Tình trạng học sinh bậc THPT trên địa bàn tỉnh bỏ học đang là thách thức không chỉ đối với ngành giáo dục, mà còn là của cả xã hội. Vậy đâu là nguyên nhân?
Thực tế thời gian qua, tình trạng trên không chỉ diễn ra ở khu vực miền núi hay vùng biển, mà có cả ở khu vực đồng bằng. Theo khảo sát từ phía các trường, nguyên nhân chính dẫn đến học sinh bỏ học là do các em học yếu...
Thiếu động lực trong học tập
Trong tổng số 841 em học sinh bậc THPT bỏ học trong năm học 2016 - 2017, thì có đến 567 em bỏ học do học yếu. Các em bị hổng kiến thức quá nhiều, gây tâm lý chán nản trong việc học. Bên cạnh đó, cũng có nhiều em không xác định được mục tiêu học tập, nên dẫn đến bỏ học giữa chừng. Ngoài ra, cũng có một số em hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nên đành gác lại việc học để mưu sinh...
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Qúy Đôn (Bình Sơn) Ngô Quang Vinh, cho biết: Vì là trường top dưới, nên chất lượng đầu vào rất thấp. Nhiều em học rất yếu và bị hỏng kiến thức dẫn đến chán nản trong việc học tập, các em ở vùng biển thường bỏ học để đi biển mưu sinh.
Phân luồng mạnh mẽ trong giáo dục phổ thông sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng học sinh THPT bỏ học giữa chừng. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Lê Trung Đình trong giờ học. |
Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) Lê Đức Quỳnh thì cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các em bỏ học là do học lực yếu, dẫn đến không theo kịp bài giảng của thầy cô và mặc cảm với bạn bè nên nghỉ. Toàn trường có 418 em học sinh bậc THPT, thì có đến 381 em là con em người đồng bào các dân tộc thiểu số. Đa số các em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Vì vậy, trước Tết và trong dịp nghỉ hè, các em thường theo gia đình, bạn bè vào nam mưu sinh. Một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em...
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 1.436 học sinh bỏ học. Trong đó, bậc tiểu học có 24 em, THCS có 571 em và THPT chiếm tỷ lệ cao nhất với 841 em. Nhiều trường có số học sinh bỏ học cao như: THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) có 80 em; THPT Trà Bồng 62 em; THPT Nguyễn Công Phương 53 em; THPT Chu Văn An 47 em; THPT Quang Trung (Sơn Hà) 46 em; THPT Phạm Kiệt (Ba Tơ) 44 em; THPT Vạn Tường (Bình Sơn) 40 em; THCS-THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) 38 em... |
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Qúy Đôn (Bình Sơn) Ngô Quang Vinh, cho biết: Những năm qua, trường đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Cụ thể là, nhà trường thường xuyên động viên những em có nguy cơ bỏ học; đồng thời gắn trách nhiệm với giáo viên chủ nhiệm.
Những em có nguy cơ bỏ học, giáo viên chủ nhiệm phải đến nhà tìm hiểu nguyên nhân, vận động học sinh, thuyết phục phụ huynh cho con em tiếp tục đi học. Với những em học yếu, nhà trường tạo điều kiện cho các em tiếp tục đi học bằng việc động viên, bồi dưỡng bổ sung kiến thức... Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học qua các năm đã giảm. Năm học 2014-2015, trường có gần 90 em bỏ học, thì đến năm học 2016-2017 chỉ còn 24 em bỏ học giữa chừng. Từ đầu năm học 2017-2018 đến nay chỉ có 14 em bỏ học.
Thực tế hiện nay, tình trạng học sinh bỏ học luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục và xã hội, bởi đó là một trong số những tiêu chí để xem xét công nhận trường chuẩn và giữ chuẩn hiện nay. Thầy giáo Lê Đức Quỳnh, chia sẻ: Những năm qua, tình trạng học sinh Trường THCS-THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) bỏ học giữa chừng đã giảm đáng kể.
Năm học 2016-2017, toàn trường có 38 em bỏ học thì đến thời điểm này, toàn trường mới chỉ có 2 em bỏ học. Để có được kết quả đó, nhà trường đã thành lập Ban vận động học sinh ra lớp để phối hợp với các cấp chính quyền, hội đoàn thể để vận động học sinh và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh. Nhà trường cũng tăng cường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, hội trại với nhiều trò chơi dân gian nhằm tạo môi trường học tập thân thiện...
Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu, cho rằng: Việc học sinh bỏ học là điều mà ngành giáo dục không mong muốn, song không thể tránh khỏi, bởi vì nhiều em đi học không có động lực, nên khi bị tác động một vấn đề gì đó là có thể bỏ học. Việc học sinh bỏ học giữa chừng cũng để lại những hệ lụy lớn không chỉ đối với bản thân các em, gia đình mà còn là gánh nặng của toàn xã hội, nếu các em không có ý chí và định hướng rõ ràng cho tương lai.
Theo ông Đỗ Văn Phu, hiện tỉnh ta thực hiện phân luồng 25%. Chỉ tiêu của Trung ương đến năm 2020 sẽ phân luồng 30% và sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo. Hơn nữa, theo chương trình giáo dục mới thì việc phân luồng sẽ mạnh mẽ hơn. Đối với bậc THPT, các em sẽ được định hướng nghề nghiệp để khắc phục tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" và sinh viên ra trường không có việc làm hiện nay.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG