Đừng để học sinh mặc cảm

10:12, 17/12/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- “Đừng bao giờ nói bạn mình là dốt.” Một phụ huynh đã nghiêm khắc nhắc nhở con mình như vậy, khi đứa bé học tiểu học chê bạn mình là dốt. Tôi nghe câu chuyện và hết sức tán đồng với cách dạy con của vị phụ huynh này.
 
Mỗi đứa trẻ đều có đầu óc của mình, có thế mạnh tư duy có thể còn tiềm ẩn của mình. Khi người lớn khuyến khích đúng vào “điểm sáng” của đứa trẻ, của học trò, các em sẽ hứng khởi, khơi được năng lượng và sẽ phát triển. Tại sao các trường đại học ở Mỹ lại sẵn sàng nhận những học sinh có năng khiếu thể thao vào học trường mình, không quan tâm nhiều đến học bạ của các em đó. Vì họ biết, mỗi con người đều có thế mạnh của riêng mình, nếu nhà trường khuyến khích, tạo điều kiện, các em sẽ phát huy được những thế mạnh đó. Thể thao cũng là nơi chứng minh tài năng của con người, nếu ai có năng khiếu, rất cần được phát triển. Học các môn khác nhau cũng vậy. Không ai giỏi đều tất cả các môn học. Thường học sinh có thể học tốt môn này, học bình thường môn khác. Nhưng nếu thầy cô giáo nhìn ra được những môn học tốt của học sinh, khuyến khích dạy bảo thêm cho các em, thì sẽ có những học sinh giỏi ở từng môn học khác nhau.
 
Ngày tôi học phổ thông, do tôi đọc sách nhiều từ nhỏ nên môn Văn tôi học khá, còn một số môn khác chỉ học bình thường. Nếu đánh giá tôi là học sinh trung bình cũng được. Nhưng nếu thầy cô thấy tôi có năng khiếu về môn Văn, khuyến khích tôi, tạo cơ hội cho tôi vươn lên ở môn học này, thì chắc sẽ có một học sinh bây giờ chúng ta gọi là giỏi văn. Ngày tôi được chọn vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi rất vui mừng vì nghĩ mình sẽ học được, thậm chí học tốt khoa Văn này. Đúng là như thế. Còn nếu được chọn vào trường khác, với những môn học khác mà mình không giỏi, tình thế sẽ khác rất nhiều. Tôi có thể chỉ là một sinh viên trung bình, có thể tốt nghiệp nhưng không thể là sinh viên giỏi. Và khi ra trường làm một nghề gì đó, chắc cũng không thể là một người giỏi nghề.
 
Vì thế, hồi trước học sinh hay nói “Học tài, thi phận” là vì học tốt môn này, nhưng lại thi môn khác mà mình học không giỏi, mình thiếu tự tin, thì “thi phận” là chắc chắn rồi.
 
Còn học sinh khi bị người lớn, bị thầy cô chê kết quả học không tốt thì không chỉ làm các em mặc cảm, mà còn bị “chấn thương” tâm lý, nói như một thầy giáo hiểu biết, khi thầy nêu ra một so sánh, thì “điều này giống như sợi dây buộc chân con voi lúc nhỏ, để khi lớn lên nó vẫn không dám vùng thoát khỏi sợi dây đó dù dư sức. Những định kiến, sự thao túng tâm lý từ nhỏ của người lớn, của thầy, cô sẽ khiến “con voi” trong học trò trở nên e sợ, nhút nhát và yếu ớt”.
 
Tôi vô cùng cảm kích khi đọc bài viết của người thầy này, hiện đang dạy học ở tỉnh Lâm Đồng. Hiểu học sinh của mình như thế là đã hiểu đúng thực chất của vấn đề. Giáo dục chính là làm cho mọi học sinh đều có cơ hội phát triển khác nhau, nhưng đó vẫn là những phát triển tích cực. Ngay những thiên tài thì cũng là thiên tài về một lĩnh vực nào đó, chứ không phải thiên tài toàn diện cơ mà! Huống chi là những người bình thường. Một công nhân, chỉ cần thành thạo nghề chính của mình, là đã đóng góp tốt cho xã hội rồi. Giáo dục học sinh là hướng tới mục đích giúp tất cả học sinh đều trở thành người có thể đóng góp cho xã hội tốt nhất ở nghề nghiệp mà mình thành thạo nhất, có thể sáng tạo được nhiều nhất khi hành nghề ấy.
 
Đừng bao giờ làm học sinh mặc cảm, nhút nhát, e sợ. Đó là điều cần thực hiện trong giáo dục.
 
THANH THẢO
 

.