Truyền thanh cơ sở: Còn bộn bề gian khó

08:09, 05/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Với lợi thế nhanh nhạy, kịp thời, ít tốn kém, hệ thống truyền thanh cơ sở giữ vai trò rất quan trọng trong truyền tải đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân. Ở địa bàn các xã miền núi và hải đảo, truyền thanh cơ sở còn là cầu nối giữa chính quyền với người dân. Tuy nhiên, hiện nay, do thiếu kinh phí tu bổ, phân nửa đài truyền thanh cơ sở đều đã hư hỏng, xuống cấp…

Hư hỏng, xuống cấp

Bình quân mỗi ngày, đài truyền thanh (TT) xã, phường, thị trấn thực hiện truyền thanh cả ba buổi sáng, trưa và chiều. Ngoài việc tiếp âm chương trình Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, mỗi ngày đài TT xã, phường, thị trấn còn phát sóng chương trình thời sự địa phương do đài TT huyện biên soạn, phản ánh tình hình thời sự, chính trị ở địa phương; kịp thời đưa tin các sự kiện nổi bật và các vấn đề phát sinh trong đời sống hằng ngày trên địa bàn huyện.

Hệ thống loa tại đài truyền thanh các xã bị hư hỏng, nhưng thiếu kinh phí sửa chữa, thay mới.
Hệ thống loa tại đài truyền thanh các xã bị hư hỏng, nhưng thiếu kinh phí sửa chữa, thay mới.


Nhờ hệ thống đài TT cơ sở, mà những thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như các thông báo về tình hình lụt bão, lịch thời vụ, dịch bệnh…đến với người dân một cách nhanh chóng nhất. Tuy có nhiều lợi ích thiết thực, nhưng hiện nay cơ sở vật chất của các đài TT cơ sở đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công tác thông tin.

Trong số 176 đài TT cơ sở đang hoạt động tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, hiện có đến 87 đài hư hỏng. Trong đó, 65 đài là có thể sửa chữa, nâng cấp, còn lại đều phải thay mới. Mặt khác, các đài đang hoạt động do có “tuổi thọ” gần 20 năm, nên máy móc thiết bị đều đã lạc hậu và không theo kịp công nghệ. Đơn cử như, theo quy định của Bộ TT&TT, các đài TT cơ sở phải hoạt động trong băng tần 54 - 68MHz, thì hiện tại, phần lớn các đài TT trên địa bàn tỉnh đều hoạt động trong băng tần 87 - 108 MHz. Không còn phù hợp với quy định. Thế nhưng vì kinh phí thay mới trang thiết bị dao động từ 150 - 350 triệu đồng, nên phần lớn các xã, phường, thị trấn đều không có nguồn đầu tư.

Không chỉ kinh phí thay mới trang thiết bị, mà ngay cả kinh phí sửa chữa những hư hỏng hàng ngày, các đài TT xã, phường, thị trấn cũng thiếu. Theo ông Nguyễn Đại Thanh- Trưởng Đài TT huyện Minh Long, mỗi năm, một đài TT xã chỉ được cấp 11 triệu đồng để hoạt động. Với số tiền ít ỏi như thế, ngay cả khi bộ thu của cụm loa hư hỏng, đài TT xã cũng khó có nguồn kinh phí để sửa chữa.

Có đề án, nhưng kinh phí “nhỏ giọt”

Với thực trạng máy móc thiết bị của đài TT cơ sở đều lạc hậu, không theo kịp công nghệ, Đề án “Tăng cường, củng cố, phát triển hệ thống truyền thanh cơ sở tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020” được kỳ vọng là giải pháp vực dậy hệ thống đài TT cơ sở, đưa đài TT phát triển theo hướng chuyên nghiệp... Bởi theo đề án, từ nay đến năm 2020,  sẽ tập trung đầu tư nâng cấp, lắp đặt mới cho hệ thống đài TT cơ sở trên địa bàn tỉnh, đảm bảo 100% số xã có đài theo công nghệ đài TT không dây hiện đại, đúng theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg của Chính phủ. Trong đó, giai đoạn 2014 - 2016 sẽ ưu tiên đầu tư 29 đài TT tại những khu vực chưa có đài TT hoặc đã hư hỏng nặng, đặc biệt là các xã khó khăn ở miền núi, hải đảo và nâng cấp 65 đài TT cơ sở các xã thường xuyên hư hỏng, hoạt động chất lượng thấp với kinh phí thực hiện là 22,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Trần Cao Tánh - Phó Giám đốc Sở TT&TT: “Mặc dù đề án đã chia từng giai đoạn thực hiện cụ thể và có kinh phí rõ ràng, nhưng hàng năm, Sở TT&TT chỉ được cấp khoảng vài trăm triệu đồng, nên rất khó để có thể tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống truyền thanh cơ sở”.

Bài, ảnh: Ý THU
 


.