Để học sinh học trực tuyến hiệu quả, an toàn

03:11, 08/11/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 1 tháng triển khai dạy và học trực tuyến, học sinh (HS) đã quen dần với việc học qua truyền hình, Internet. Các bậc phụ huynh không còn bỡ ngỡ trong việc hỗ trợ con cái học tập. Tuy nhiên, một số vụ việc đáng tiếc xảy ra gần đây ở một số địa phương ngoài tỉnh đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
[links()]
 
Phụ huynh "học" cùng con
 
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Lệ, ở tổ 7, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), có 2 con (lớp 5 và lớp 1) học tại Trường Tiểu học Chánh Lộ. Chị Lệ đã sắp xếp góc học tập riêng và đầu tư máy, thiết bị đáp ứng việc học của con. Học trực tuyến rất khó khăn đối với những HS lớp 1. Vì các em đang quen với hoạt động chơi ở trường mầm non, thì nay phải chú tâm học tập. Các em phải ngồi hàng giờ trước màn hình máy tính với cô giáo mới, bạn bè mới. Thấu hiểu điều đó, chị Lệ đã sắp xếp thời gian ngồi bên cạnh con trong mỗi buổi học, nghe hướng dẫn của cô giáo và uốn nắn lại từng nét chữ, chỉnh từng tư thế ngồi cho con. Còn đối với cháu lớn thì vợ chồng chị Lệ để cháu tự học, tập tính tự lập trong việc học. 
 
Chị Nguyễn Thị Kim Lệ, tổ 7, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cùng con học trực tuyến.
Chị Nguyễn Thị Kim Lệ, tổ 7, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cùng con học trực tuyến.
Còn chị Nguyễn Thị Chi, có con học lớp 2, Trường Tiểu học Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) bộc bạch, học trực tuyến tương đối thuận lợi đối với những HS mạnh dạn, có khả năng tiếp thu bài tốt. Còn những trẻ chậm tiếp thu có những trở ngại nhất định. Vì vậy, các con cần có sự hỗ trợ rất lớn từ phía phụ huynh.
 
Con trai chị Chi học trực tuyến vào buổi sáng các ngày trong tuần. Hằng ngày, ba và bà nội của cháu phải thay phiên nhau hỗ trợ cháu học tập, nhất là xử lý các sự cố về đường truyền Internet. Buổi tối, chị Chi hỗ trợ con ôn lại bài và chuẩn bị bài cho ngày học hôm sau.
 
Trong thời gian các con tham gia học trực tuyến, phụ huynh sẽ tương tác với giáo viên (GV) nhiều hơn thông qua nhóm Zalo, điện thoại. Phụ huynh chủ động vào nhóm zalo của lớp để tải bài tập về cho con làm. Sự kết hợp chặt chẽ giữa phụ huynh với GV đã góp phần việc tạo  môi trương học tốt nhất cho HS.
 
Giúp học sinh an toàn
 
Trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có thể sắp xếp thời gian, công việc để hỗ trợ con. Vì vậy, các sự cố xảy ra liên quan đến HS thời gian gần đây  ở một số địa phương ngoài tỉnh khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Như vụ việc HS lớp 5 tại Nghệ An tử vong do chiếc điện thoại bất ngờ phát nổ khi vừa sạc pin vừa học; hay một HS lớp 5 tại Hà Nội bị điện giật tử vong khi học trực tuyến. Đó là chưa kể, với tuổi hiếu động, thích tìm tòi, nhiều HS đã "vào mạng" tìm hiểu trò chơi trực tuyến hay các nội dung chưa phù hợp.
 
Mặc dù để cho cháu lớp 5 tự học, nhưng chị Nguyễn Thị Kim Lệ vẫn thường xuyên theo dõi qua camera để nắm tình hình học của con và kịp thời xử lý những tình huống xảy ra. “Nhiều khi học xong, cháu sử dụng máy tính để xem hoạt hình, chơi game kéo dài dễ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn những rủi ro. Theo dõi camera giúp tôi kịp thời nhắc nhở cháu; đồng thời xử lý các vấn đề xảy ra trong quá trình cháu học trực tuyến”, chị Lệ nói.
 
Để đảm bảo an toàn cho HS, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái đã yêu cầu các đơn vị, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tuyến phải thường xuyên phối hợp với phụ huynh hướng dẫn HS thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn khi sử dụng điện, thiết bị, nhất là vào mùa mưa, bão thường xuyên xảy ra sự cố về điện và đường truyền Internet. Giáo viên khi dạy trực tuyến phải thường xuyên nhắc nhở HS nạp đủ điện cho máy tính, điện thoại, các thiết bị dạy học khác trước khi vào giờ học trực tuyến... Cùng với đó, các đơn vị, cơ sở giáo dục phối hợp với các hội, đoàn thể, gia đình nắm bắt thông tin những HS gặp khó khăn trong việc học trực tuyến, để có biện pháp giúp đỡ, khắc phục kịp thời. Tuyệt đối không để một HS nào vì khó khăn, không đảm bảo an toàn thiết bị phục vụ cho việc học mà không thể học trực tuyến.
 
Bài, ảnh: TÂY PHƯƠNG
 
 
 

.