tầm, biên soạn hoàn chỉnh, tập dượt cho đội bả trạo ở vạn cù lao. Ông Đồng cho biết, trước đây có nhiều người hát, làn điệu thì theo sắc thái chung, nhưng lời hát và cách dàn dựng trình diễn thì có khác nhau theo ý tưởng của mỗi người. Nung nấu tình cảm quê hương và lòng đam mê nghệ thuật đã thôi thúc ông sưu tầm lời hát truyền khẩu trong vùng từ các vị cao niên. Cùng với thực tế ông được nghe hát, xem trình diễn và tham gia hát phụ trong đội trước đây, nay ông đã hoàn chỉnh được nội dung hát bả trạo từ bài dâng hương thần đến lời hát cho ba tổng: Mũi, giữa và lái.

 

Ông Lê Văn Đồng, truyền nhân hát Bá trạo vạn cù lao Mỹ Tân.
Ông Lê Văn Đồng, truyền nhân hát Bá trạo vạn cù lao Mỹ Tân.


Tiết mục hát bả trạo chia làm 3 phần chính. Phần một, lời hát mô tả cảnh ra khơi đánh cá, lòng ngư dân mơ ước trời yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền: “Mái chèo khi nhặt khi lơi/ Trăng thanh gió mát thảnh thơi mái chèo/ Quyết tâm lao động đỡ nghèo/ Thuận buồm xuôi gió mấy lèo ấm êm/( Hò đưa )...”. Phần hai, nội dung diễn tả cảnh cá đầy thuyền, trời đang yên ả, mọi người chuẩn bị quay vào bờ lòng đầy vui sướng. Tổng lái hát ngơi: “Trời thanh biển lặng gió hòa/ Được đầy ắp cá thuyền ta đi vào/(Hò đưa)/ Hai buồm ta bỏ sang cào/ Gió đông nhè nhẹ sóng xao êm đềm/(Hò đưa). Tổng giữa hát tiếp, lúc này trời có phần trở gió: “Trời đà sắp ngã về đêm/ Nhìn vào thấy núi anh em ta vui lòng/(Hò đưa)/ Hiền nhiên phân phát gió trong/ Chèo gai bắt sóng sớm mong vào bờ/(Hò đưa)/Nước xanh biên biếc xa vời/ Vái trời thuận gió về nơi quê nhà/ (Hò đưa)/”. Thời tiết đã thay đổi hẳn, tổng mũi hát “Bớ anh tổng lái ơi!/ (Thưa có tôi đây)/ Lạ quá! Lạ thay bốn phương trời/ Bây giờ mây đen mờ mịt/ Anh nhìn lên phương bắc xem sao/. Và rồi thiên tai đã đến thật sự, tổng lái hát ai: “.../Day lên lựng bổ trắng lăn/ Sóng thần vây phủ một phen kinh hoàng/(Hò đưa)/...”.
 

Hát bá trạo ở vạn cù lao Mỹ Tân mang đậm sắc thái văn hóa dân gian làng biển của người Việt, giai điệu và cách trình diễn phong phú, giàu tình cảm quê hương, mang tính tri ân sâu sắc. Ông Lê Văn Đồng là truyền nhân có công rất lớn cùng với đội hát bá trạo đã gìn giữ và tôn vinh một nét đẹp văn hóa phi vật thể quê hương.

Tiếp theo là cuộc vật lộn của người trên thuyền với gió mưa và sóng. Trong lúc lâm nguy đoàn ngư dân chỉ biết kêu cứu với thần Nam Hải: “Nhỏ thuyền gió lớn sóng thần/ Nhờ ngài cứu hộ con dân giữa dòng/(Hò đưa)/ Lưng đau gối mỏi rã rời/ Ơ anh em ta ráng tát nước, vái Trời mà kêu Ông /(Hò đưa)... Phần 3, sự hiện diện của thần Nam Hải, trời bớt gió, thuyền được nâng đưa vào bờ an toàn. Tổng mũi hát: “.../Thuyền nan gặp sóng ba đào/ Kêu Ngài, Ngài đã dựa vào cứu dân/(Hò đưa)/... Tổng lái hát: “…Ông đưa cho tới chân gành/ Thuyền vô khỏi cửa Ông đành ra khơi/(Hò đưa). Tổng lái hát tiếp: “Bớ bá trạo./(Dạ)/ Ngưng tay chèo để tưởng niệm thần linh đó nghe…/(Dạ). Cuối cùng là 3 tổng đồng hát: “Gặp khi sóng gió ba đào/ Kêu Ngài, Ngài đã dựa vào cứu dân/(Hò đưa)/ Xa khơi rút ngắn đường gần/ Phép màu biến hóa của thần biết bao /Hò đưa)/...

Ngoài đặt lời hát hoàn chỉnh, ông Đồng còn dày công tập luyện cho 3 tổng hát, tổng lái là ông Lâm Quang Nhơn (57 tuổi), tổng giữa là ông Trần Đình Lên (54 tuổi), tổng mũi là ông Nguyễn Lâm Phương 59 tuổi. Đội chèo gồm 24 người, mặc trang phục màu xanh nước biển đậm, thắt lưng đai, cầm chèo làm động tác nhịp nhàng như chèo thuyền trên biển, khi nhặt khi khoan và hát “hò đưa, hố rị hay dạ” sau lời hát của các tổng. Toàn cảnh hát và động tác của đội chèo diễn tả cảnh lao động chèo thuyền và vượt phong ba sóng dữ. Ngoài ra còn có đội gươm cũng 24 người mặc trang phục màu xanh dương, dây lưng đai, tay cầm gươm làm động tác nhịp nhàng theo lời hát, vừa có ý nghĩa hầu thần trang nghiêm, vừa diễn ta hình ảnh bảo vệ giang sơn, biển đảo.

BÙI VĂN TẠO


 


.