Học sinh bỏ học sau Tết: Đến hẹn lại lên

02:02, 16/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày sau Tết, trong khi học sinh các trường đã bắt đầu bắt nhịp với không khí học tập sôi động trở lại thì ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) trường học vẫn còn thiếu vắng hàng chục học sinh. Bỏ học, vắng học sau Tết là bài toán nan giải, diễn ra lâu nay ở nhiều địa phương. Chính quyền và nhà trường tìm mọi biện pháp vận động các em trở lại lớp học nhưng vẫn không ngăn nổi tình trạng bỏ học nơi đây.

TIN LIÊN QUAN

Đứng trên đầu cầu Nghĩa An, chúng tôi nhận thấy nhịp sống khá sôi động, tàu thuyền ra vào tấp nập ở vùng biển này. Những khoang thuyền đầy cá, thể hiện niềm vui rạng ngời trên gương mặt rám nắng của từng ngư dân. Nhưng cũng thật xót xa khi trên những con tàu vẫn có nhiều thiếu niên đang tuổi ăn, tuổi học phải sớm “đứt chữ”, bươn chải lao động vất vả với nắng, mưa, sóng gió.

Lớp học vắng hoe

Băng qua con đường quanh quẹo, ôm lấy eo biển, chúng tôi đến điểm Trường THCS Nghĩa An- điểm “nóng” học sinh vắng học sau Tết. Dù đã là ngày thứ hai sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhưng tại các khối lớp vẫn còn thiếu vắng nhiều học sinh. Hầu như lớp nào cũng vắng 3-5 học sinh trở lên.

 

Lớp học sau Tết tại Trường THCS Nghĩa An còn vắng học trò.
Lớp học sau Tết tại Trường THCS Nghĩa An còn vắng học trò.


Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Phạm Văn Nghiệp lắc đầu nói: Trong 2 ngày đầu, toàn trường có 75 học sinh vắng học. Trong số này, theo báo cáo của giáo viên chủ nhiệm các khối lớp thì có hàng chục em đã và đang có ý định bỏ học. Đơn cử như khối lớp 9, số học sinh vắng học không giảm mà ngày hôm sau tăng lên 2 học sinh.  

Với khuôn mặt đượm buồn, cô Trương Thị Thu- Giáo viên chủ nhiệm lớp 7D nói: “Cứ sau Tết là lớp lại rơi rụng vài em. Dù trước đó, mình đã động viên, ra sức kèm cặp các em học sinh yếu, kém có ý định bỏ học, nhưng chúng vẫn nghỉ. Điều đáng nói là các em này nghỉ học không phải vì gia cảnh mà chủ yếu là ham chơi, đua đòi theo bạn bè đã nghỉ học trước đó”.  

Cũng có trường hợp học sinh bỏ học theo cha đi biển. Điển hình như em Huỳnh Tấn Danh, bỏ học mấy ngày qua để theo gia đình đi đánh tôm nhí ngoài biển. “Những trường hợp này, mình bó tay vì gia đình các em đã ủng hộ cho con em nghỉ học thì có vận động cũng như dã tràng xe cát”, cô Thu nói. Không chỉ đối diện với tình trạng vắng học, bỏ học của học sinh mà chất lượng học tập của các em rất thấp, giáo viên ở đây khá vất vả để kèm cặp, chỉ dạy. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em chán học. Như trường hợp lớp của cô Thu, học kỳ vừa qua, lớp có 30 học sinh thì đã có 7 học sinh kém, 11 học sinh yếu; 1 học sinh giỏi; 6 khá và chỉ có 5 học sinh học lực trung bình.

Thầy giáo Phạm Văn Nghiệp thở dài, bảo: Nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên nhanh chóng liên lạc với gia đình các em. Những trường hợp có ý định nghỉ học phải đến từng nhà để giải thích, động viên các em đi học lại. Riêng khối lớp 9, trong số 11 em vắng học, theo thông tin giáo viên chủ nhiệm nắm được thì có 3 em nam đã đi biển dài ngày, 2 em nữ đã đi giúp việc ở thành phố.  “Chúng tôi đang phối hợp cùng với chính quyền địa phương tiếp tục vận động gia đình kêu gọi các em trở về học lại”- Thầy Nghiệp nói.

Cha mẹ bất lực

Theo chân thầy giáo Kiều Quang Huy- giáo viên chủ nhiệm lớp 9A đến nhà 5 học sinh có ý định bỏ học, chúng tôi chứng kiến được cái khó, cái khổ mà giáo viên nơi đây đang trải qua. Thấy thầy giáo đến nhà, em Lê Thị Hồng Thơ đã lẻn ra phía sau tránh mặt. Tiếp chúng tôi, mẹ của Thơ- chị Võ Thị Beo, thút thít bảo: “Nói rồi nhưng nó không nghe. Cháu bảo, ba má có nói gì thì con cũng nghỉ, con quyết định rồi!”. Trước sự bất lực của phụ huynh, thầy Huy động viên: “Chị và anh cố gắng khuyên giải cháu, đã tốn 9 năm đèn sách, còn mấy tháng nữa em sẽ tốt nghiệp THCS. Thơ học khá, vừa qua điểm tổng kết 6.5 lận đó. Em nghỉ ngang thế này, thầy cô tiếc lắm!”.

Rời nhà em Thơ, chúng tôi đến nhà em Đỗ Thị Pháp thì hay tin em đã bỏ học đi làm thêm ở một quán ăn trên TP. Quảng Ngãi. Thầy Huy bảo: “Dù các em ở đâu, tôi cũng tìm đến khuyên giải, còn nước còn tát, trừ khi các em đi làm ở thành phố xa thì tôi mới bó tay. Các em nghỉ học thế này, chúng tôi xót xa cho tương lai các em quá”. Chúng tôi tiếp tục đến nhà em Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chứng kiến gia cảnh của em rất khá giả nhưng Tuyền vẫn một mực đòi nghỉ học. Ba em Tuyền cho biết, dù gia đình đã nhiều lần khuyên giải, thậm chí ba mẹ đã dùng đòn roi vẫn chẳng ăn thua. Với họ, sự bất lực thể hiện rõ trên gương mặt buồn bã khi biết con quyết định nghỉ học.

Bài toán nan giải

Ông Đỗ Ngọc Tây- Chủ tịch UBND xã Nghĩa An bày tỏ, năm nào sau Tết địa phương cũng đau đầu chuyện học sinh bỏ học, vắng học. Chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường thống kê danh sách học sinh nghỉ học. Nếu sau 2-3 ngày các em chưa đi học lại, thì chính quyền, hội đoàn thể, hội khuyến học địa phương sẽ đến từng nhà vận động gia đình, khuyên giải các em đi học lại. “Đối với những gia đình bất hợp tác, quyết định cho con nghỉ, ủng hộ con cái nghỉ học thì địa phương cũng đành bất lực”, ông Tây nói.

Thời điểm trước Tết, lo lắng tình trạng học sinh bỏ học, chính quyền địa phương đã chỉ đạo nhà trường bồi dưỡng học sinh yếu kém, tăng cường nắm bắt các em có biểu hiện bỏ học. Địa phương cũng họp với thôn, xóm để tuyên truyền cho nhân dân để cùng với địa phương và nhà trường khống chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết, nhưng điệp khúc bỏ học vẫn cứ lặp lại. Năm 2013, có hơn chục em bỏ học, chính quyền địa phương và nhà trường vẫn không còn cách nào để cứu vãn. Và năm nay tình trạng này lại tiếp tục tái diễn.Tình trạng học sinh bỏ học ở xã Nghĩa An đã đến mức báo động. Các xã ở huyện Tư Nghĩa đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS còn xã Nghĩa An hiện vẫn chưa hoàn thành. Và nếu cứ kéo dài tình trạng này, không biết đến bao giờ học sinh nơi đây mới theo kịp được xu thế học tập và phát triển của xã hội hiện nay.


Bài, ảnh: KIM NGÂN
 


.