Chuyện dạy và học tiếng Anh ở vùng cao

10:04, 02/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đối với người thầy giáo luôn lấy kết quả học tập của trò để làm niềm vui, niềm tự hào. Thế nhưng, với giáo viên dạy tiếng Anh ở vùng cao, kết quả học tập của học sinh mãi là những câu chuyện buồn.

TIN LIÊN QUAN

Cần mẫn như con ong đi lấy mật, hơn 18 năm qua, thầy giáo Trần Mạnh Bạo - Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) đã kiên trì tìm nhiều giải pháp để dạy tiếng Anh cho học sinh người Hrê. Thế nhưng, khi kể lại sự nghiệp trồng người của mình trên vùng cao này, thầy Bạo không mấy vui.

Cô giáo Lê Nguyễn Băng Tuyền, dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) luôn động viên khích lệ các em học tập.
Cô giáo Lê Nguyễn Băng Tuyền, dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) luôn động viên khích lệ các em học tập.


Thầy Bạo nói: "Nhiều em học đến lớp 9 vẫn không biết đọc, biết viết một câu tiếng Anh. Cứ bắt đầu một bài học mới là tất cả từ ngữ, cấu trúc ngữ pháp đến nghĩa của từ đều mới". Buồn là vậy, nhưng theo thầy Bạo, không thể trách các em được, vì khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn khó khăn, huống hồ là tiếng Anh. Các em chưa được làm quen với tiếng Anh ở bậc tiểu học, nên giáo viên khó truyền tải kiến thức. Cộng với đó là môi trường học tập, điều kiện học và kể cả năng lực của các em cũng có hạn. "Hằng ngày trên lớp các em tiếp xúc với bạn bè, về nhà giao tiếp với cha mẹ, làng xóm cũng bằng tiếng mẹ đẻ thì ngôn ngữ phổ thông các em đã khó nhớ, nói gì đến tiếng Anh. Đối với học sinh người Hrê, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ ba", thầy Bạo phân tích.

Để giúp học sinh hiểu bài, thầy Bạo học tiếng Hrê để khi dạy lấy chính ngôn ngữ của đồng bào Hrê giải thích nghĩa của từ tiếng Anh. Nhưng, vì dịch qua 2-3 ngôn ngữ, nên thời gian không đuổi kịp chương trình, dẫn đến chất lượng học không cao.

Thầy Bạo cho biết thêm, ngoài bất đồng về ngôn ngữ, nhiều em cũng chưa thật sự nỗ lực, cha mẹ thiếu quan tâm. Nếu như các em có sự chuẩn bị bài ở nhà trước khi đến lớp thì việc dạy sẽ dễ dàng hơn, nhưng cho đây là môn học khó, nên hầu như các em bỏ trỗi bộ môn này.

Em Phạm Thị Phú, học sinh lớp 9B thật thà, bảo: "Tiếng Anh khó quá. Nhiều từ dài lắm, em không biết đọc, không biết viết, không hiểu nghĩa của từ. Các bạn ở cùng phòng cũng không biết nên em phải đợi lên lớp nghe thầy dạy, chứ không chuẩn bị bài trước được".

Nói đến chuyện dạy tiếng Anh cho học trò vùng cao, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ba Xa, Nguyễn Duy Bắc thở dài: “Rất khó để đạt chất lượng trong việc dạy và học môn tiếng Anh ở vùng cao. Điều kiện dạy học thiếu thốn, năng lực của học sinh thì có hạn”.

Không chỉ học sinh ở Ba Xa, mà học sinh người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao trong tỉnh đều gặp khó khăn trong việc học môn tiếng Anh. Cô giáo Lê Nguyễn Băng Tuyền (dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành) bộc bạch: "Đa số các em đều học trước quên sau. Kết quả điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh mãi là con số nằm sau các môn khác".

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.