Ngăn dòng bỏ học từ mô hình bán trú

10:10, 14/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình trạng học “giã gạo” của học sinh (HS) vùng cao vẫn thường xuyên tái diễn. Song, từ khi mô hình nhà ở bán trú ở một số trường tại huyện Sơn Hà, Sơn Tây được triển khai đã giúp HS có thêm điều kiện để học tập, sĩ số lớp luôn duy trì ở mức cao.

TIN LIÊN QUAN

Giáo viên kiêm “đầu bếp”

Năm học 2015 - 2016, năm đầu tiên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Long (Sơn Tây) tổ chức ở bán trú cho 80/158 HS của nhà trường. Theo quyết định của UBND tỉnh, mỗi tháng một HS bán trú được hỗ trợ 460 nghìn đồng cùng 15kg gạo. Cơ sở vật chất của trường cũng đã được nâng lên rất nhiều so với những năm trước.

Còn nhớ cách đây không lâu, chúng tôi có chuyến công tác về Trường THCS Sơn Long (nay đã đổi tên mới), lúc ấy nhiều em HS có nhà xa, muốn học chữ phải tá túc lại trong những căn chòi tre nứa, nắng nóng, mưa dột. Cả thầy và trò phải đối mặt với biết bao khó khăn về chỗ ở, kinh phí ăn uống hằng ngày, khiến nhiều em không chịu được cực khổ, thường xuyên bỏ học giữa chừng.

 

Học sinh bán trú ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Long ôn bài vào ban đêm.
Học sinh bán trú ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Long ôn bài vào ban đêm.


Hôm chúng tôi đến trường vào chiều muộn, cũng là lúc nhiều thầy và trò đang chuẩn bị cho bữa cơm tối. Ngoài vườn rau xanh mướt mọc lên cạnh khu nhà ở bán trú, các em HS đang tỉ mẩn chăm sóc vườn rau. Thầy Võ Tấn Vũ - Hiệu phó nhà trường chỉ cho các em cách chăm bón rau, làm bờ rào ngăn súc vật phá hoại.

Thầy Vũ cho biết, ngoài số tiền, gạo nhà nước hỗ trợ hằng tháng, thầy và trò ở đây còn trồng thêm rau xanh, nhằm tăng chất lượng bữa ăn cho HS bán trú. Việc trồng rau sạch vốn rất xa lạ với bà con vùng cao, nhưng nhiều em sau khi học cách trồng rau ở trường, khi về nhà đã tự trồng rau xanh cho gia đình mình, cũng là một cách nâng cao kỹ năng sống cho các em.

Ở ngôi trường này, giáo viên, nhân viên nhà trường ngoài công tác chuyên môn còn “kiêm” luôn việc bếp núc cho HS. Cứ 18 giờ hằng ngày, tiếng chiêng báo hiệu vang lên, cũng là lúc hàng chục HS ngồi vào bàn ăn. Các suất ăn gồm cơm, canh, rau, thịt luôn được đảm bảo hằng ngày.

Để những bữa ăn luôn đúng giờ, đảm bảo vệ sinh, chất lượng, giáo viên, nhân viên nhà trường phân công nhau công việc nấu ăn. Dẫu việc làm thầm lặng của các thầy cô ít ai biết đến và cũng không có thêm phần phụ cấp nào từ việc bếp núc, nhưng ai cũng thấy vui, vì HS bán trú bây giờ có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, tình trạng bỏ học giữa chừng không còn tái diễn như trước nữa.

Ngôi nhà chung của thầy và trò

Không chỉ ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Long mà ở Trường Tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà) mô hình ở bán trú sau khi được triển khai cũng giúp hàng chục HS có thêm điều kiện để học tập. Thầy Đặng Văn Cương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm ngoái có 26 em HS ở bán trú, thì nay đã tăng lên 36 em. Các em phần lớn đều có hoàn cảnh nhà nghèo, là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhà cách xa trường, nên các em phải ở bán trú mới theo học chữ được. Ngoài sự hỗ trợ cho HS bán trú của Nhà nước, chúng tôi cũng đi vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để duy trì kinh phí ăn ở cho các em.

Trường bán trú ở xã Sơn Long hay Trường Tiểu học Sơn Ba, thầy và trò đều xem ngôi trường như mái nhà thứ hai của mình. Ở đấy, HS được bao bọc bởi tình yêu thương của  thầy cô. Các em đến trường không chỉ đơn thuần là để học chữ, mà còn học cách tự lập, yêu thương bạn bè, kính trọng thầy cô.

Vui vẻ nhường những món ăn ngon trong bàn cho các em khác, cậu bé Đinh Văn Hưng, HS lớp 9A- Trường bán trú ở xã Sơn Long bảo, em ăn hai chén là đủ no rồi, nên nhường cho các em nhỏ tuổi hơn mình. Nhà em ở tận thôn Nước Đốp, cách trường gần chục cây số đường rừng. Nếu không có nhà bán trú, có lẽ em đã phải nghỉ học giữa chừng rồi.

Buổi tối ở Trường bán trú xã Sơn Long không im ắng như bình thường, bởi tiếng ôn bài vẫn được duy trì đều đặn và chúng tôi thật sự xúc động khi vừa bước chân vào lớp, các em HS đã đồng loạt đứng lên chào những người lớn tuổi hơn mình. Đêm Sơn Long vẫn mưa và lạnh, nhưng chúng tôi cảm thấy ấm lòng, bởi tình cảm của thầy và trò vùng cao nơi đây...


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


.