Niềm vui lan tỏa muôn nơi

08:07, 09/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, niềm vui lan tỏa khắp muôn nơi khi văn hóa đi vào cuộc sống, trở thành động lực và mục tiêu phấn đấu của người người, nhà nhà, của từng cơ quan, đơn vị trên khắp địa bàn tỉnh.

Từ xã văn hóa đầu tiên…  

Về xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) ai nấy cũng đều trầm trồ trước sự phát triển mạnh mẽ của địa phương ở khá xa trung tâm tỉnh, huyện. Khi chúng tôi đến trường mầm non, một đồng nghiệp có vẻ ngỡ ngàng, bảo: “Trẻ con ở đây thật may mắn, ở quê nhưng được học trong ngôi trường bán trú khang trang”. Nghe thế, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm Trương Văn Lệ hồ hởi nói: “Trường học ở cả 3 cấp từ mầm non đến THCS đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong đó trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đầu tiên trong hệ thống trường mầm non của tỉnh”.

Lãnh đạo tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).


Nghĩa Lâm cũng là xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đầu tiên. Là địa phương ở “vùng sâu, vùng xa”, song xã Nghĩa Lâm có lắm thành tích thuộc hàng đầu tiên. Đặc biệt, Nghĩa Lâm là xã đạt chuẩn văn hóa đầu tiên của tỉnh, vào năm 2006. Cụ ông Lê Trung Kỳ (77 tuổi, nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Nghĩa Lâm, người có công đầu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa của xã) nói: Chủ trương xây dựng và phát triển đời sống văn hóa của Đảng ta rất thiết thực, có ích cho dân. Tôi cứ băn khoăn người dân có của ăn của để nhưng đời sống tinh thần có nhiều điều đáng lo, thế nên phải quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa”. Nhờ đâu Nghĩa Lâm lại vươn lên dẫn đầu trong xây dựng đời sống văn hóa? Điều này khiến không ít người tự hỏi và lời giải đáp cho câu hỏi ấy chính là động lực, là quyết tâm một thời của cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Lâm.

Ngày xã Nghĩa Lâm triển khai xây dựng xã văn hóa, cụ Kỳ là Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã. Cụ Kỳ bảo: “Cán bộ, đảng viên phải hiểu tầm quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa, sau đó triển khai để nhân dân thông suốt. Giải quyết tư tưởng rồi mới đi đến hành động. Sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân được phát huy. Ngày ấy, đi đến đâu cũng nghe dân nói đến chuyện… văn hóa”. Quê hương Nghĩa Lâm đổi thay thật sự, không bệnh thành tích, không chạy theo phong trào, nền tảng tinh thần được xây dựng vững chắc trong mỗi nếp nhà, mỗi thôn xóm. “Toàn xã có khoảng 87% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 70% tuyến đường được bêtông… Nhờ xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc nên Nghĩa Lâm có nhiều thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay xã đã đạt 14/19 tiêu chí xã nông thôn mới, phấn đấu năm 2015 hoàn thành 19 tiêu chí”, ông Trương Văn Lệ nói.

Hướng đến mục tiêu phát triển văn hóa   

Trong suốt chặng đường 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), tư tưởng “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội” dần thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân. Ông Cao Văn Chư-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhận định: “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở tỉnh ta ngày càng phát triển sâu rộng. Nhân dân tích cực gìn giữ nét đẹp truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội”. Từ xã văn hóa đầu tiên là xã Nghĩa Lâm, đến nay toàn tỉnh có 23/184 xã văn hóa; trên 30% số xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, có 72,7% khối phố, 79,4% gia đình, 90,5% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Các thiết chế văn hóa ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang.

Sự đoàn kết, nhất trí của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa đã giúp trẻ em ở Nghĩa Lâm có trường học khang trang, sạch đẹp.
Sự đoàn kết, nhất trí của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa đã giúp trẻ em ở Nghĩa Lâm có trường học khang trang, sạch đẹp.


Xây dựng nhân cách con người Việt Nam là nhiệm vụ cốt lõi trong thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa. Các phong trào thi đua yêu nước được các sở, ban, ngành, địa phương và toàn dân đẩy mạnh thực hiện, góp phần đáng kể trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Từ việc “thấm sâu” tư tưởng xây dựng và phát triển văn hóa của dân tộc, nhiều người dân đã nỗ lực gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần nuôi dưỡng nhân cách, tâm hồn của thế hệ trẻ. Là một trong những người đóng góp nhiều công sức gìn giữ nghệ thuật bài chòi, hát hố ở Quảng Ngãi, ông Trịnh Công Sơn (60 tuổi, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố), bộc bạch: “Hát hố, bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc nhưng đang trên đà mai một. Đây là cái hồn, là nét đẹp văn hóa của quê hương nên phải ra sức gìn giữ”. Nặng tình với hát hố, bài chòi, ông Trịnh Công Sơn đã cất công lưu giữ, dàn dựng nhiều tiết mục và trực tiếp đến nhiều trường học, địa phương trong tỉnh để giảng dạy và “thổi” niềm đam mê vào trong học sinh, trong các tầng lớp nhân dân.   

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước chính là nội dung của Nghị quyết vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI). Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính lâu dài, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.  


Phương Lý
 


.