(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 2 các trường triển khai dạy các môn tích hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Các môn học này sẽ thay cho các môn truyền thống trước đây là Lịch sử, Địa lý (Khoa học xã hội), Hóa học, Sinh học, Vật lý (Khoa học tự nhiên). Mặc dù các trường đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, song vẫn còn không ít khó khăn.
[links()]
Mỗi nơi dạy một kiểu
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, môn Khoa học xã hội (KHXH) gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý. Mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng. Môn Khoa học tự nhiên (KHTN) bao gồm các phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Tại Quảng Ngãi, các trường THCS vẫn đang phải dạy các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng lẻ đơn môn trước đây; đồng thời bố trí 2 - 3 giáo viên (GV) cùng đảm nhiệm. Không chỉ có GV dạy theo phân môn, mà học sinh cũng phải chuẩn bị vở, các yêu cầu riêng theo từng đơn môn. Do đó, hầu hết học sinh vẫn chưa có ý thức đó là môn học tích hợp, mà xem đó là 3 môn học riêng lẻ. Còn các GV dạy phân môn trong môn tích hợp sẽ phải phối hợp với nhau để dạy cùng một môn sao cho hợp lý.
Giáo viên dạy phân môn Sinh học lớp 6 tại Trường THCS Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi). |
Theo Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) Võ Thành Nho, việc phân công GV các phân môn của môn KHTN dạy song song sẽ thuận tiện hơn. Trường phân công những GV được đào tạo Hóa - Sinh đảm nhận dạy 2 phân môn Hóa học và Sinh học. Những chủ đề mang tích tích hợp thì phân công GV có năng lực tốt đảm nhiệm. Đối với môn tích hợp, nhà trường định lượng tỷ lệ phần trăm của từng môn để quy ra số tiết.
Nếu như các trường THCS trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa dạy và học các phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học của môn KHTN theo hình thức song song, thì một số nơi khác dạy theo hình thức cuốn chiếu. Thầy giáo Phạm Văn Phương, dạy môn Hóa học, Trường THCS Nguyễn Tự Tân (Bình Sơn) cho biết, năm học trước, nhà trường phân công GV các phân môn của bộ môn KHTN dạy học song song, nghĩa là trong một tuần, các em được học các phân môn cùng lúc. Năm học này, trường dạy theo hình thức cuốn chiếu, tức là một phân môn sẽ được dạy trước cho đến khi kết thúc nội dung chương trình, sau đó, trường phân công GV của phân môn tiếp theo giảng dạy.
Nhà trường gặp khó
Theo các nhà quản lý giáo dục, việc phân công GV dạy các môn tích hợp liên môn theo hình thức song song hay cuốn chiếu đều gặp những khó khăn nhất định. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tự Tân Phạm Thị Minh Cẩm cho biết, nhà trường đang gặp khó khi triển khai dạy học môn tích hợp ở khối lớp 6 và 7. Bởi vì, đây là nội dung đòi hỏi GV phải được đào tạo liên môn, nhưng hầu hết GV chỉ được đào tạo và giảng dạy đơn môn. Do đó, trường phải bố trí nhiều GV cùng tham gia dạy môn tích hợp liên môn. Việc kiểm tra, đánh giá đối với môn KHTN cũng phức tạp hơn, khi một bài kiểm tra nhưng 3 GV phải cùng xây dựng đề, phân chia tỷ lệ câu hỏi cho từng phân môn tương ứng với lượng kiến thức các em đã học. Sau đó, cả 3 GV cùng tham gia chấm bài và thống nhất điểm.
Giáo viên và học sinh Trường THCS Nguyễn Tự Tân (Bình Sơn) trong giờ học. |
Thầy giáo Phạm Văn Phương cho rằng, việc dạy học theo hình thức cuốn chiếu sẽ giúp học sinh tiếp thu kiến thức của môn học được liền mạch hơn. Tuy nhiên, hình thức này cũng gây nhàm chán cho học sinh, vì phải học dồn kiến thức một môn trong cả tuần và kéo dài đến khi hết thời lượng của môn học đó. Như môn KHTN có 4 tiết/tuần và cả 4 tiết này các em phải học một phân môn. Sau đó, các em sẽ học phân môn tiếp theo từ 1 - 2 tháng.
Giao quyền tự chủ cho các trường
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, Sở GD&ĐT đã có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến các đơn vị, cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chương trình mới được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường căn cứ điều kiện thực tế về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đội ngũ GV để chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch dạy các môn học, bảo đảm tính khoa học, tránh gây áp lực cho cả GV và học sinh.
|
Bài, ảnh:
TR.PHƯƠNG