Tết Đoan Ngọ của ngày thơ bé

09:06, 22/06/2012
.

(QNg)- Khi còn thơ bé, hằng năm đến ngày "Mùng 5", ông tôi- một nhà nho có tiếng cho hay, theo sách xưa thì Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. Đoan (mở đầu), Ngọ (giữa trưa), còn Dương (mặt trời) là khí dương. Tức là bắt đầu từ giữa trưa, lúc khí dương đang thịnh (mùng  5 -  tháng 5 âm lịch).  

"Theo truyền thuyết, cách đây hơn 2000 năm, tại nước Sở, có vị quan Tả phù là Khuất Nguyên (340 - 278 TCN) bị Sở Hoài Vương cách chức xuống làm thứ dân về quê sinh sống… Một ngày kia, Khuất Nguyên dậy sớm, ôm một hòn đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch). Hôm ấy, người trong làng đem ghe ra cứu nhưng không được bèn làm bánh nếp có góc (bánh tro) ném xuống sông để tế…''- Ông tôi cho biết.

v
Bánh tro cúng Tết Đoan Ngọ.


Lớn lên cùng năm tháng, tôi được biết, trong ngày Tết Đoan Ngọ, ngoài việc cúng lễ, người Việt có nhiều tục lệ như giết sâu bọ, khảo cây lấy quả, treo ngải cứu để trừ tà, đeo bùa… Song nhiều người thực hiện nhất, là tục giết sâu bọ. Theo quan niệm xưa, bộ phận tiêu hoá của con người, qua một năm ăn, uống nên bị nhiễm "sâu bọ". Nếu không diệt trừ, sẽ gây bệnh hoạn cho con người và vào ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch) là chúng ngoi lên.

Người ta có thể giết chúng bằng cơm, rượu nếp, chè đỗ đen và hoa quả. Sáng sớm ngày mùng 5 tháng 5, sau khi thức dậy, súc miệng đánh răng xong là phải giết sâu bọ ngay. Ăn ít nhất là bát rượu nếp, sau đó ăn 1 cốc chè đỗ đen, rồi ăn các loại trái cây… Bánh tro là loại bánh không thể thiếu trong ngày mùng 5, bánh tro được nấu từ nếp, nhưng qua các công đoạn chế biến, và gói bằng lá đót (lá chít), khi bóc lá ra, bánh có màu vàng hổ phách rất đẹp, chấm với đường cát, ăn dòn, mát trong miệng, có mùi thơm đặc trưng.

Đặc biệt, phổ biến ở vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi có tục uống lá "mùng năm". Lá "mùng năm" được cắt trước tết khoảng một tuần ở ven rừng, rú, bờ rào… như các loại lá, dây lá dằn, cỏ xướt, tía tô, ngũ gia bì… đem phơi khô hoặc mua ngoài chợ. Chợ quê,  trước mùng năm khoảng 15 ngày, đã có người bán lá "mùng năm". Vào thời điểm nầy ở quê tôi có nhiều người đi cắt lá "mùng năm" về bán và để dành uống. Nước lá mùng năm có màu vàng đậm, rất thơm, vì đa số cây lá chứa nhiều tinh dầu. Có thể, ngày mùng năm ăn nhiều thứ, nên các lá mùng năm uống vào để dễ tiêu, chống no hơi sình bụng.

Hồi còn bé, lúc mặt trời đứng bóng vào trưa mùng 5 cha tôi đem ra giữa sân một cái thau, sau đó bắt một con thằn lằn thả vào chậu, thằn lằn bơi vài vòng rồi thả ra, lấy khăn nhúng nước lau mắt, mặt. Cha tôi nói, làm như vậy để "sáng mắt"? Không biết loại thằn lằn nó có giác quan thứ 6 không, nhưng vào ngày mùng 5 rất khó bắt, chúng đều đi trốn cả. Để có thằn lằn người ta bắt trước mùng năm khoảng vài ngày. Tuy nhiên, có người nói rằng: làm như vậy mất thiêng? Ngoài ra, có một loại hoa, nở bung ra như pháo hoa, mỗi năm chỉ nở 1 lần vào dịp tết Đoan Ngọ, nên có người đặt cho cái tên là hoa Đoan Ngọ, hoa Khuất Nguyên.

Ngày nay, cứ đến tết Đoan Ngọ, chúng tôi lại nhớ đến bánh tro, chè ngọt, uống lá "mùng năm". Nhìn trên bàn thờ, khói hương nghi ngút, di ảnh của ông bà, cha, mẹ tôi "đang nhìn" anh em chúng tôi một cách trìu mến. Lòng chúng tôi bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu, được sống ấm êm dưới mái gia đình, nhớ nhất là trong dịp Tết Đoan Ngọ nơi miền quê xứ Quảng với những con thằn lằn "đứt đuôi" lội nước trong thau.

Hòa Vang
 


.