Gian nan bán trú vùng cao

05:09, 08/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm học 2015 – 2016, các trường tiểu học và THCS miền núi ở Sơn Tây, Tây Trà chuyển sang trường phổ thông dân tộc bán trú. Việc chuyển đổi này có nhiều cái lợi, song với điều kiện cơ sở vật chất hiện có, việc dạy và học bán trú của thầy trò ở đây đang gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Nhiều cái lợi…

So sánh con số học sinh bỏ học của năm học đầu tiên thí điểm bán trú 2014 - 2015 với những năm học trước giảm đáng kể. Thầy Phạm Sơn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà cho biết: Năm học 2011 – 2012 số học sinh bỏ học của Tây Trà gần 200 em. Nhưng năm học 2014 – 2015 chỉ có khoảng 10 em bỏ học giữa chừng. Chưa thể khẳng định tất cả thành quả này đều do việc tổ chức học bán trú đem lại. Song lý giải sau đây của ngành giáo dục Tây Trà sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn những tích cực của học bán trú.

Học sinh Trường PTDT bán trú Trà Thanh trong giờ học.
Học sinh Trường PTDT bán trú Trà Thanh trong giờ học.


Thầy Lê Văn Tư – Hiệu trưởng Trường phổ thông bán trú (PTBT) Trà Lãnh cho rằng, việc thực hiện bán trú cho học sinh THCS thuận lợi cho giảng dạy của giáo viên vùng sâu, vùng xa; giảm tình trạng học sinh đi học theo kiểu “giã gạo”, hoặc  bỏ học giữa chừng. Chất lượng giáo dục được nâng lên đáng kể. Thầy Tư dẫn chứng: “Tỷ lệ học sinh khá tăng lên. Học sinh yếu kém giảm. Các em học chuyên cần hơn. Các em ở bán trú, còn có thầy cô giáo hướng dẫn, kèm cặp”. Thầy giáo Phạm Sơn – Trưởng Phòng GD&ĐT Tây Trà còn khẳng định: “Học bán trú, các em học sinh, nhất là vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập, sống cùng nhau, gần gũi nhà trường, giáo viên hơn nên có thêm điều kiện giao tiếp, học hỏi, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh miền núi”.

Một số thầy cô giáo dạy ở các điểm trường lẻ nhận định rằng, khi tổ chức học bán trú, học sinh không phải đi về mỗi ngày. Vì thế cũng bớt lo lắng các em khi qua sông, suối, đặc biệt là vào thời điểm mưa lũ. Các thầy cô cũng có thêm điều kiện để trò chuyện, sinh hoạt cùng học trò, hiểu tâm tư, nguyện vọng các em, để có thể giúp đỡ khi các em học hành, sinh hoạt, góp phần thay đổi nếp sống theo hướng tiến bộ, văn minh hơn cho các em học sinh là người dân tộc thiểu số.

Nhưng còn lắm khó khăn

Thầy giáo Lê Hoài Thạnh – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây không giấu nỗi băn khoăn: “Năm nay huyện Sơn Tây thí điểm 3 trường THCS chuyển sang bán trú. Lo lắm vì chưa đủ chỗ ăn, chỗ ngủ cho các em”.

Cụ thể, năm học 2015 – 2016, huyện Sơn Tây thực hiện thí điểm 3 trường PTDT bán trú là Sơn Long, Sơn Liên, Sơn Màu. Hiện tại, ngành giáo dục huyện đã sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất để sẵn sàng đón học sinh bán trú theo hướng “liệu cơm gắp mắm”, cùng nhau chia sẻ khó khăn để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới.

Năm 2015 – 2016, huyện Sơn Tây có 300 học sinh được học theo mô hình bán trú trong tổng số 1.400 học sinh THCS toàn huyện. Thầy Lê Hoài Thạnh cho biết, bước đầu chuyển sang mô hình trường bán trú gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí cấp cho hoạt động sự nghiệp giáo dục không tăng trong khi đó việc tổ chức chuyển sang trường PTDT bán trú phải đầu tư kinh phí mua sắm giường chiếu, vật dụng bếp ăn. Rồi phải hợp đồng thêm mỗi trường ít nhất 6 cán bộ để quản lý bán trú, chăm sóc y tế, bảo vệ.

Với huyện Tây Trà, khó khăn này đã trải qua một năm rồi. Với mỗi năm chi phí hợp đồng thêm cán bộ phục vụ 5 lớp bán trú (năm học 2014 – 2015 là 5 lớp, năm nay thêm một trường nữa là Trà Khê) lên đến nửa tỷ đồng. Thầy giáo Phạm Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT Tây Trà cho biết, huyện khó khăn về khoản trả lương cho cán bộ hợp đồng này. Kinh phí cấp cho toàn ngành không tăng nên khi lấy kinh phí để trả lương cho cán bộ hợp đồng thì lại phải cắt bớt khoản chi khác. Cái khó nhất vẫn còn rất nhiều trường học sinh chưa có nhà bán trú, giáo viên chưa có nhà công vụ.

“Theo quy định, giáo viên dạy bán trú được phụ cấp 0,3 hệ số lương cơ bản mỗi tháng. Học sinh được cấp 150.000 đồng/năm. Số tiền này hiện vẫn chưa chi trả được, dù đã thực hiện bán trú được hơn một năm rồi” – thầy Phạm Sơn phản ánh.

Chuyển đổi trường THCS miền núi sang Trường PTDT bán trú là chủ trương đúng đắn. Vì thế, việc quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các trường PTDT bán trú là việc cần phải được ngành giáo dục và chính quyền thực hiện hết trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.